12:48 28/11/2016

20 năm chứng khoán Việt và “thời điểm khó khăn nhất”

Nguyễn Hoàng

Hiếm có một thị trường chứng khoán nào mới 20 năm đã trải qua tới hai cuộc khủng hoảng lớn của thế giới

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng.
“Khi đã đối mặt và vượt qua những thời điểm gian nguy nhất của cuộc khủng hoảng 2007-2008 thì những biến cố của thị trường sau đó không có gì ghê gớm”, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng nhìn lại những thăng trầm của ngành chứng khoán Việt Nam trong 20 năm qua.

Ngành chứng khoán Việt Nam có một ngày truyền thống là 28/11, lấy theo ngày thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (28/11/1996).

VnEconomy đã có dịp ôn lại những dấu ấn của 20 năm với ông Vũ Bằng, một trong những người đã gắn bó từ những ngày đầu với ngành chứng khoán trong nước, đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng thị trường.

Thận trọng, vừa sức


20 năm tuổi của ngành chứng khoán và 16 năm tuổi của thị trường mới chỉ là tuổi chớm trưởng thành, nhưng rõ ràng những gì có ngày hôm nay là một bước tiến đáng kể. Từ chỗ ban đầu thị trường khớp lệnh 1 lần/ngày và 3 ngày/tuần với duy nhất 2 cổ phiếu, nay đã có gần 1.000 công ty giao dịch trên các sàn khác nhau và vài tháng nữa sẽ có thêm thị trường phái sinh. Theo ông, những bước tiến đó trong vòng 20 năm qua là nhanh hay chậm, có đúng lộ trình định hướng phát triển ban đầu?

Có một chuyện ít người được biết, đó là những ngày đầu tiên mở cửa thị trường, chúng tôi dự kiến khớp lệnh 3 lần/ngày và làm cả tuần.

Tuy nhiên ngay trước ngày chính thức giao dịch, tôi đề xuất điều chỉnh vì không đủ hàng hóa, rút xuống chỉ 1 lần khớp lệnh và 1 tuần chỉ 3 phiên. Đến giờ tôi vẫn nhớ và giữ văn bản kiến nghị đó như một kỷ niệm.

Sau 16 năm, đến giờ ta đã có giao dịch từ xa, khớp lệnh liên tục, các loại lệnh khác nhau và đang triển khai thị trường phái sinh. Tôi cho rằng 20 năm như vậy thực ra là phát triển nhanh.

Tuy nhiên tôi quan niệm rằng, vẫn nên phát triển thận trọng, vừa sức và mục tiêu trước hết là an toàn và bền vững. Thị trường phái sinh sẽ mở vào năm 2017, ban đầu cũng chỉ là tập dượt trong khoảng 5 năm. Thị trường cơ sở là cổ phiếu cũng phải mất chừng 5 năm mới có thể vận hành trơn tru được. Các sản phẩm phái sinh ban đầu đều là đơn giản, phát triển dần từ thấp lên cao.

Thực ra trong mô hình thị trường, hướng đi từ những ngày đầu thì các nét lớn đều đã có. Chẳng hạn ngay từ đầu vấn đề thành lập hai trung tâm giao dịch chứng khoán - sau nâng cấp thành hai sở giao dịch - ở hai miền được coi là bước đi tập dượt để giai đoạn sau sẽ tiến lên mô hình “1 sở 2 sàn” như thông lệ quốc tế. Hay trung tâm lưu ký ngay từ đầu đã được xác định sẽ thực hiện thanh toán giao dịch cho cả thị trường phái sinh…

Với thị trường, chúng ta hình dung một bức tranh cơ sở ban đầu về thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu chính phủ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường phái sinh. Khi phát triển hơn nữa thị trường phái sinh sẽ đa dạng hơn như sản phẩm phái sinh với vàng, hàng hóa, lãi suất… thì đó sẽ là bức tranh hoàn chỉnh.

Nhớ lại những ngày đầu, công tác vất vả nhất là tạo hàng, vì thời điểm năm 2000 chỉ có các doanh nghiệp nhỏ cổ phần hóa, và cũng không ai quan tâm tới việc lên sàn niêm yết. Khi tiếp xúc, hầu hết doanh nghiệp nghe trình bày là từ chối ngay, vì thấy quá phức tạp, phải công bố thông tin, thuế và nhiều quy định mới.

Tôi vẫn nhớ lúc mở cửa thị trường, hàng quá ít nên phải gặp gỡ các đại diện UBND địa phương, trọng tâm là Tp.HCM và Hà Nội. Những buổi làm việc cũng nói tới ích lợi thị trường, tính minh bạch, khả năng huy động vốn, tuy nhiên phản hồi là một câu nói mà tôi nhớ mãi: mặc dù thị trường chứng khoán có nhiều lợi ích, nhưng qua nhiều năm bao cấp, doanh nghiệp vẫn quá rụt rè, dù giờ mở cửa cũng không muốn ra!

