3 nguyên tắc, 5 giải pháp đảm bảo cung cấp đủ điện trong mọi tình huống
Bộ Công Thương dự kiến tổng công suất nguồn điện mới bổ sung năm 2022 đạt 3.164 MW, bao gồm 1.930 MW nhiệt điện; 1.244 MW thủy điện, trong đó 1.132 MW thủy điện nhỏ…
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình cung ứng điện; đồng thời đưa ra các giải pháp cấp bách nhằm đảm bảo cung cấp điện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế đất nước cũng như đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Trong đó, Bộ Công Thương xác định 3 nguyên tắc chính đối với việc đảm bảo cung cấp điện trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Thứ nhất, tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước và sinh hoạt của nhân dân, trong mọi tình huống không để xảy ra thiếu điện
Thứ hai, bám sát tăng trưởng nhu cầu điện, tình hình khôi phục và phát triển kinh tế để cập nhật dự báo phụ tải theo các kịch bản phụ tải cơ sở, kịch bản phụ tải phát triển cao trong điều kiện bình thường và điều kiện bất lợi nhất của năm 2022 và các năm tiếp theo để chỉ đạo, điều hành.
Thứ ba, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giữ vai trò chủ đạo, chịu trách nhiệm chính trong đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và các nhu cầu xã hội.
Căn cứ trên đánh giá về tình hình cung cấp điện trong thời gian tới, Bộ Công Thương và EVN đã đưa ra 05 giải pháp chính nhằm đảm bảo cung cấp điện.
Một là, thực hiện rà soát các dự án điện đang xây dựng và đưa vào vận hành trong giai đoạn 2021-2025, đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo tiến độ đã đề ra, chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng và vận hành các công trình nguồn và lưới điện.
Bộ Công Thương dự kiến tổng công suất nguồn mới bổ sung năm 2022 đạt 3.164 MW, bao gồm 1.930 MW nhiệt điện; 1.244 MW thủy điện, trong đó 1.132 MW thủy điện nhỏ. Bộ cũng đang chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tập trung toàn lực, thúc đẩy dự án nhiệt điện Thái Bình 2 (1.200 MW) phấn đấu hòa lưới điện tổ máy số 1 vào tháng 5/2022.
Hai là, rà soát các dự án có khả năng đẩy sớm tiến độ xây dựng và đưa vào vận hành để bổ sung khả năng cấp điện sớm trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.
Theo đó, Bộ Công Thương sẽ giao đơn vị chuyên môn rà soát các công trình nguồn và lưới điện đã có trong quy hoạch, kế hoạch, có giải pháp để đẩy sớm tiến độ thực hiện.
Đồng thời chỉ đạo EVN nghiên cứu thêm các giải pháp nhằm vận hành an toàn hệ thống điện, nhất là trong điều kiện tỷ lệ nguồn điện năng lượng tái tạo ở mức cao. Trước mắt sẽ rà soát trước các công trình thuộc khu vực miền Bắc để chống thiếu nguồn.
Ba là, khẩn trương triển khai xây dựng các đường dây, trạm biến áp giải tỏa công suất các dự án hiện hữu, nhất là các công trình năng lượng tái tạo.
Bộ Công Thương sẽ tổ chức rà soát, chỉ đạo EVN đẩy nhanh tiến độ tất cả các công trình lưới điện đảm bảo việc giải tỏa công suất các nguồn điện đã xây dựng, trong đó có các nguồn điện từ năng lượng tái tạo.
Mục tiêu yêu cầu không để các nguồn điện đã xây dựng bị hạn chế công suất do quá tải. Trong khi chờ Luật Điện lực sửa đổi quy định về độc quyền truyền tải, cần tăng cường thu hút đầu tư của các chủ đầu tư nhà máy điện vào các công trình đấu nối.
Bốn là, chỉ đạo EVN đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết và triển khai thực hiện các Hợp đồng nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào.
Năm là, Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo EVN triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn vận hành, bao gồm việc chỉ đạo các chủ đầu tư các nhà máy điện đảm bảo công tác quản lý, bảo dưỡng các tổ máy phát điện vận hành an toàn, ổn định.
Chỉ đạo EVN vận hành an toàn hệ thống lưới điện, đặc biệt là hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc - Nam và hệ thống truyền tải điện; chỉ đạo EVN và các đơn vị thành viên làm việc với các khách hàng có nguồn điện dự phòng chuẩn bị sẵn sàng vận hành để bổ sung nguồn cung cấp điện trong trường hợp bất lợi không nhận được điện từ hệ thống.
Đồng thời xây dựng và đề xuất cơ chế cho chương trình điều chỉnh phụ tải điện (Demand Response), bố trí lịch sửa chữa nguồn điện phù hợp, sử dụng tiết kiệm nguồn nước thủy điện, nâng cao khả dụng các nguồn điện nhất là vào cao điểm mùa khô ở miền Bắc…
Trên cơ sở các nguyên tắc và giải pháp nêu trên Bộ Công Thương sẽ tập trung chỉ đạo ngành điện thực hiện nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước và sinh hoạt của nhân dân, phấn đấu cung cấp đủ điện trong bất cứ tình huống nào.
Để đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngoài sự nỗ lực cố gắng của Bộ Công Thương, EVN rất cần có sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp của các Bộ, Ngành trung ương và các địa phương.
Trong đó việc Chính phủ sớm phê duyệt Quy hoạch phát triển điện quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện 8) là giải pháp quan trọng góp phần giảm nguy cơ thiếu điện trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế đất nước, hậu Covid-19.