10 nơi có môi trường kinh doanh tốt nhất thế giới năm 2019
New Zealand tiếp tục dẫn đầu danh sách, trong khi đó Mỹ và Anh cùng tụt hạng
Theo báo cáo thường niên về môi trường kinh doanh Doing Business 2019 của Ngân hàng Thế giới (WB), New Zealand tiếp tục là nơi có môi trường kinh doanh tốt nhất thế giới với các chính sách mới giúp giảm chi phí thành lập công ty.
Báo cáo Doing Business của WB đánh giá mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh tại 190 nền kinh tế trên thế giới.
Trong báo cáo năm nay, Mỹ tụt hạng trong bối cảnh lao vào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, còn Anh cũng mất vị thế trong nhóm dẫn đầu khi đang phải đàm phán để rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Mỹ tụt 2 bậc xuống vị trí thứ 6 với những vấn đề nổi cộm như tình trạng quan liêu trong thủ tục thành lập doanh nghiệp và chậm trễ trong việc kết nối điện.
10 nền kinh tế dễ làm kinh doanh nhất trong năm 2019 - Nguồn: WB.
Tại quốc gia có môi trường kinh doanh tốt nhất New Zealand, doanh nhân có thể thành lập một công ty chỉ trong vài giờ. Trong khi đó, ở Lào, thời gian xin giấy phép thành lập công ty lên tới 174 ngày.
Tại khu vực châu Á, Trung Quốc và Ấn Độ dẫn đầu về mức tăng hạng. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cam kết sẽ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Nước này tăng từ vị trí thứ 100 lên 77 trong bảng xếp hạng sau khi cắt giảm thời gian thông quan cho hàng hoá.
Trong khi đó, Trung Quốc tăng từ vị trí 78 lên 46, lần đầu tiên lọt vào top 50 kể từ khi báo cáo Doing Business được đưa ra 16 năm trước. Tại nước này, thời gian kết nối mạng điện cho doanh nghiệp ở Bắc Kinh và Thượng Hải đã giảm từ 150 ngày xuống còn dưới 30 ngày.
Các nền kinh tế tại châu Âu chiếm một nửa các vị trí trong top 10. Georgia vượt qua Mỹ và Anh để giữ vị trí thứ 6. Cùng với New Zealand, Georgia hiện chỉ có một thủ tục để thành lập doanh nghiệp - số lượng ít nhất thế giới. Slovenia là nơi có chi phí thành lập và vận hành doanh nghiệp rẻ nhất thế giới.
Tại 14 nền kinh tế ở Trung Đông và Bắc Phi, vấn đề giới cùng các rào cản đối với doanh nhân nữ vẫn phổ biến. Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất là nền kinh tế duy nhất tại Trung Đông lọt vào top 20 - ở vị trí thứ 11. Trong khi đó, Afghanistan tăng hạng mạnh nhất nhờ ra chính sách bảo vệ các nhà đầu tư thiểu số.
Tại Đông Nam Á, dẫn đầu là Malaysia và Thái Lan với vị trí lần lượt là 15 và 27. Việt Nam tụt một bậc xuống vị trí 69 trong danh sách năm nay.
Ba vị trí chót bảng trong danh sách tiếp tục là Venezuela, Eritrea và Somalia.