4 quyết định kinh doanh lớn nhất của người sáng lập Amazon
Chưa bao giờ ngừng thúc đẩy những giới hạn, Jeff Bezos đã đưa Amazon từ công ty bán sách trực tuyến vào năm 1994 trở thành hãng thương mại điện tử lớn nhất thế giới
Jeff Bezos là nhà sáng lập, giám đốc điều hành của Amazon - hãng thương mại điện tử lớn nhất thế giới và cũng là người giàu nhất hành tinh với tài sản hơn 132 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.
Trong quá trình xây dựng hãng bán lẻ trực tuyến khổng lồ, Bezos chưa bao giờ sợ hãi khi vượt qua các giới hạn với những sản phẩm mới, khi chấp nhận rủi ro tại các thị trường mới hay chứng minh những người nghi ngờ ông đã sai.
Dưới đây là 4 quyết định kinh doanh lớn nhất mà người sáng lập Amazon từng đưa ra, theo CNBC.
Bỏ công việc tốt để thành lập startup bán sách trực tuyến năm 1994
Khi quyết định thành lập Amazon, Bezos đã từ bỏ công việc ổn định để dành toàn bộ thời gian cho một thứ được xem là mơ hồ vào thời điểm đó.
Vào đầu những năm 1990, "tôi đang làm việc cho một công ty tài chính tại New York với những đồng nghiệp thông minh, và tôi có một vị sếp tuyệt vời mà tôi vô cùng ngưỡng mộ", ông chủ Amazon chia sẻ trong bài phát biểu tốt nghiệp tại Đại học Princeton vào năm 2010. "Tôi đã đến gặp sếp của mình và nói rằng tôi muốn lập một công ty bán sách qua internet".
Lúc đó, internet vẫn còn là thứ mới mẻ, vì vậy, sếp của ông không thấy thuyết phục. "Ông ấy đưa tôi đi bộ một vòng dài tại Công viên Central Park, chú tâm lắng nghe tôi và cuối cùng nói rằng: 'đó có vẻ là một ý tưởng tốt, nhưng đây là điều dành cho ai đó không có một công việc tốt'", Bezos nhớ lại. "Logic này cũng có lý với tôi ở góc độ nào đó và ông ấy đã thuyết phục tôi suy nghĩ về nó trong 48 giờ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng".
"Trong bối cảnh đó, đây thực sự là một quyết định khó khăn. Cuối cùng, tôi quyết định mình phải thử", ông chủ Amazon nói. "Tôi nghĩ rằng mình sẽ không hối tiếc khi thử và thất bại. Và tôi ngờ rằng mình sẽ luôn bị ám ảnh bởi quyết định không liều thử một lần. Sau nhiều cân nhắc, tôi quyết định chọn con đường kém an toàn hơn để theo đuổi đam mê và tôi tự hào về quyết định đó".
Ra mắt Amazon Prime vào năm 2005
Khi Amazon ra mắt dịch vụ Amazon Prime đúng thời điểm công bố kết quả kinh doanh vào năm 2005, nhiều người hoài nghi rằng khách hàng sẽ chẳng bao giờ sẵn sàng trả phí 79 USD một năm để sử dụng chương trình thành viên này. Còn một số khác thì băn khoăn liệu Amazon sẽ giải quyết chi phí vận hành của dịch vụ này như thế nào, theo tờ Washington Post.
"Ban đầu, Prime vấp phải nhiều hoài nghi và chúng tôi hiển nhiên đã quan sát kỹ lưỡng phản ứng của những người đăg ký dịch vụ", Greg Greeley, phó chủ tịch phụ trách Amazon Prime Global nói với tờ Washington Post khi đó.
Tuy nhiên, Bezos và đội ngũ của ông đã rất kiên định. "Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng dịch vụ này sẽ không thành công. Đây là thử nghiệm mà chúng tôi biết rằng mình sẽ thành công - thất bại không phải là một lựa chọn", Greeley nói.
Phát minh lại "sách"
Ngày 19/11/2007, Amazon ra mắt phiên bản Kindle đầu tiên. Dù đây không phải là máy đọc sách điện tử đầu tiên trên thị trường - Sony trước đó ra mắt e-book vào năm 2004 - Kindle đã khơi mào xu hướng đọc sách mới.
"Ngày đầu tiên của tôi tại Amazon là ngày mà Kindle ra mắt - 19/11/2007. Tôi bước vào văn phòng và mọi người như phát cuồng. Tôi cho rằng đó là điều sẽ xảy ra mỗi ngày ở đây", Chris Green, phó chủ tịch phụ trách thiết kế tại công ty nghiên cứu và phát triển phần cứng Lab126 của Amazon, nói với tờ Techcrunch vào năm 2017. "Và vào buổi sáng hôm sau khi tôi đến, họ đã bán sạch tất cả Kindle, chỉ trong một ngày".
Mua lại Whole Foods
Tháng 6/2017, Amazon tuyên bố mua lại chuỗi cửa hàng thực phẩm Whole Foods trong thương vụ trị giá 13,7 tỷ USD. Đây là thương vụ chấn động với ngành bán lẻ truyền thống.
"Đây là cơn địa chấn đối với mảng thực phẩm và toàn ngành bán lẻ truyền thống", Mark Hamrick, nhà phân tích kinh tế cấp cao tại Bankrate.com, nói với CNBC thời điểm đó. "Chúng ta có thể hình dung những đổi mới công nghệ mà Amazon sẽ mang đến cho trải nghiệm mua sắm của khách hàng".
Thời điểm đó, trang tin công nghệ Recode gọi thương vụ này là "động thái quyền lực của Amazon đối với ngành bán lẻ truyền thống".
Từ đó đến nay, Amazon cũng đã cho thấy tín hiệu rằng công ty này sẽ tiếp tục mở rộng sang lĩnh vực dược phẩm kê đơn với việc mua lại PillPack, đồng thời khiến các công ty như FedEx phải "nóng mặt" khi tung ra dịch vụ giao hàng chặng cuối (last-mile delivery) - Delivery Service Partners.