Đến giờ, đã có gần 1.000 doanh nghiệp đăng ký, niêm yết cổ phiếu trên sàn và tương lai sẽ còn nhiều hơn nữa. Chỉ từ năm 2005 đến nay, thị trường chứng khoán đã giúp Chính phủ và các doanh nghiệp huy động hơn 2 triệu tỷ đồng và gần 17 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp, đáp ứng khoảng 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tỷ lệ đã tương đương gần 60% so với cung tín dụng qua thị trường tiền tệ - tín dụng.

Đó là một bước tiến dài.

Quyết định quan trọng thời khủng hoảng

Hiếm có một thị trường chứng khoán nào mới 20 năm đã trải qua tới hai cuộc khủng hoảng lớn của thế giới, chưa kể những biến động khác cũng có dư chấn không hề nhỏ. Trong 20 năm đó, đâu là thời điểm ông thấy khó khăn nhất?

Khó khăn có nhiều khía cạnh, mà như tôi mới nói ở trên, những khó khăn ban đầu do trình độ hạn chế, bỡ ngỡ, thiếu thông tin, kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ hay công tác tạo hàng…

Nhưng, khó khăn lớn nhất là khi thị trường rơi vào giai đoạn khủng hoảng toàn cầu 2007-2008.

Trước đó, thị trường đã có một đợt tăng trưởng rất nóng, VN-Index lên trên 1.100 điểm trong bối cảnh dấu hiệu khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra, trong nước thì lạm phát tăng cao.

Lúc đó, có một giáo sư người Đức, lần nào gặp tôi cũng nói rằng thị trường chứng khoán bong bóng và đang tăng ảo. Nó là quả bóng trước mặt và cần phải chọc cho nó vỡ ra, còn hơn để nó vỡ một cách tự phát. Khi đó chúng tôi cũng nhìn thấy thị trường rất nóng, và rất lo lắng.

Các chuyên gia quốc tế cũng chỉ ra, Việt Nam đã có 8/10 dấu hiệu khủng hoảng tài chính và khuyến nghị các biện pháp mạnh. Lúc đó cũng xuất hiện đề xuất thắt dòng vốn nước ngoài lại vì dòng tiền bên ngoài vào quá lớn đổi ra tiền đồng khiến lạm phát tăng cao.

Đề xuất là vốn nước ngoài vào một năm sau mới được rút ra, rút trước thời hạn sẽ bị đánh thuế và không cho rút hết. Nhưng khi mới bàn câu chuyện này, thị trường đã “hóng” được, và biến động rất mạnh.

Chúng tôi khi đó kiến nghị rằng, thị trường đã nóng như thế mà lại thắt dòng vốn thì sẽ đổ vỡ. Kinh nghiệm Thái Lan cho thấy, khi dùng biện pháp này, đã khiến nhà đầu tư nước ngoài rút vốn ồ ạt và thị trường sụp đổ còn nhanh hơn, đến mức Bộ trưởng Tài chính Thái Lan phải tuyên bố hủy bỏ.

Giữa thời điểm khủng hoảng nặng nhất, chúng tôi phân tích, tất cả các yếu tố khủng hoảng đều xuất hiện, và chỉ duy nhất một điểm chưa có là tỷ lệ tổng mức dự trữ ngoại tệ chia cho vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài cộng với nợ ngắn hạn bằng ngoại tệ: nếu ở  mức dưới 2 thì là tương đối rủi ro, dưới 1 là khủng hoảng. Tỷ lệ này của Việt Nam, lúc đó vẫn là 2,4.

Ủy ban Chứng khoán khi đó phải liên tục phân tích tình hình và báo cáo Chính phủ, cứ mỗi tuần một báo cáo. Tôi nhớ khi đó phải sang Bộ Tài chính để chỉnh sửa báo cáo, ăn cơm trưa tại bàn để chờ sửa và in tài liệu để kịp mang đi báo cáo. Thậm chí khi đó cuộc họp đã bắt đầu rồi mà vẫn chưa mang vào kịp.

Chúng tôi cũng phải xây dựng đề án chống khủng hoảng. Ủy ban cho rằng nhận định của các chuyên gia nói vốn đầu tư gián tiếp gây ra hiện tượng đầu cơ, nguy cơ tạo ra đổ vỡ khi rút vốn là chưa chính xác vào thời điểm đó.

Cuối cùng, Chính phủ cũng quyết định, chưa cần thiết phải áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn nước ngoài!

Đây là một quyết định rất quan trọng, vì vào thời điểm đó, các tín hiệu kinh tế trong và ngoài nước đã rất khó khăn, nếu thắt chặt dòng vốn nước ngoài sẽ càng thúc đẩy việc dòng vốn đảo chiều và đổ vỡ thị trường chứng khoán.

