09:06 08/07/2025

Hàng hoá trên các sàn thương mại điện tử sẽ phải cung cấp cả chứng nhận tiêu chuẩn

Bạch Dương

Trước đây, các sàn thương mại điện tử cho phép các hộ kinh doanh tự do đăng bán sản phẩm mà không cần kiểm chứng chất lượng. Tuy nhiên, quy định mới sẽ yêu cầu các sàn phải cung cấp cả chứng nhận tiêu chuẩn của tất cả các sản phẩm...

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa sẽ nâng cao trách nhiệm doanh nghiệp và bảo vệ người tiêu dùng. 
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa sẽ nâng cao trách nhiệm doanh nghiệp và bảo vệ người tiêu dùng. 

Theo ông Hà Minh Hiệp, Chủ tịch Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ), quy định mới này trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (có hiệu lực từ ngày 1/1/2026), sẽ nâng cao trách nhiệm doanh nghiệp và bảo vệ người tiêu dùng. 

Luật sửa đổi, bổ sung lần này đã đổi mới toàn diện phương thức quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo 5 định hướng lớn.

Thứ nhất, chuyển đổi mô hình quản lý chất lượng theo rủi ro. Cụ thể, phân loại sản phẩm, hàng hóa được chuyển từ phân nhóm hành chính (nhóm 1, nhóm 2) sang phân loại sản phẩm, hàng hóa theo ba mức độ rủi ro (thấp, trung bình, cao). Ưu tiên giám sát và hậu kiểm thay cho tiền kiểm nhằm tăng hiệu qua, giảm can thiệp hành chính. 

Theo đó, với nhóm có rủi ro thấp, doanh nghiệp được phép tự công bố tiêu chuẩn áp dụng. Đối với nhóm rủi ro trung bình, ngoài việc công bố tiêu chuẩn, doanh nghiệp phải tự đánh giá hoặc thông qua tổ chức chứng nhận đã được công nhận để đánh giá sự phù hợp. Riêng nhóm sản phẩm có rủi ro cao, doanh nghiệp bắt buộc phải được chứng nhận từ bên thứ ba. 

Ông Hà Minh Hiệp, Chủ tịch Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ).
Ông Hà Minh Hiệp, Chủ tịch Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ).

Thứ hai, giảm nhẹ thủ tục hành chính đối với hàng nhập khẩu. Luật bổ sung quy định tạo thuận lợi cho hàng hóa nhập khẩu có mức độ rủi ro trung bình được công bố hợp quy dựa trên kết quả tự đánh giá hoặc chứng nhận hợp quy của tổ chức chứng nhận được công nhận, không phải công bố lại đối với lô hàng cùng loại, trừ khi có thay đổi về quy chuẩn kỹ thuật, đặc tính sản phẩm hoặc cảnh báo từ cơ quan có thẩm quyền.

Thứ ba, lần đầu tiên Luật xác lập khung pháp lý về hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI), là hệ sinh thái bao gồm tiêu chuẩn, đo lường, đánh giá sự phù hợp (bao gồm cả công nhận), kiểm tra và xây dựng chính sách. 

Nhà nước sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng chất lượng quốc gia trên nền tảng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan kiểm tra chất lượng, hải quan, truy xuất nguồn gốc, phản ánh người tiêu dùng và cảnh báo quốc tế để nâng cao năng lực giám sát và cảnh báo sớm.

"Lần đầu tiên, hoạt động truy xuất nguồn gốc được luật hóa, đánh dấu bước tiến quan trọng trong quản lý chất lượng hàng hóa. Đặc biệt, đối với các sản phẩm có mức độ rủi ro cao, việc truy xuất nguồn gốc sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc", ông Hiệp cho biết. 

Thứ tư, xây dựng hệ thống giám sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Luật yêu cầu thiết lập hệ thống giám sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa cấp quốc gia có chức năng: kết nối dữ liệu giữa các cơ quan quản lý; thu thập, phân tích phản ánh, cảnh báo từ người tiêu dùng; hỗ trợ hậu kiểm và xử lý rủi ro chất lượng.

Thứ năm, quản lý chất lượng hàng hóa trên nền tảng số. Luật đã bổ sung quy định quản lý chất lượng hàng hóa kinh doanh trên nền tảng số phục vụ giao dịch điện tử, trong đó làm rõ trách nhiệm của người bán và trách nhiệm của chủ quản nền tảng số trung gian phục vụ giao dịch điện tử trong việc bảo đảm chất lượng hàng hóa.

Người bán phải công khai trung thực thông tin về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Chủ quản nền tảng số trung gian phải có biện pháp kiểm tra, xử lý đối với hàng hóa vi phạm pháp luật về chất lượng; thiết lập và vận hành hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Theo ông Hiệp, quy định mới nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc công bố thông tin sản phẩm, đặc biệt là với các mặt hàng điện tử. Trước đây, các sàn thương mại điện tử cho phép các hộ kinh doanh tự do đăng bán sản phẩm mà không cần kiểm chứng. Nhưng sắp tới, các sàn sẽ phải cung cấp cả chứng nhận tiêu chuẩn của tất cả các sản phẩm. 

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã thể hiện sự chuyển hướng rõ nét trong tư duy lập pháp: từ quản lý hành chính cứng nhắc sang quản trị rủi ro, từ khuyến khích sang chế tài hợp lý, từ tiền kiểm sang hậu kiểm dựa trên dữ liệu và công nghệ số. Điều này không chỉ giúp tăng hiệu quả thực thi pháp luật mà còn góp phần giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, thúc đẩy năng lực cạnh tranh quốc gia và bảo đảm công bằng, minh bạch trên thị trường.