5 năm sau khủng hoảng: Mong phần kết có hậu
Khi Việt Nam vẫn còn trong “bữa tiệc mừng gia nhập WTO” thì “mưa bão” đã kéo đến
Cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu 2008 - 2009 mặc dù không tác động trực tiếp tới nền kinh tế Việt Nam thông qua hệ thống tài chính, nhưng nó thực sự đã làm khuếch đại những bất ổn kinh tế nội tại quốc gia vốn đã tàng tích từ nhiều năm trước đó.
Theo dòng sự kiện…
Vào tầm này của 5 năm về trước, một trong những đế chế ngân hàng lâu đời nhất của Mỹ, Lehman Brothers, đệ đơn tuyên bố phá sản, đưa Mỹ và kinh tế toàn cầu chính thức bước vào cuộc khủng hoảng "hàng trăm năm mới có một lần", như lời của ông Alan Greenspan, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Cuộc khủng hoảng “nợ dưới chuẩn tại Mỹ” do chính sách lãi suất thấp duy trì từ đầu những năm 2000 nhanh chóng lan rộng thành cuộc khủng hoảng tài chính - ngân hàng khi kéo sụp hàng loạt các tổ chức tài chính khổng lồ tại Mỹ và châu Âu. Sự hoảng loạn bao trùm thị trường tài chính toàn cầu khiến thanh khoản thị trường tê liệt và giá các loại tài sản tài chính lao dốc, đẩy các định chế tài chính chìm sâu hơn vào vòng xoáy khủng hoảng.
Căng thẳng thanh khoản và khủng hoảng tín dụng trong hệ thống ngân hàng làm suy yếu sức sản xuất, đẩy hàng loạt các doanh nghiệp vào tình trạng đói vốn và phá sản, và một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu là không thể tránh khỏi bất chấp các nỗ lực cấp cứu thanh khoản và kích thích kinh tế của chính phủ các nước.
Ngay cuối năm 2008, các ngân hàng trung ương lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Anh…, đồng loạt đưa ra các biện pháp mạnh mẽ như cung ứng thanh khoản khẩn cấp, bảo lãnh 100% các khoản vay trên thị trường liên ngân hàng và giảm lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục, kèm theo đó là chương trình “nới lỏng về lượng” (quantitative easing - QE).
Một năm sau đó, hàng loạt các gói kích cầu khổng lồ được triển khai trên toàn thế giới với ước tính khoảng 3,16% GDP của các nước. Nhờ những nỗ lực mạnh mẽ và đồng bộ của chính phủ các nước, kinh tế toàn cầu đã phát đi những tín hiệu tích cực và có dấu hiệu thoát đáy, theo kết luận tại báo cáo về kinh tế thế giới 2009 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tháng 11/2009.
Tuy nhiên, niềm lạc quan không kéo dài lâu khi cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu trở nên nghiêm trọng đe dọa sự tồn tại của đồng tiền chung Euro với nguyên nhân chính xuất phát từ những nỗ lực kích cầu trước đó. Ngày 9/5/2010, các bộ trưởng tài chính châu Âu đã thông qua gói giải cứu trị giá 750 tỷ Euro nhằm đảm bảo sự ổn định tài chính ở khu vực châu Âu, và lập ra ủy ban ổn định tài chính châu Âu.
Hàng trăm tỷ Euro đã được cơ quan này tung ra bên cạnh IMF để cứu trợ cho Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha với các điều kiện “thắt lưng buộc bụng” ngặt nghèo. Sự cắt giảm chi tiêu chính phủ trên toàn khu vực trong bối cảnh đầu tư tư nhân chưa hồi phục sau khủng hoảng, khiến toàn châu Âu rơi vào một cuộc suy thoái dài nhất trong lịch sử hình thành đồng tiền chung với sáu quý tăng trưởng âm liên tiếp.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, nước Mỹ cũng bị chia rẽ với cuộc chiến về trần nợ công tại Mỹ và lần đầu tiên trong lịch sử, nước này bị mất xếp hạng tín nhiệm cao nhất AAA vào đầu tháng 8/2011 bởi tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P.
Thế giới và chính nước Mỹ đã thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng?
Có thể thấy, khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu 2008 - 2009 đã kéo theo những cuộc khủng hoảng ở quy mô quốc gia và khu vực trong suốt những năm qua, khiến cho mục tiêu phục hồi trở lại mức trước khủng hoảng vẫn còn là đích đến khá xa đối với nhiều quốc gia.
