5 vấn đề được thế giới quan tâm trước thềm thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội
Cuộc gặp thứ hai sau chưa đầy một năm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đang thu hút sự quan tâm lớn từ quốc tế
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un lần thứ hai tại Hà Nội vào ngày 27 - 28/2 tới sau cuộc gặp đầu tiên tại Singapore tháng 6 năm ngoái.
Trong khi ông Trump đang trông vào những bước tiến của Triều Tiên trong việc phi hạt nhân hóa nhằm đổi lấy cam kết hỗ trợ về kinh tế, ông Kim được nhận định sẽ không dễ dàng từ bỏ sức mạnh hạt nhân - nhân tố quan trọng để bảo vệ chế độ của mình tại Triều Tiên.
Dưới đây là 5 vấn đề được quan tâm trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới, theo tờ Nikkei.
Ông Trump muốn gì từ nhà lãnh đạo Triều Tiên?
Yêu cầu chính của Mỹ là Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, đặc biệt là tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Năm 2017, Triều Tiên đã thể hiện sức mạnh khi nhiều lần bắn thử tên lửa đạn đạo. Việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên, nếu thành công, sẽ là thành tựu ngoại giao lớn đối với Tổng thống Trump và phân tán sự chú ý của dư luận vào những vấn đề ông đang gặp phải trong nước, đồng thời là bước đệm cho nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đạt được mục đích của Mỹ nhằm "phi hạt nhân hóa hoàn toàn và xác minh được đầy đủ" đối với Triều Tiên.
Bước đầu tiên, Washington muốn Bình Nhưỡng đồng ý với một lộ trình cụ thể cho việc phi hạt nhân hóa và thực hiện các bước cụ thể tiến tới mục tiêu đó như trở lại Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (Nonproliferation Treaty), đóng cửa hoàn toàn chương trình hạt nhân và tiếp nhận thanh tra quốc tế về hạt nhân.
Theo Nikkei, ông Trump hiển nhiên đang cố gắng hoàn thành nhiệm vụ phức tạp này thông qua các cuộc đàm phán trực tiếp với ông Kim.
Tuy nhiên, nhiều người lo rằng ông Trump có thể rơi vào tình thế vượt ngoài tầm hiểu biết và kinh nghiệm của mình, từ đó để phía Triều Tiên đàm phán được những thỏa thuận riêng.
Ông Kim muốn gì từ Tổng thống Mỹ?
Nhà lãnh đạo Triều Tiên có danh sách dài những điều mong muốn, gồm việc nới lỏng lệnh cấm vận, chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, giảm bớt lực lượng liên quân Mỹ - Hàn, được Mỹ chính thức công nhận về mặt ngoại giao, một thỏa thuận hòa bình và hỗ trợ về kinh tế.
Việc nới lỏng cấm vận và hỗ trợ kinh tế là những điều đặc biệt quan trọng đối với chế độ của ông Kim tại Triều Tiên khi nước này đang chuyển trọng tâm sang cải cách kinh tế sau lần phóng thử thành công tên lửa đạn đạo được cho là có thể bay tới lãnh thổ Mỹ vào tháng 11/2017.
Theo tờ Nikkei, Triều Tiên có thể tin rằng đã hành động đủ, bao gồm việc hủy bỏ một địa điểm thử hạt nhân và dừng việc phóng thử tên lửa trong hơn một năm.
Thượng đỉnh có thể đưa đến kết quả gì?
Theo Nikkei, ít người tin rằng Triều Tiên sẽ thực sự từ bỏ sức mạnh vũ khí hạt nhân của mình và nước này sẽ nhượng bộ vừa đủ để ông Trump hài lòng, nhưng không nhiều hơn.
Triều Tiên được cho là đã sẵn sàng tiếp nhận các thanh tra từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tại khu phức hợp thử nghiệm hạt nhân chính của mình ở Yongbyon, phía bắc Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, hiện chưa có dấu hiệu cho thấy nước này sẽ trở lại Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân và hủy bỏ cơ sở thử nghiệm ở Yongbyon.
Về phía Mỹ, nước này có thể đồng ý với tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, Nikkei nhận định. Đây sẽ là một thông cáo chính trị mà không cần quyền lực pháp lý, và cũng sẽ không ảnh hưởng tới việc triển khai lực lượng quân đội Mỹ tại Hàn Quốc.
"Đó chỉ là một tuyên bố hoa mỹ. Một hành động chính trị", Robert Kelly, giáo sư Đại học Quốc gia Pusan, Hàn Quốc, nhận định. "Điều tiếp đến nên là một hiệp định hòa bình thật sự, nhưng việc này cần thời gian bởi những các bên liên quan còn cách nhau quá xa".
Một số nhượng bộ khác từ phía Mỹ có thể là cho phép nối lại các dự án giữa hai miền Triều Tiên, như khu công nghiệp Kaesong nằm ở phía bắc khu vực phi quân sự, hoặc hoạt động du lịch tại Mt. Kumgang, Triều Tiên.
Mỹ được dự báo có thể vẫn giữ nguyên các lệnh cấm vận về kinh tế. Tháng trước, Stephen Biegun, đặc phái viên hạt nhân hàng đầu của Washington, tuyên bố rằng "Chúng tôi sẽ duy trì việc gây áp lực".
Tại sao lại là Việt Nam?
Theo Stephen Nagy, phó giáo sư Đại học Công giáo Quốc tế tại Tokyo (Nhật), bằng việc tổ chức thượng đỉnh tại Việt Nam, ông Trump phát đi thông điệp tới Bình Nhưỡng rằng những quốc gia từng xảy ra chiến tranh với nhau vẫn có thể có mối quan hệ tốt đẹp, rằng Triều Tiên vẫn có thể giữ nguyên chế độ của mình, không phải trở thành một nước dân chủ, và rằng Triều Tiên nên tập trung vào cải cách kinh tế chứ không phải vào phát triển vũ khí hạt nhân.
Theo Nikkei, Washington có thể cho rằng Việt Nam là một hình mẫu về kinh tế mà Triều Tiên có thể học hỏi.
Quan điểm của Trung Quốc về thượng đỉnh Mỹ - Triều là gì?
Nikkei cho rằng Bắc Kinh chắc chắn cảnh giác với mối quan hệ tiến triển quá nhanh giữa Washington và Bình Nhưỡng.
"Trong trung hạn, Trung Quốc không muốn Triều Tiên quá thân thiết với Mỹ", nhà nghiên cứu của trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) tại Singapore nhận định.
Theo các chuyên gia, trong khi thúc đẩy Washington đạt thỏa thuận hạt nhân với Bình Nhưỡng, Bắc Kinh có thể cho thấy sự linh hoạt hơn trong những vấn đề liên quan tới thương mại song phương nếu Mỹ thể hiện sự hợp tác trên mặt trận hạt nhân.
Trong khi đó, Nhật và Hàn Quốc cũng đang trông chờ vào những bước tiến trong việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên.