1.300 tỷ USD và 7.000 công việc tài chính có thể rời Anh vì Brexit
Các ngân hàng và doanh nghiệp tài chính khác đang dịch chuyển mạnh tài sản và việc làm khỏi Anh
Các ngân hàng và doanh nghiệp tài chính khác đang dịch chuyển mạnh tài sản và việc làm khỏi Anh trong bối cảnh nước này tiến gần hơn đến cuộc "ly dị" với Liên minh châu Âu (EU).
Trang CNN Business dẫn số liệu từ công ty tư vấn kiểm toán EY cho biết kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý Brexit vào mùa hè năm 2016, các công ty dịch vụ tài chính ở Anh đến nay đã công bố kế hoạch chuyển hơn 1.000 tỷ Bảng, tương đương 1.300 tỷ USD, tài sản sang EU. Con số này cao hơn nhiều so với mức 800 tỷ Bảng, tương đương 1,1 nghìn tỷ USD, ước tính ban đầu.
Nhiều ngân hàng ở Anh đã mở văn phòng mới ở Đức, Pháp, Ireland và các nước EU khác để đảm bảo hoạt động kinh doanh ở khu vực sau Brexit. Điều này đồng nghĩa họ phải chuyển một lượng lớn tài sản từ Anh sang các quốc gia châu Âu để thỏa mãn yêu cầu của nhà chức trách EU.
Doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác cũng dịch chuyển tài sản khỏi Anh để bảo vệ khách hàng khỏi biến động thị trường và những thay đổi bất ngờ về quy chế có thể xảy ra khi Anh ra khỏi EU.
Ngành dịch vụ tài chính chiếm khoảng 12% nền kinh tế Anh, sử dụng khoảng 2,2 triệu lao động tại nước này.
Ngoài lượng tài sản khổng lồ chuyển khỏi Anh, các công ty dịch vụ tài chính đã công bố kế hoạch đưa 7.000 công việc từ Anh sang các nước châu Âu. EY ước tính rằng sự dịch chuyển việc làm này sẽ khiến Anh mất ít nhất 600 triệu Bảng, tương đương 794 triệu USD, tiền thuế.
Đánh giá của EY khá tương đồng với đánh giá mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra. Tuần trước, ECB ước tính khoảng 1.200 nghìn tỷ Bảng, tương đương 1.400 tỷ USD, tài sản sẽ rời Anh sang 19 nước sử dụng đồng Euro vì Brexit.
Mức độ dịch chuyển tài sản và việc làm thực tế sẽ phụ thuộc vào các điều khoản của Brexit và thời điểm diễn ra cuộc "ly dị".
Theo kế hoạch, Anh sẽ phải rời EU vào ngày 29/3, nhưng đến nay, Quốc hội Anh vẫn chưa chấp nhận thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng Theresa May đạt được với EU. Vì thế, Brexit sẽ phải hoãn lại hoặc Anh sẽ phải ra khỏi EU mà không có thỏa thuận nào.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã cảnh báo rằng Brexit không thỏa thuận sẽ gây ảnh hưởng khủng khiếp hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Đối với các định chế tài chính, Brexit không thỏa thuận sẽ là một thảm họa, bắt buộc họ phải có các biện pháp chuẩn bị để hạn chế rủi ro.