Đối với Mỹ, khủng hoảng một lần nữa cho thấy sự tự phục hồi mạnh mẽ và vị trí nền kinh tế số 1 thế giới chưa thể bị lay chuyển. Là tâm điểm của cuộc khủng hoảng, tuy nhiên, với các biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt, kinh tế Mỹ đã vực dậy từ cuối năm 2009 sau bốn quý suy giảm trước đó.
Đến hết năm 2012, tăng trưởng GDP của Mỹ là 2,8%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với số liệu đã được công bố với tổng quy mô GDP là 15.700 tỷ USD. Thị trường bất động sản, lĩnh vực vốn kéo lùi tăng trưởng của Mỹ trong suốt những năm qua, đang trở thành điểm sáng của nền kinh tế với doanh số giao dịch tăng vọt lên mức trước khủng hoảng và giá nhà cũng duy trì xu hướng tăng đều đặn. Thị trường chứng khoán liên tiếp lập các kỷ lục mới trong những tháng đầu năm 2013.
Tuy nhiên, cũng có những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ chưa phục hồi hoàn toàn. Thị trường lao động mặc dù đang tiếp tục được cải thiện nhưng tỷ lệ thất nghiệp 7,4% vào cuối tháng 7/2013 vẫn cao hơn rất nhiều so với mức trung bình 4,6% trong hai năm trước khủng hoảng, 2006 - 2007. Lĩnh vực sản xuất phục hồi thiếu bền vững khi nhu cầu thế giới vẫn ở mức thấp.
Và câu chuyện của Việt Nam…
Cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu 2008 - 2009 mặc dù không tác động trực tiếp tới nền kinh tế Việt Nam thông qua hệ thống tài chính, nhưng nó thực sự đã làm khuếch đại những bất ổn kinh tế nội tại quốc gia vốn đã tàng tích từ nhiều năm trước đó.
Như chúng ta đã biết, suốt gần thập kỷ qua, kinh tế vĩ mô Việt Nam luôn trong tình trạng bất ổn. Sự mất cân đối nghiêm trọng giữa tiết kiệm và đầu tư lâu nay đã đẩy nền kinh tế luôn phải đối mặt với tình trạng thâm hụt cán cân thương mại, thâm hụt ngân sách nhà nước và nợ công tăng mạnh.
Hệ lụy tất yếu là lạm phát dâng cao, theo đó là sự bất ổn của tỉ giá, lãi suất, rối loạn hoạt động tài chính-ngân hàng và đình trệ kinh tế, tiếp theo là sự suy giảm lòng tin. Những thành quả kinh tế hình thức hoặc nhất thời trong vài năm gần đây, nhanh chóng bị xóa nhòa bởi sự bất ổn vĩ mô dai dẳng.
Mặc dù sự bất cập, lạc hậu của cấu trúc nền kinh tế và mô hình tăng trưởng hiện tại của Việt Nam đã được chỉ ra tại kết luận của hội nghị Trung ương 3, khoá 11 cùng với yêu cầu cấp thiết tái cấu trúc nền kinh tế, tuy nhiên các hành động để hiện thực hóa vẫn rất chậm chạp do vấp phải nhiều lực cản.
Trở lại thời khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu 2008 - 2009, khi Việt Nam vẫn còn trong “bữa tiệc mừng gia nhập WTO” thì “mưa bão” đã kéo đến. Trước đó đôi năm, với kỳ vọng nền kinh tế sẽ sớm bùng nổ, dòng vốn ngoại tràn vào Việt Nam đạt mức kỷ lục. Một lượng nội tệ tương ứng được bơm vào lưu thông tạo lên nguồn vốn tín dụng dồi dào, dễ dãi, trong bối cảnh khả năng hấp thụ của nền kinh tế có hạn, tất yếu đã giúp thổi phồng “bong bóng” bất động sản và chứng khoán.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng quá nóng nhằm phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8,5 - 9% cho năm 2008 cùng với việc điều hành chính sách tiền tệ chưa hợp lý, đã đẩy lạm phát năm tăng vọt lên mức 20%. Tỷ giá biến động mạnh, nhập siêu tăng trên 14 tỷ USD chỉ trong 5 tháng đầu năm 2008. Sự bất ổn của hệ thống tài chính đã kéo theo sự suy yếu của nền kinh tế, thể hiện ở kết quả GDP chỉ tăng 3,1% trong quý 1/2009, mức tăng trưởng thấp nhất tính trong 10 năm trở lại.
