09:42 29/06/2007

ADB tăng dư nợ cho Việt Nam lên 1 tỷ USD trong 2007

Minh Quang

Trao đổi với ông Ayumi Konishi, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam

"Nâng cấp cảng Sài Gòn là một quyết định nhạy cảm và vấn đề của quyết định này là thời gian."
"Nâng cấp cảng Sài Gòn là một quyết định nhạy cảm và vấn đề của quyết định này là thời gian."
Trao đổi với ông Ayumi Konishi, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam.

Giới chức Việt Nam đánh giá cao sự đóng góp của ADB cho Việt Nam trong 10 năm qua. Xin ông cho biết cho đến nay ADB đã tham gia hỗ trợ tài chính cho Việt Nam những dự án nào?

Ngân hàng ADB tham gia dự án hỗ trợ Việt Nam từ năm 1993 nhưng chính thức có văn phòng đại diện và xuất hiện tại Việt Nam từ 1997. ADB mặc dù có tên gọi là ngân hàng nhưng kỳ thực chúng tôi giống một tổ chức tài chính quốc tế hơn. Trong 10 năm qua, ADB đã tham gia hỗ trợ tài chính cho 63 khoản vay trị giá trên 3,8 tỷ USD, 194 khoản hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại trị giá 139,6 triệu USD và 17 khoản viện trợ không hoàn lại khác trị giá 86,6 triệu USD. Những khoản hỗ trợ tài chính này cho những dự án ở khu vực công.

ADB cũng dành cho khu vực tư nhân Việt Nam 255 triệu USD khoản vay với 7 dự án đầu tư trong suốt 10 năm qua. Tổng giá trị cam kết cho vay của ADB đối với Việt Nam là 4,3 tỷ USD. Hơn một nữa cam kết này đã được giải ngân. Mức dư nợ cho vay đối với Việt Nam đạt 308,2 triệu USD năm 2006 dự kiến trong tương lai dư nợ cho vay sẽ tăng cao hơn, dự kiến trong năm nay là 1 tỷ USD.

Ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện các dự án với những khoản cho vay của ADB tại Việt Nam?

Có những dự án có tài trợ của ADB đã thực hiện xong nhưng cũng có những dự án đang thực hiện với những giai đoạn khác nhau. Nhìn chung việc thực hiện các dự án do ADB tài trợ đều tốt. Việc tăng tỷ lệ dư nợ cho vay lên 1 tỷ USD trong năm nay và sẽ cao hơn trong tương lai đã cho thấy đánh giá của chúng tôi như thế nào đối với việc thực hiện các khoản vay ở Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nghị định 131 qui định về việc quản lý, sử dụng các khoản vay nước ngoài. Nghị định này đã có hiệu lực hồi tháng 12 năm ngoái. Chúng tôi đánh giá cao về nghị định này và tin tưởng các khoản vay sẽ được sử dụng đúng mục đích. Chúng tôi cũng đánh giá cao chủ trương phân cấp cho chính quyền địa phương thực hiện dự án đầu tư của Chính phủ.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có thông tư hướng dẫn Nghị định 131 vì vậy cần nhanh chóng ban hành thông tư hướng dẫn, đồng thời Việt Nam cũng phải xây dựng chương trình nâng cao năng lực cho cán bộ địa phương để việc thực hiện dự án hiệu quả. Phương châm của ADB ở Việt Nam là tiếp tục đồng hành cùng với Việt Nam, cùng đất nước đổi mới.

Trong số những dự án ADB tài trợ có dự án nâng cấp cảng Sài Gòn được cho là không hiệu quả vì sắp di dời ra ngoại thành? Ông có nghĩ quyết định hỗ trợ nâng cấp cảng Sài Gòn của ADB là sai lầm không?

Dự án nâng cấp cảng Sài Gòn được ADB tài trợ 30 triệu USD. Đây là dự án đã được hoàn tất và có nhiều ý kiến đánh giá về dự án này. Nâng cấp cảng Sài Gòn có nên hay không khi qui hoạch phát triển của Tp.HCM là phải di dời tất cả các cảng ra bên ngoài? Tôi cho rằng đây là quyết định nhạy cảm. Quay trở lại thời điểm khoảng thập niên 90, dự án nâng cấp cảng Sài Gòn cho thấy nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển cho Tp.HCM. Và quyết định đầu tư nâng cấp cảng Sài Gòn lúc ấy là đúng đắn.

Tuy nhiên nếu đưa ra dự án bây giờ thì rõ ràng là sai lầm. Vào thời điểm dự án nâng cấp cảng Sài Gòn đưa ra tốc độ phát triển của Tp.HCM còn rất thấp và chúng tôi không nghĩ rằng thành phố này lại phát triển với tốc độ nhanh như thế. Nói tóm lại nâng cấp cảng Sài Gòn là một quyết định nhạy cảm và vấn đề của quyết định này là thời gian. Tuy nhiên, tôi cho rằng cảng Sài Gòn đã góp phần rất nhiều vào sự phát triển của Tp.HCM trong những năm qua.

Cũng xuất phát từ vấn đề thời gian, tôi muốn nói đến dự án Metro, xe điện ngầm ở Tp.HCM với sự hỗ trợ kỹ thuật của ADB. Chúng tôi đã nhiều lần nhắc nhỡ chính quyền thành phố không nên trì hoãn việc thực hiện dự án này vì Tp.HCM đang phát triển khá nhanh. Khi có thể thực hiện thì nhiều vấn đề sẽ thay đổi, nhất là giá trị đầu tư sẽ tăng lên và thực hiện sẽ trở nên khó khăn hơn.

Vừa qua ADB đã quyết định ngưng tài trợ vốn cho một dự án đầu tư về môi trường ở Tp.HCM. Đây có phải là dự án đầu tiên trong 10 năm qua ADB rút vốn?

Chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề môi trường vì vậy quyết định tham gia hỗ trợ Tp.HCM. Dự án này có nhiều gói bao gồm cải tạo kênh Hàng Bàng, xử lý nước thải... được thiết kế hồi năm 1998 và năm 1999 được ADB đồng ý cấp vốn. Dự án có vốn đầu tư là 100 triệu USD, trong đó ADB tài trợ 70 triệu USD. Tuy nhiên cho đến nay dự án này chưa được triển khai, không có hợp đồng phụ nào được ký kết hay đấu thầu nào được tổ chức kể từ lúc đó đến nay.

Theo hợp đồng tín dụng, khoản vay của chúng tôi đối với dự án này có thời hạn cuối cùng là tháng 6/2006. Nhưng đến thời điểm này mới chỉ có gần 5,4 triệu USD được giải ngân. Chúng tôi không rút vốn mà chính khoản vay hết thời hạn. Chúng tôi hiểu khó khăn của dự án này và đã làm việc với ban quản lý cũng như chính quyền thành phố với mong muốn có thể làm sống lại và triển khai dự án.

Chúng tôi cũng đề cập đến việc gia hạn khoản vay. Tuy nhiên việc này không dễ thực hiện cũng như gia hạn khoản vay vì dự án được đưa ra khá lâu nhiều vấn đề đã thay đổi. Cho đến nay chưa có dự án nào có hỗ trợ tài chính hay kỹ thuật của ADB như thế, chỉ là vấn đề là có nhiều dự án thực hiện chẳng khi nào đúng tiến độ mà thường chậm trễ vài năm.