Lúc đó thị trường chứng khoán Việt Nam chịu ảnh hưởng từ cả hai yếu tố: nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khi thấy các dấu hiệu cảnh báo khủng hoảng và chính bản thân các chính sách chống lạm phát. Đó không phải lỗi của ai cả, mà là một chu kỳ kinh tế đi xuống. Dĩ nhiên luôn là hệ quả của sự tăng trưởng quá nóng trước đó, mà không có van nào để điều tiết kịp thời.

Ứng xử đã được định hình

Trong giai đoạn nguy ngập nhất như ông vừa nói, biện pháp kỹ thuật mạnh nhất khi đó là thắt biên độ dao động giá, nhưng chưa đến mức tạm dừng giao dịch. Thị trường sau đó cũng trải qua nhiều biến cố khác, như sự kiện “bầu Kiên” hay “biển Đông”... Đã bao giờ quyết định tạm dừng giao dịch được đặt ra hay chưa?

Thật ra cũng có nhiều ý kiến đề nghị tạm ngừng giao dịch như thời điểm 2007-2008 và có nhiều hơn các ý kiến “thăm dò” liệu Ủy ban Chứng khoán có tạm dừng giao dịch hay không.

Sau thời kỳ biến động 2007-2008, thị trường có những sự kiện khác cũng khá lớn, như vụ “bầu Kiên” hay “biển Đông”, biến động thị trường chứng khoán Trung Quốc…, khi đó cũng có ý kiến như vậy.

Tuy nhiên thực ra đối với chúng tôi không có gì lo ngại. Khi đó cái nền của thị trường không có vấn đề gì. Thậm chí thị trường đã từng trải qua những cú sốc còn kinh khủng hơn như thời kỳ 2007-2008, thì những sự kiện sau đó không có gì ghê gớm.

Ứng xử trong các tình huống như vậy đã được định hình. Chúng tôi luôn có những báo cáo phân tích nhanh ngay lập tức, đề xất ứng xử, theo dõi dòng tiền, số liệu cực nhanh.

Ví dụ như trong sự kiện Brexit (cử tri Anh chọn rời Liên minh Châu Âu), chúng tôi chỉ sau một ngày là đã có phân tích cụ thể.

Với một thị trường như hiện tại sau 20 năm, thành tựu cũng có thể kể ra khá nhiều, nhưng liệu có điều gì ông cảm thấy không như ý hay không?

Tôi không quá băn khăn với câu chuyện “nếu làm lại tôi sẽ làm khác”. Chỉ có điều mong muốn làm tốt hơn, ví như câu chuyện phối hợp chính sách tài chính tiền tệ.

Phải mềm mại tất cả các giải pháp đưa ra, vì mỗi giải pháp về chính sách tài chính tiền tệ đều tác động đến thị trường chứng khoán, nên cần có sự phối hợp tốt hơn.

Các chính sách cũng cần minh bạch từ khâu soạn thảo, phải lấy ý kiến, thậm chí là đánh động để thị trường chuẩn bị tinh thần, ban hành có lộ trình, đừng gây sốc.

Điều thứ hai là thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán trong vấn đề xử phạt, thanh tra. Đó là khâu yếu nhất hiện nay. Chúng tôi không được tiếp cận tài khoản ngân hàng, không được triệu tập đối tượng. Khi xử phạt người ta không ký biên bản thì cũng không xử phạt được khiến quá trình xử phạt kéo rất dài.

Mức xử phạt hành chính cũng không đủ để răn đe, nhiều lúc người vi phạm mong xử phạt hành chính cho xong. Muốn răn đe phải chuyển cơ quan công an. Đây cũng là điều các tổ chức quốc tế nhấn mạnh khi cơ quan quản lý thị trường không có nghiệp vụ điều tra.

Thật ra nghiệp vụ điều tra của ngành chứng khoán không giống với điều tra thường hiểu. Điều tra trong lĩnh vực chứng khoán không cần viện kiểm sát phát lệnh. Cơ quan quản lý thị trường chỉ cần tiếp cận tài khoản, phân tích dòng tiền ngân hàng, xác định gian lận để từ đó có chứng cớ chuyển cơ quan công an để xử lý hình sự.

Tham gia điều hành cơ quan quản lý thị trường trong giai đoạn sôi động nhất, đâu là quyết định khó khăn nhất mà ông từng đưa ra?

Có nhiều quyết định khó khăn, nhưng các quyết định liên quan đến thị trường, các quyết định chuyên môn thì không có gì đặc biệt, vì đó là việc phải làm và đã quen thuộc.

Chỉ những quyết định xử lý các vụ việc liên quan đến con người, doanh nghiệp là tâm tư. Đó là chưa kể đến rất nhiều sức ép khác nhau phải vượt qua, mà không thể nói ra được.

Vậy khi nào ông cảm thấy vui nhất?

Đó là khi có người chia sẻ khó khăn, thông cảm cho những vướng mắc không thể vượt qua được. Ngoài ra, còn là thời điểm nhìn thấy hiệu quả tốt của những việc mình làm, mọi người vui vẻ và thị trường được hưởng lợi.