Để chống suy giảm kinh tế, tiếp sức cho các doanh nghiệp trong nước trước tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng, năm 2009, Chính phủ đã tung ra gói kích thích kinh tế tổng thể có giá trị lên tới 8 tỷ USD, bao gồm các chính sách bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi suất 4%, giảm, miễn, giãn, hoãn thuế, phí cho doanh nghiệp...
Nhờ vậy, kinh tế đã nhanh chóng phục hồi trở lại vào năm 2010. Tuy nhiên, sự phục hồi nhờ chính sách kích cầu mà không đi kèm với hành động sửa chữa những yếu kém về mặt cơ cấu kinh tế đã khiến cho những khó khăn nhanh chóng quay trở lại ngay năm tiếp theo. Các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô thiếu nhất quán và đồng bộ khiến nền kinh tế liên tục trải qua các đợt “nóng, lạnh” bất thường trong suốt 5 năm qua.
Mong phần kết có hậu
Trong cuộc họp báo chính phủ thường kỳ tháng 8 mới đây, người phát ngôn của Chính phủ tiếp tục tái khẳng định theo đuổi chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, quyết tâm đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế, không chạy theo tốc độ tăng trưởng quá nhanh.
Đây rõ ràng là định hướng điều hành kinh tế đúng đắn.
Với bối cảnh kinh tế - tài chính khó khăn hiện tại: chính sách tiền tệ còn rất ít dư địa và suy giảm hiệu lực; lãi suất gần như không còn khả năng hạ tiếp khi mà tương quan lạm phát - lãi suất - tỉ giá đang ở ngưỡng nhạy cảm; lượng tiền cung ứng vẫn cần được kiểm soát chặt chẽ để tránh thổi bùng lạm phát do yếu tố tiền tệ; chính sách cơ cấu đòi hỏi cần có đủ thời gian, hội đủ điều kiện để triển khai và phát huy hiệu quả kỳ vọng, do đó, tài khóa “mở rộng trong kiểm soát” dường như là sự lựa chọn duy nhất để đưa nền kinh tế đạt mức tăng trưởng kỳ vọng trong ngắn hạn thông qua tác động lan tỏa của hoạt động đầu tư phát triển có hiệu quả ở một số dự án trọng điểm quốc gia.
Tất nhiên, ngay cả chính sách tài khóa cũng đang trong tình trạng nan giải khi hụt thu ngân sách khá trầm trọng, làm gia tăng nguy cơ vượt mức bội chi dự tính, kéo theo vấn đề nợ công vốn đã nhạy cảm. Trong tình thế lưỡng nan, nhiều giải pháp đang hướng tới việc khơi thông dòng vốn ngoại cho thị trường bất động sản, chứng khoán... ưu tiên khu vực các nước Đông Bắc Á.
Chưa tính tới bối cảnh tài chính quốc tế đang thay đổi theo hướng bất lợi, sự lựa chọn thay thế này luôn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro lớn khi mà khả năng quản lý còn chưa theo kịp.
Về trung hạn, sự cần thiết phải đẩy mạnh tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế với 3 nội dung trọng tâm đã xác định và đổi mới mô hình tăng trưởng luôn được khẳng định. Tuy nhiên, cần tìm ra động lực đủ tầm để thúc đẩy được tiến trình này.
Chủ trương gia nhập hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cuối năm nay rõ ràng là một cú huých mạnh được lựa chọn. Vấn đề là Việt Nam cần có sự chuẩn bị tốt để lợi ích thu được bảo đảm lớn hơn chi phí bỏ ra. Bài học kinh nghiệm được rút ra từ những thành công và thất bại của Việt nam sau gần 6 năm gia nhập WTO, còn nguyên giá trị.
Cũng cần chuẩn bị tốt nhất các kịch bản kinh tế để bảo đảm kiểm soát được quá trình tái cơ cấu, đặc biệt là việc chấp nhận sự đổ vỡ trong trật tự và trong giới hạn của một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đang thua lỗ nặng, cần cứu trợ khẩn cấp.
