2018, năm u tối của chứng khoán thế giới
Giới phân tích dự báo chứng khoán thế giới sẽ đối mặt thêm những thách thức mới trong năm nay
Thị trường chứng khoán toàn cầu đã khép lại một năm xuống dốc, đồng thời có những dấu hiệu cho thấy sự sụt giảm có thể tiếp diễn trong năm 2019.
Theo trang CNN Business, năm qua, chứng khoán thế giới đã chịu áp lực giảm mạnh mẽ từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, nỗi lo lãi suất tăng, và một số bất ổn chính trị như Brexit. Dù năm 2018 đã kết thúc, những thách thức này hầu như chưa được giải quyết.
Chỉ số FTSE All-World Index, một thước đo của chứng khoán toàn cầu, giảm 12% trong năm 2018. Đây là năm giảm tồi tệ nhất của chỉ số này kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đảo ngược mức tăng gần 25% ghi nhận trong năm 2017.
Giới phân tích dự báo chứng khoán thế giới sẽ đối mặt thêm những thách thức mới trong năm nay. Chuyên gia kinh tế trưởng Neil Shearing của Capital Economics mới đây cảnh báo rằng triển vọng kinh tế toàn cầu 2019 khó khăn hơn, và sự suy giảm tăng trưởng có thể gây ra những ảnh hưởng quan trọng đối với các thị trường tài chính.
"Chúng tôi dự báo thị trường tài chính toàn cầu một lần nữa chật vật trong năm 2019, trong đó chứng khoán Mỹ có thể chứng kiến mức giảm mạnh nhất", một báo cáo của ông Shearing có đoạn viết.
Năm đáng quên của chứng khoán châu Á
Giảm mạnh nhất ở khu vực châu Á năm nay là chứng khoán Trung Quốc. Nhà đầu tư cổ phiếu ở nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới đã cảm nhận rõ ảnh hưởng của chiến tranh thương mại, sự giảm tốc tăng trưởng, và chiến dịch giảm nợ của Bắc Kinh.
Chỉ số Shanghai Composite Index đã rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market) vào tháng 6 và chốt năm 2018 với mức giảm gần 25%. Shenzhen Composite Index, chỉ số với sự đóng góp của nhiều cổ phiếu công nghệ lớn nhất Trung Quốc, giảm hơn 33% trong năm.
Tại thị trường Hồng Kông, chỉ số Hang Sheng mất 14% trong năm 2018.
Ảnh hưởng của chiến tranh thương mại được dự báo sẽ hiện rõ hơn trong những tháng sắp tới, tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu và lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết của Trung Quốc. Điều khó dự báo là nền kinh tế Trung Quốc sẽ giảm tốc đến mức độ nào và Chính phủ nước này sẽ tiến xa đến đâu trong việc hỗ trợ tăng trưởng.
Các thị trường chứng khoán chủ chốt khác ở châu Á cũng không tránh được sự giảm điểm mạnh trong năm 2018. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 17%; Nikkei 225 và Topix của Nhật sụt tương ứng 12% và 18%.
Chứng khoán châu Âu sụt sâu
Chỉ số DAX của thị trường chứng khoán Đức đã giảm 18% trong năm ngoái. Các hãng sản xuất xe của Đức chứng kiến giá cổ phiếu giảm đặc biệt mạnh do nỗi lo về thuế quan và các cuộc kiểm tra khí thải mới.
Thị trường chứng khoán Italy sụt 16% do ảnh hưởng của mâu thuẫn ngân sách giữa Chính phủ dân túy của nước này với Liên minh châu Âu (EU).
Chỉ số IBEX của chứng khoán Tây Ban Nha giảm 15%, chỉ số CAC của chứng khoán Pháp sụt 11%.
Trong năm 2019, Brexit được dự báo tiếp tục là một rủi ro lớn đối với châu Âu. Chứng khoán Anh có thể "lãnh đủ" nếu nước này rời khỏi EU mà không có thỏa thuận nào, chưa kể các công ty nước ngoài làm ăn tại Anh cũng chịu ảnh hưởng. Năm qua, chỉ số FTSE 100 của chứng khoán Anh mất 12,5%, mức giảm mạnh nhất trong 1 thập kỷ.
"Nỗi đau" ở Phố Wall
Tính chung cả năm 2018, chỉ số S&P giảm 6,2%, Dow Jones giảm 5,6%, và Nasdaq giảm 3,9%. Với mức giảm này, đây là năm tồi tệ nhất ở Phố Wall kể từ 2008.
Ngoài ra, mức độ biến động của chứng khoán Mỹ cũng đạt đỉnh lịch sử trong năm nay. S&P đã có 9 phiên tăng hoặc giảm hơn 1% trong tháng 12, và có 64 lần biến động tương tự trong cả năm, so với chỉ 8 lần trong năm 2017.
Những thị trường tăng điểm
Giảm là xu hướng chung, nhưng chứng khoán thế giới vẫn có một số thị trường lớn tăng điểm mạnh trong năm 2018.
Trong đó, chỉ số Sensex của chứng khoán Ấn Độ chốt năm với mức tăng gần 3%. Chỉ số Boves của chứng khoán Brazil tăng 15%.