4 tháng: Nông lâm ngư xuất siêu 2,7 tỷ USD
Kim ngạch xuất khẩu lâm sản tăng gần 18%
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thuỷ sản tháng 4/2019 ước đạt 3,5 tỷ USD. Lũy kế 4 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước đạt 12,4 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm ngoái; thặng dư thương mại ước đạt 2,7 tỷ USD, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, trong 4 tháng đầu năm nay, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 46 nghìn ha, tăng 1,72% so với cùng kỳ năm trước, trong đó trồng mới rừng sản xuất đạt 45,8 nghìn ha. Sản lượng gỗ rừng trồng khai thác từ đầu năm đến nay đạt 6,23 triệu m3, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Xuất khẩu lâm sản, đồ gỗ tăng 17,8%
Trong 4 tháng đầu năm, cả nước đã thu được 755,24 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, đạt 23,6% kế hoạch năm và tăng 9% so với cùng kỳ. Trong tháng 4/2019, cả nước đã phát hiện 682 vụ vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; diện tích rừng bị thiệt hại 66 ha (do phá rừng là 48 ha, cháy rừng là 18 ha).
Lũy kế 4 tháng, cả nước đã phát hiện 3.151 vụ vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, giảm 1.076 vụ (tương đương với giảm 25%) so với cùng kỳ; diện tích rừng bị thiệt hại 192 ha, giảm 23% so với 4 tháng năm 2018.
Lâm sản và đồ gỗ cũng là lĩnh vực xuất khẩu nổi bật nhất từ đầu năm đến nay, tăng trưởng cao nhất trong các mặt hàng nông lâm thuỷ sản xuất khẩu. Với giá trị kim ngạch xuất khẩu trong tháng 4/2019 ước đạt 875 triệu USD, đưa kim ngạch xuất khẩu lâm sản 4 tháng đầu năm 2019 ước đạt 3,278 tỷ USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Cán cân thương mại lâm sản trong 4 tháng qua đã đạt xuất siêu tới 2,488 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu lâm sản chính của Việt Nam hiện nay, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc, chiếm khoảng 87% tổng kim ngạch xuất khẩu lâm sản.
Theo Tổng cục Thủy sản, sản lượng thuỷ sản thu hoạch trong 4 tháng đầu năm nay ước đạt 2,2 triệu tấn, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm: khai thác đạt 1,14 triệu tấn (tăng 5,0% so với cùng kỳ năm trước); sản lượng nuôi trồng đạt 1,05 triệu tấn (tăng 4,8%). Trong đó, sản lượng cá tra nuôi thu hoạch 414,3 nghìn tấn (tăng 11%); sản lượng tôm nước lợ thu hoạch đạt 119,1 nghìn tấn (tăng 5,0% so với cùng kỳ năm 2018).
Thủy sản cũng là lĩnh vực duy trì được đà tăng trưởng với giá trị xuất khẩu, với giá trị kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm nay ước đạt 2,48 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu cá tra ước đạt 635 triệu USD (tăng 4,3%); xuất khẩu tôm các loại ước đạt 913 triệu USD.
Xuất khẩu nông sản giảm về giá trị
Đối với ngành nông nghiệp, đến thời điểm này, miền Nam đã cơ bản thu hoạch 89% diện tích lúa đông xuân, năng suất bình quân đạt 67 tạ/ha. Ngành chăn nuôi lợn vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức để kiểm soát tác động của dịch tả lợn châu Phi.
Tuy vậy, ước tính đàn bò tăng 3%, đàn lợn tăng 2,5%, đàn gia cầm tăng 6,5% so với tháng 4/2018. Trong 4 tháng đầu năm, một số mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu tăng ấn tượng, như: cao su đạt 559 triệu USD (tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước); chè đạt 62 triệu USD (tăng 14% so với cùng kỳ năm trước).
Những mặt hàng nông sản có kết quả xuất khẩu tăng về khối lượng, nhưng giảm về giá trị: hạt điều có khối lượng xuất khẩu tăng 4,7%, giá trị đạt 922 triệu USD (giảm 13,3%); hạt tiêu khối lượng xuất khẩu tăng 21,4%, giá trị đạt 288 triệu USD (giảm 6%). Các mặt hàng gạo, cà phê, sắn và sản phẩm từ sắn giảm cả khối lượng và giá trị xuất khẩu.
Cụ thể, khối lượng xuất khẩu gạo trong 4 tháng đầu năm giảm 8%, giá trị đạt 915 triệu USD (giảm 19%). Khối lượng cà phê xuất khẩu giảm 13%; giá trị đạt 1,13 tỷ USD, giảm 19%. Sắn và sản phẩm từ sắn có khối lượng xuất khẩu giảm 14%; giá trị đạt 356 triệu USD, giảm 3,3%. Riêng các sản phẩm chăn nuôi vẫn khá khiêm tốn, ước đạt 170 triệu USD, giảm 6,5%.
Đối với ngành hàng trọng điểm là mặt hàng gạo, sau thời gian ảm đạm về thị trường tiêu thụ, thì trong tuần vừa qua (từ 25/4 - 1/5), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lần đầu tiên sau 6 tuần liên tục giảm hoặc không tăng. Nguyên nhân giá tăng trở lại được cho là do các đối tác nước ngoài gia tăng hoạt động nhập hàng và lo ngại về tình trạng hạn hán tại vựa lúa chính của Việt Nam.
Mặt khác, đồng nội tệ yếu hơn đã ảnh hưởng tới giá gạo tại những trung tâm xuất khẩu hàng đầu khác ở châu Á. Giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đã tăng từ mức 360 USD/tấn của tuần giữa tháng 4/2019 lên 370 USD/tấn vào ngày 25/4/2019.
Trong khi đó, tại Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, giá gạo 5% tấm xuất khẩu đã giảm xuống còn khoảng 375 USD/tấn vào ngày 25/4, từ mức giá 380 USD/tấn hồi giữa tháng 4. Trong khi đó, gạo Thái Lan vào thời điểm này đang được nhận định là kém sức cạnh tranh hơn so với gạo Ấn Độ và gạo Việt Nam.
Về nhập khẩu, tổng kim ngạch nhập khẩu nông lâm thuỷ sản và vật tư nông nghiệp trong 4 tháng đạt khoảng 9,7 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ. Như vậy, đến thời điểm này, suất siêu của toàn ngành nông lâm ngư nghiệp đạt 2,7 tỷ USD, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo trong tháng 5/2019, phải tập trung theo dõi, chỉ đạo chăm sóc lúa đông xuân, cây ăn quả tại các tỉnh phía Bắc; thu hoạch lúa đông xuân, gieo sạ và chăm sóc lúa hè thu, sản xuất cây ăn quả, cây công nghiệp, tình hình rải vụ cây ăn quả tại các tỉnh phía Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu ngành chăn nuôi phối hợp các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ các giải pháp, phòng chống dịch tả lợn châu Phi; xử lý dứt điểm các ổ dịch, ngăn chặn, không để phát sinh trên diện rộng.
Đồng thời, tiếp tục theo dõi, bám sát cung, cầu sản phẩm chăn nuôi, chỉ đạo sát phương án sản xuất kinh doanh bảo đảm đủ nguồn cung cho nhu cầu trong nước và cho xuất khẩu. Ngành thủy sản phải tập trung kiểm tra tình hình triển khai các giải pháp chống khai thác IUU tại các địa phương; làm việc với Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thuỷ sản của Ủy ban châu Âu để hoàn thiện khung pháp lý chống khai thác IUU; tiếp tục trao đổi với Thái Lan về kế hoạch tổ chức Cuộc họp lần thứ 3 Nhóm công tác về chống khai thác IUU dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 5/2019.