Nhưng, một phần kết có hậu cho nền kinh tế Việt Nam trong tương lai không xa vẫn hoàn toàn có thể trở thành sự thực, khi định hướng điều hành kiên trì ổn định vĩ mô đang được hậu thuẫn bởi cơ hội cải cách thể chế với việc sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.
* Tác giả bài viết là Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển
Theo dòng sự kiện…
Vào tầm này của 5 năm về trước, một trong những đế chế ngân hàng lâu đời nhất của Mỹ, Lehman Brothers, đệ đơn tuyên bố phá sản, đưa Mỹ và kinh tế toàn cầu chính thức bước vào cuộc khủng hoảng "hàng trăm năm mới có một lần", như lời của ông Alan Greenspan, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Cuộc khủng hoảng “nợ dưới chuẩn tại Mỹ” do chính sách lãi suất thấp duy trì từ đầu những năm 2000 nhanh chóng lan rộng thành cuộc khủng hoảng tài chính - ngân hàng khi kéo sụp hàng loạt các tổ chức tài chính khổng lồ tại Mỹ và châu Âu. Sự hoảng loạn bao trùm thị trường tài chính toàn cầu khiến thanh khoản thị trường tê liệt và giá các loại tài sản tài chính lao dốc, đẩy các định chế tài chính chìm sâu hơn vào vòng xoáy khủng hoảng.
Căng thẳng thanh khoản và khủng hoảng tín dụng trong hệ thống ngân hàng làm suy yếu sức sản xuất, đẩy hàng loạt các doanh nghiệp vào tình trạng đói vốn và phá sản, và một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu là không thể tránh khỏi bất chấp các nỗ lực cấp cứu thanh khoản và kích thích kinh tế của chính phủ các nước.
Ngay cuối năm 2008, các ngân hàng trung ương lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Anh…, đồng loạt đưa ra các biện pháp mạnh mẽ như cung ứng thanh khoản khẩn cấp, bảo lãnh 100% các khoản vay trên thị trường liên ngân hàng và giảm lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục, kèm theo đó là chương trình “nới lỏng về lượng” (quantitative easing - QE).
Một năm sau đó, hàng loạt các gói kích cầu khổng lồ được triển khai trên toàn thế giới với ước tính khoảng 3,16% GDP của các nước. Nhờ những nỗ lực mạnh mẽ và đồng bộ của chính phủ các nước, kinh tế toàn cầu đã phát đi những tín hiệu tích cực và có dấu hiệu thoát đáy, theo kết luận tại báo cáo về kinh tế thế giới 2009 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tháng 11/2009.
Tuy nhiên, niềm lạc quan không kéo dài lâu khi cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu trở nên nghiêm trọng đe dọa sự tồn tại của đồng tiền chung Euro với nguyên nhân chính xuất phát từ những nỗ lực kích cầu trước đó. Ngày 9/5/2010, các bộ trưởng tài chính châu Âu đã thông qua gói giải cứu trị giá 750 tỷ Euro nhằm đảm bảo sự ổn định tài chính ở khu vực châu Âu, và lập ra ủy ban ổn định tài chính châu Âu.
Hàng trăm tỷ Euro đã được cơ quan này tung ra bên cạnh IMF để cứu trợ cho Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha với các điều kiện “thắt lưng buộc bụng” ngặt nghèo. Sự cắt giảm chi tiêu chính phủ trên toàn khu vực trong bối cảnh đầu tư tư nhân chưa hồi phục sau khủng hoảng, khiến toàn châu Âu rơi vào một cuộc suy thoái dài nhất trong lịch sử hình thành đồng tiền chung với sáu quý tăng trưởng âm liên tiếp.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, nước Mỹ cũng bị chia rẽ với cuộc chiến về trần nợ công tại Mỹ và lần đầu tiên trong lịch sử, nước này bị mất xếp hạng tín nhiệm cao nhất AAA vào đầu tháng 8/2011 bởi tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P.
Thế giới và chính nước Mỹ đã thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng?
Có thể thấy, khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu 2008 - 2009 đã kéo theo những cuộc khủng hoảng ở quy mô quốc gia và khu vực trong suốt những năm qua, khiến cho mục tiêu phục hồi trở lại mức trước khủng hoảng vẫn còn là đích đến khá xa đối với nhiều quốc gia.
