Nghệ An: Xuất khẩu 6 tháng đạt 1,8 tỷ USD
Vượt sóng dữ trong bối cảnh thương mại toàn cầu bất định, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Nghệ An trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt 1,8 tỷ USD, tăng mạnh 25,1% so với cùng kỳ. Những giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp, chủ động tháo gỡ khó khăn được xem là “bệ đỡ” quan trọng cho thành công này.

Theo ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An, tổ công tác chỉ đạo tăng trưởng xuất nhập khẩu năm 2025 đã triển khai hàng loạt hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt khó, giữ vững đà tăng trưởng xuất khẩu.
Trong đó, nổi bật là các chương trình tập huấn về quy tắc và thủ tục chứng nhận xuất xứ hàng hoá theo các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết; đào tạo nghiệp vụ cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) không ưu đãi; đồng thời tham mưu UBND tỉnh xây dựng Nghị quyết hỗ trợ xúc tiến thương mại với những chính sách cụ thể, thiết thực.
XUẤT KHẨU TĂNG TRƯỞNG NHỜ GIẢI PHÁP ĐỒNG HÀNH VÀ CÁC DỰ ÁN LỚN
Trước các biến động chính sách thương mại từ Mỹ, đặc biệt là việc siết chặt thuế đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, Sở Công Thương đã nhanh chóng tổ chức Tọa đàm trực tuyến kết nối doanh nghiệp Nghệ An với Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, chuyên gia, kiều bào và doanh nghiệp bản địa, cập nhật kịp thời các thông tin trong nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump. Song song đó, cơ quan chuyên môn đã đưa ra nhiều cảnh báo sớm về các rủi ro liên quan đến phòng vệ thương mại, giúp doanh nghiệp có phương án điều chỉnh chiến lược.
Nhờ vào các giải pháp đồng bộ, kiên trì tháo gỡ khó khăn, xuất khẩu của Nghệ An đã tăng mạnh so với cùng kỳ, trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế tỉnh nhà. Riêng tháng 6/2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 339 triệu USD. Lũy kế 6 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2024. Nhập khẩu hàng hóa tháng 6 đạt 200 triệu USD, nâng tổng nhập khẩu 6 tháng lên 1,324 tỷ USD, tăng 8,2%
Thành tích này có đóng góp lớn từ nhiều dự án FDI quy mô lớn đã chính thức đi vào vận hành ổn định. Trong đó, Luxshare đạt công suất trên 100 triệu sản phẩm, kim ngạch xuất khẩu ước 500 triệu USD; Goertex Vina công suất 381 triệu sản phẩm/năm, kim ngạch 500 triệu USD; Everwin Precision đạt công suất thiết kế 270 triệu sản phẩm/năm, giá trị xuất khẩu ước khoảng 400 triệu USD. Các dự án khác như Emtech, BSE, Sonix Vina, Jianyin (thuộc Công ty TNHH Giai Âm), Gia Nhật Plastic… cũng đóng góp kim ngạch đáng kể, bình quân mỗi dự án ước đạt 100 triệu USD.
Hàng hóa sản xuất tại Nghệ An được xuất khẩu sang 125 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, trong đó có nhiều thị trường lớn và ổn định như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Các nhóm hàng tăng trưởng mạnh bao gồm: thiết bị, linh kiện điện tử tăng 110,98%; giày dép các loại tăng 105%; hàng dệt may tăng 35,64%; dây và cáp điện tăng 18%...
ÁP LỰC TỪ THUẾ VÀ NHỮNG THÁCH THỨC TIỀM ẨN
Dù ghi nhận những kết quả nổi bật, hoạt động xuất khẩu của Nghệ An vẫn đang đứng trước nhiều rủi ro, đặc biệt từ các diễn biến chính trị - thương mại quốc tế. Từ ngày 9/6/2025, Mỹ dự kiến áp dụng mức thuế chống bán phá giá từ 52 – 271% và thuế chống trợ cấp từ 68 – 542% đối với pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Việt Nam. Đây là một cú sốc lớn với ngành sản xuất thiết bị năng lượng mới, trong đó có các doanh nghiệp lớn tại Nghệ An.
Điển hình là Công ty TNHH Công nghệ Runergy PV, chuyên sản xuất thanh silic đơn tinh thể và đĩa bán dẫn – thành phần quan trọng trong sản xuất module pin năng lượng mặt trời. Trong năm 2024, công ty đạt kim ngạch xuất khẩu trên 74 triệu USD, nhưng sang năm 2025, xuất khẩu sụt giảm mạnh, buộc doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, thu hẹp sản lượng. Hiện nay, công ty đang chờ chính sách điều chỉnh từ phía Hoa Kỳ, đồng thời tìm kiếm cơ hội hợp tác với các nhà sản xuất từ Thái Lan, Trung Quốc để mở rộng thị trường.
Không chỉ Runergy, nhiều mặt hàng khác cũng đang chịu tác động dây chuyền. Hoa quả chế biến và nước ép hoa quả xuất sang Mỹ giảm mạnh 60-70%. Trong tháng 4 và 5, mặt hàng dăm gỗ giảm sâu do nhu cầu từ Trung Quốc chững lại – hệ quả gián tiếp từ các biện pháp đối ứng với thuế Mỹ. Giá dăm gỗ giảm, tinh bột sắn rơi vào cảnh tồn kho, xuất khẩu chậm do đơn hàng ít dần.
Đặc biệt, dù sản phẩm địa phương phong phú, nhưng quy mô sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún. Nhiều mặt hàng nông sản chưa đáp ứng được tiêu chuẩn vào hệ thống phân phối bán lẻ lớn trong nước và nước ngoài – cả về chất lượng, quy cách đóng gói lẫn năng lực cung ứng số lượng lớn theo chuỗi.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Nghệ An đa số có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh hạn chế, công nghiệp hỗ trợ còn yếu, thiếu các dự án đầu tàu để dẫn dắt chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Sự phát triển vẫn còn phân hóa mạnh giữa các vùng miền trong tỉnh, là rào cản không nhỏ trong nỗ lực hội nhập và mở rộng thị trường.
Dẫu vậy, Nghệ An vẫn đặt ra mục tiêu đầy tham vọng: tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2025 ước đạt 4,5 tỷ USD – trong đó hàng hóa xuất khẩu đạt 4 tỷ USD, vượt xa mục tiêu Nghị quyết đại hội (1,295 tỷ USD), tăng 24,75% so với năm 2024. Con số này cũng trùng với mục tiêu trong Đề án phát triển xuất khẩu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025.
“Chúng tôi xác định thách thức còn dài nhưng không bi quan. Khi thị trường thay đổi, cần những hành động cụ thể, liên tục, sát với doanh nghiệp và sát với dòng chảy của thương mại quốc tế. Cùng doanh nghiệp đi qua thời kỳ khó khăn, cũng là cách để tích lũy năng lực dài hạn cho xuất khẩu Nghệ An” – ông Phạm Văn Hóa nhấn mạnh.