07:46 13/07/2025

Động lực tăng trưởng kinh tế thực sự nằm ở "nội tại"

Ngọc Lan

Tại Tọa đàm Investor Day 2025 với chủ đề "Kết tinh nội lực, dẫn lối thịnh vượng" do Dragon Capital tổ chức, các chuyên gia tài chính của Dragon Capital đã đưa ra nhận định lạc quan về kinh tế Việt Nam trong 5-10 năm tới...

Tọa đàm Investor Day 2025 với chủ đề "Kết tinh nội lực, dẫn lối thịnh vượng" do Dragon Capital tổ chức. Ảnh: Dragon Capital
Tọa đàm Investor Day 2025 với chủ đề "Kết tinh nội lực, dẫn lối thịnh vượng" do Dragon Capital tổ chức. Ảnh: Dragon Capital

Động lực tăng trưởng kinh tế luôn nằm ở kinh tế nội tại và nền kinh tế tư nhân trong nước trong khi cán cân đối ngoại là yếu tố cân bằng vĩ mô. Đây là chia sẻ của ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc khối Đầu tư Dragon Capital tại Tọa đàm Investor Day 2025 với chủ đề "Kết tinh nội lực, dẫn lối thịnh vượng" do Dragon Capital tổ chức ngày 12/7 tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG TỪ NỘI TẠI

Tại Toạ đàm, ông Tuấn dẫn chứng số liệu năm 2011-2012 của Việt Nam, nền kinh tế không tăng trưởng, nhiều doanh nghiệp phá sản. Ngược lại, xuất khẩu lại khởi sắc, tăng trưởng mạnh 35%-40% so với cùng kỳ.

Thêm vào đó, chuyên gia Dragon Capital chỉ ra một vấn đề khác cần lưu ý là khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chỉ sử dụng khoảng 4,5 triệu lao động, trong khi tổng lực lượng lao động của Việt Nam dao động từ 55 đến 58 triệu người. Điều đó có nghĩa là khu vực FDI chỉ sử dụng chưa đến 8% lực lượng lao động cả nước.

"Chính vì vậy, trong giai đoạn 5–10 năm tới, động lực quan trọng nhất của kinh tế Việt Nam là tăng trưởng nội tại, sức mạnh nội tại," ông Tuấn nhấn mạnh. "Điều khiến tôi thực sự phấn khích là khi chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số. Không chỉ là con số cao hơn mà điều đó có ý nghĩa như một sự mở rộng tư duy, một tầm nhìn dài hạn và táo bạo cho kỷ nguyên vươn mình".

Một trong những vấn đề được cho là tác động tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam là việc áp dụng mức thuế của Hoa Kỳ. Theo đó, Tổng thống Hoa Kỳ vào rạng sáng ngày 2/7 (theo giờ Việt Nam) đã đưa ra tuyên bố mới về khung thỏa thuận thuế quan đối với thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ chịu mức thuế 20%.

Chia sẻ tại Toạ đàm về vấn đè này, bà Đặng Nguyệt Minh – Giám đốc Khối Nghiên cứu Dragon Capital đánh giá mức thuế mới (20%) nhỉnh hơn so với mức thuế trung bình trước đây (3-9% trước khi áp thuế quan ngày 2/4), và thấp hơn đáng kể so với con số 46% theo công bố ban đầu vào ngày 2/4.

Điểm đáng chú ý nằm ở mức thuế 40% với các mặt hàng trung chuyển. Nghiên cứu của Dragon Capital cho thấy các mặt hàng trung chuyển có tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa gần như bằng không, trong khi tỷ lệ này mới đóng góp nhiều cho tăng trưởng GDP của Việt Nam.