Đối với Mỹ, khủng hoảng một lần nữa cho thấy sự tự phục hồi mạnh mẽ và vị trí nền kinh tế số 1 thế giới chưa thể bị lay chuyển. Là tâm điểm của cuộc khủng hoảng, tuy nhiên, với các biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt, kinh tế Mỹ đã vực dậy từ cuối năm 2009 sau bốn quý suy giảm trước đó.
Đến hết năm 2012, tăng trưởng GDP của Mỹ là 2,8%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với số liệu đã được công bố với tổng quy mô GDP là 15.700 tỷ USD. Thị trường bất động sản, lĩnh vực vốn kéo lùi tăng trưởng của Mỹ trong suốt những năm qua, đang trở thành điểm sáng của nền kinh tế với doanh số giao dịch tăng vọt lên mức trước khủng hoảng và giá nhà cũng duy trì xu hướng tăng đều đặn. Thị trường chứng khoán liên tiếp lập các kỷ lục mới trong những tháng đầu năm 2013.
Tuy nhiên, cũng có những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ chưa phục hồi hoàn toàn. Thị trường lao động mặc dù đang tiếp tục được cải thiện nhưng tỷ lệ thất nghiệp 7,4% vào cuối tháng 7/2013 vẫn cao hơn rất nhiều so với mức trung bình 4,6% trong hai năm trước khủng hoảng, 2006 - 2007. Lĩnh vực sản xuất phục hồi thiếu bền vững khi nhu cầu thế giới vẫn ở mức thấp.
Và câu chuyện của Việt Nam…
Cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu 2008 - 2009 mặc dù không tác động trực tiếp tới nền kinh tế Việt Nam thông qua hệ thống tài chính, nhưng nó thực sự đã làm khuếch đại những bất ổn kinh tế nội tại quốc gia vốn đã tàng tích từ nhiều năm trước đó.
Như chúng ta đã biết, suốt gần thập kỷ qua, kinh tế vĩ mô Việt Nam luôn trong tình trạng bất ổn. Sự mất cân đối nghiêm trọng giữa tiết kiệm và đầu tư lâu nay đã đẩy nền kinh tế luôn phải đối mặt với tình trạng thâm hụt cán cân thương mại, thâm hụt ngân sách nhà nước và nợ công tăng mạnh.
Hệ lụy tất yếu là lạm phát dâng cao, theo đó là sự bất ổn của tỉ giá, lãi suất, rối loạn hoạt động tài chính-ngân hàng và đình trệ kinh tế, tiếp theo là sự suy giảm lòng tin. Những thành quả kinh tế hình thức hoặc nhất thời trong vài năm gần đây, nhanh chóng bị xóa nhòa bởi sự bất ổn vĩ mô dai dẳng.
Mặc dù sự bất cập, lạc hậu của cấu trúc nền kinh tế và mô hình tăng trưởng hiện tại của Việt Nam đã được chỉ ra tại kết luận của hội nghị Trung ương 3, khoá 11 cùng với yêu cầu cấp thiết tái cấu trúc nền kinh tế, tuy nhiên các hành động để hiện thực hóa vẫn rất chậm chạp do vấp phải nhiều lực cản.
Trở lại thời khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu 2008 - 2009, khi Việt Nam vẫn còn trong “bữa tiệc mừng gia nhập WTO” thì “mưa bão” đã kéo đến. Trước đó đôi năm, với kỳ vọng nền kinh tế sẽ sớm bùng nổ, dòng vốn ngoại tràn vào Việt Nam đạt mức kỷ lục. Một lượng nội tệ tương ứng được bơm vào lưu thông tạo lên nguồn vốn tín dụng dồi dào, dễ dãi, trong bối cảnh khả năng hấp thụ của nền kinh tế có hạn, tất yếu đã giúp thổi phồng “bong bóng” bất động sản và chứng khoán.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng quá nóng nhằm phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8,5 - 9% cho năm 2008 cùng với việc điều hành chính sách tiền tệ chưa hợp lý, đã đẩy lạm phát năm tăng vọt lên mức 20%. Tỷ giá biến động mạnh, nhập siêu tăng trên 14 tỷ USD chỉ trong 5 tháng đầu năm 2008. Sự bất ổn của hệ thống tài chính đã kéo theo sự suy yếu của nền kinh tế, thể hiện ở kết quả GDP chỉ tăng 3,1% trong quý 1/2009, mức tăng trưởng thấp nhất tính trong 10 năm trở lại.
Để chống suy giảm kinh tế, tiếp sức cho các doanh nghiệp trong nước trước tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng, năm 2009, Chính phủ đã tung ra gói kích thích kinh tế tổng thể có giá trị lên tới 8 tỷ USD, bao gồm các chính sách bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi suất 4%, giảm, miễn, giãn, hoãn thuế, phí cho doanh nghiệp...
Nhờ vậy, kinh tế đã nhanh chóng phục hồi trở lại vào năm 2010. Tuy nhiên, sự phục hồi nhờ chính sách kích cầu mà không đi kèm với hành động sửa chữa những yếu kém về mặt cơ cấu kinh tế đã khiến cho những khó khăn nhanh chóng quay trở lại ngay năm tiếp theo. Các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô thiếu nhất quán và đồng bộ khiến nền kinh tế liên tục trải qua các đợt “nóng, lạnh” bất thường trong suốt 5 năm qua.
Mong phần kết có hậu
Trong cuộc họp báo chính phủ thường kỳ tháng 8 mới đây, người phát ngôn của Chính phủ tiếp tục tái khẳng định theo đuổi chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, quyết tâm đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế, không chạy theo tốc độ tăng trưởng quá nhanh.
Đây rõ ràng là định hướng điều hành kinh tế đúng đắn.
Với bối cảnh kinh tế - tài chính khó khăn hiện tại: chính sách tiền tệ còn rất ít dư địa và suy giảm hiệu lực; lãi suất gần như không còn khả năng hạ tiếp khi mà tương quan lạm phát - lãi suất - tỉ giá đang ở ngưỡng nhạy cảm; lượng tiền cung ứng vẫn cần được kiểm soát chặt chẽ để tránh thổi bùng lạm phát do yếu tố tiền tệ; chính sách cơ cấu đòi hỏi cần có đủ thời gian, hội đủ điều kiện để triển khai và phát huy hiệu quả kỳ vọng, do đó, tài khóa “mở rộng trong kiểm soát” dường như là sự lựa chọn duy nhất để đưa nền kinh tế đạt mức tăng trưởng kỳ vọng trong ngắn hạn thông qua tác động lan tỏa của hoạt động đầu tư phát triển có hiệu quả ở một số dự án trọng điểm quốc gia.
Tất nhiên, ngay cả chính sách tài khóa cũng đang trong tình trạng nan giải khi hụt thu ngân sách khá trầm trọng, làm gia tăng nguy cơ vượt mức bội chi dự tính, kéo theo vấn đề nợ công vốn đã nhạy cảm. Trong tình thế lưỡng nan, nhiều giải pháp đang hướng tới việc khơi thông dòng vốn ngoại cho thị trường bất động sản, chứng khoán... ưu tiên khu vực các nước Đông Bắc Á.
Chưa tính tới bối cảnh tài chính quốc tế đang thay đổi theo hướng bất lợi, sự lựa chọn thay thế này luôn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro lớn khi mà khả năng quản lý còn chưa theo kịp.
Về trung hạn, sự cần thiết phải đẩy mạnh tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế với 3 nội dung trọng tâm đã xác định và đổi mới mô hình tăng trưởng luôn được khẳng định. Tuy nhiên, cần tìm ra động lực đủ tầm để thúc đẩy được tiến trình này.
Chủ trương gia nhập hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cuối năm nay rõ ràng là một cú huých mạnh được lựa chọn. Vấn đề là Việt Nam cần có sự chuẩn bị tốt để lợi ích thu được bảo đảm lớn hơn chi phí bỏ ra. Bài học kinh nghiệm được rút ra từ những thành công và thất bại của Việt nam sau gần 6 năm gia nhập WTO, còn nguyên giá trị.
Cũng cần chuẩn bị tốt nhất các kịch bản kinh tế để bảo đảm kiểm soát được quá trình tái cơ cấu, đặc biệt là việc chấp nhận sự đổ vỡ trong trật tự và trong giới hạn của một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đang thua lỗ nặng, cần cứu trợ khẩn cấp.
Nhưng, một phần kết có hậu cho nền kinh tế Việt Nam trong tương lai không xa vẫn hoàn toàn có thể trở thành sự thực, khi định hướng điều hành kiên trì ổn định vĩ mô đang được hậu thuẫn bởi cơ hội cải cách thể chế với việc sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.
* Tác giả bài viết là Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển