14:57 25/07/2021

Áp dụng chiến lược sống chung với dịch Covid-19: Việt Nam phải cân nhắc 4 yếu tố

Anh Nhi

Vẫn còn rất nhiều yếu tố phải cân nhắc để Việt Nam có thể chuyển chiến lược từ dập dịch sang sống chung với dịch Covid-19 và cứu nền kinh tế…

Đẩy nhanh tiêm chủng vaccine để sớm sống chung với dịch Covid-19
Đẩy nhanh tiêm chủng vaccine để sớm sống chung với dịch Covid-19

Tại Hội thảo trực tuyến "Những tác động của đại dịch Covid-19 tới nền kinh tế và lựa chọn cho Việt Nam" do Hiệp hội quốc tế các nhà kinh tế Việt Nam (ISVE) tổ chức đêm ngày 24/7, Giáo sư, Bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn, Đại học Paris Décartes, cho biết mặc dù số ca nhiễm tại châu Âu và Mỹ liên tục tăng cao trong thời gian gần đây song các quốc gia đều nghiêng về kịch bản sống chung với Covid-19.

“Đó là bởi trong các kịch bản dự báo về Covid-19 được đưa ra gần đây, giải pháp sống chung với dịch bệnh là phù hợp với kịch bản được dự báo có nhiều khả năng xảy ra nhất”, ông Tuấn nói.

Cụ thể, ở kịch bản này, dịch bệnh mặc dù có nguy cơ bùng phát theo từng đợt nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát nhờ tốc độ tiêm chủng vaccine được đẩy nhanh giúp ngăn chặn tốc độ lây lan, phát sinh biến thể virus mới và đặc biệt là sự ra đời của các loại thuốc chữa Covid-19.

“Tuy vậy, quá trình này ít nhất cũng phải mất vài năm, điều tương tự như đại dịch AIDS, dịch hạch… từng xảy ra trong quá khứ”, ông Tuấn lưu ý.

Đối với Việt Nam, Giáo sư, Bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn cho rằng, Việt Nam cần có phương án chuẩn bị cho việc sống chung với dịch bệnh Covid-19. Tuy vậy, để làm được điều này, có 4 yếu tố cần phải cân nhắc. Đó là tỷ lệ ca nhiễm, tỷ lệ ca bệnh nặng, tỷ lệ tiêm vaccine và khả năng đáp ứng của ngành y tế.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Phú, Trung tâm Nghiên cứu khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) cho rằng sống chung với dịch hay tiếp tục dập dịch phải căn cứ trên năng lực của ngành y tế.

“Việt Nam đang đứng trước ngã 3 đường. Đó là lựa chọn giữa thiệt hại kinh tế hiện nay hay trong tương lai. Nếu hiện tại không dập dịch thì thiệt hại tương lai có thể sẽ rất lớn do số ca bệnh tăng nhanh, nguồn vaccine không đủ và hệ thống y tế bị quá tải do số lượng người bệnh lớn gấp nhiều lần so với thời điểm cách đây 1 năm”, ông Phú nói.

 
"Giải pháp duy nhất của Việt Nam hiện nay vẫn phải là cách ly nhằm hạn chế sự lây lan cho đến khi nào có đủ nguồn vaccine cho toàn dân, toàn vùng hay theo từng địa phương".
Ông Nguyễn Văn Phú, Trung tâm Nghiên cứu khoa học Quốc gia Pháp (CNRS).

Đồng tình với những giải pháp phong toả và cách ly xã hội đang được Chính phủ thực hiện trong thời gian gần đây, bà Phạm Ngọc Thuý, Giảng viên một trường Đại học tại Đức cho biết cách thức thực hiện mới là vấn đề.

“Tỷ lệ người tử vong kể từ tháng 5/2021 tới nay là không cao nếu so với các quốc gia phương Tây. Tuy nhiên, điều mà TP.HCM lo sợ hiện nay là cách thức triển khai cách ly xã hội. Đặc biệt việc tổ chức tại khu cách ly cần sớm được tháo gỡ”, bà Thuý nêu quan điểm.

Còn theo Giáo sư Trần Văn Thọ, Trường Đại học Waseda (Tokyo, Nhật Bản), muốn sống chung với dịch Covid-19, điều kiện cần là Việt Nam phải đẩy nhanh tiêm chủng vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng sớm nhất.

Song để sống chung một cách phù hợp, Giáo sư Trần Văn Thọ cho rằng phải phân chia chiến dịch sống chung thành 2 giai đoạn, gồm: ngắn và dài hạn.

Trong đó, giai đoạn ngắn hạn cần ưu tiên vào những lĩnh vực, ngành hàng sản xuất hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm… tránh làm đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất của doanh nghiệp. Cùng với đó là việc duy trì lực lượng lao động trong các ngành hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam nhằm bắt nhịp với đà phục hồi của các đối tác lớn như Mỹ, châu Âu…

“Về dài hạn, cần phải thay đổi tư duy kinh tế. Các quan hệ như tập trung và phân tán, đô thị và nông thôn, công nghiệp và nông nghiệp… sẽ chuyển theo hướng khác hoặc có điều chỉnh so với những gì đã thấy trong quá khứ. Trong đó, vấn đề đô thị hóa và phát triển nông thôn phải được đặt lại theo hướng mới do phải tránh tập trung vì phòng ngừa đại dịch”, ông Thọ khuyến nghị.