"Do đó, con số 40% áp thuế với hàng trung chuyển gần như không có tác động đáng kể với kinh tế Việt Nam”, bà Minh cho biết. "Việc đạt thỏa thuận chính thức đã loại bỏ rủi ro lớn nhất với nền kinh tế hiện nay; rủi ro lo ngại một phần vốn FDI rời khỏi Việt Nam đã không còn quá nhiều; ngoài ra, mức thuế quan 20% được đánh giá có tác động không đáng kể và chưa đủ ngưỡng gây ra những thay đổi và sự dịch chuyển với nền kinh tế.

CẦN NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG RÕ RÀNG TRONG GIAI ĐOẠN TỚI

Trong giai đoạn 2007–2025, theo ông Tuấn phân tích, chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam chủ yếu xoay quanh việc mở cửa để đón “đại bàng”, tức là thu hút các tập đoàn đa quốc gia và dòng vốn FDI.

Tuy nhiên, trong 5–10 năm tới, Việt Nam bước sang một giai đoạn phát triển mới, lấy nội sinh làm trung tâm và lan tỏa. Điều này đồng nghĩa với việc phải tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Đây không chỉ là sự điều chỉnh chiến lược mà là yếu tố mang tính quyết định đối với tăng trưởng của cả dân tộc trong thời đại mới.

"Chính vì vậy, "kỷ nguyên vươn mình" là một bước tiến lớn trong tư duy, còn việc hiện thực hóa thành những chuyển biến vật chất cụ thể thế nào đợi 5 năm nữa sẽ thấy", ông Tuấn cho biết.

Trong khi đó, bà Minh lại chỉ ra rằng định hướng của Chính phủ là thúc đẩy hình thành các cụm liên kết ngành – một mắt xích quan trọng để tạo hiệu ứng lan tỏa trong toàn nền kinh tế. Chính từ những chuỗi liên kết này, nền kinh tế có thể mở rộng quy mô, gia tăng hiệu quả và dần xây dựng nên lợi thế cạnh tranh ở cấp độ quốc gia.

Bà Minh chia sẻ về những ngành mũi nhọn được Chính phủ đặt nền móng, dẫn dắt tăng trưởng đột phá trong những năm tới, trước hết là phải lựa chọn những doanh nghiệp mũi nhọn để từ đó nâng đỡ và kết nối các doanh nghiệp nhỏ hơn, hình thành một hệ sinh thái phát triển đồng bộ, cùng tiến lên trên hành trình hội nhập và vươn xa.

Chuyên gia Dragon Capital cũng chỉ ra 5 lĩnh vực trọng yếu mà Chính phủ đang đặc biệt chú trọng, với định hướng khơi thông nguồn lực và mở ra các dự án quy mô lớn nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế. Đó là: công nghiệp điện tử, công nghiệp chế tạo, công nghiệp quốc phòng, công nghiệp năng lượng và công nghệ sinh học.

Trong số đó, công nghiệp chế tạo là trọng tâm của nền kinh tế Việt Nam bao gồm sản xuất ô tô, chế tạo thép, thép kim loại.

Bộ Chính trị đã đề ra một mục tiêu Việt Nam phải có ít nhất 20 doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là dấu mốc quan trọng, bởi lần đầu tiên, khối doanh nghiệp tư nhân được giao phó những sứ mệnh mang tầm quốc gia.

"Chúng ta có thể thấy rõ sự hào hứng và quyết tâm của các tập đoàn tư nhân hàng đầu như Hòa Phát, Techcombank, Vingroup hay FPT, những doanh nghiệp đang chủ động đón nhận và chia sẻ trách nhiệm cùng Chính phủ để bước vào một kỷ nguyên phát triển mới", bà Minh nhận định. 

Bên cạnh đó, nhịp độ cải cách bộ máy hành chính thời gian qua cũng diễn ra mạnh mẽ: từ 18 bộ rút gọn còn 14, từ 63 tỉnh, thành phố xuống còn 34. "Đây là bước đi cần thiết và mang tính quyết liệt, cho thấy quá trình cải cách hành chính đang được triển khai với tốc độ và tinh thần tương tự như một cuộc tái cấu trúc doanh nghiệp," chuyên gia Dragon Capital nhấn mạnh.