10:18 17/09/2019

"Áp dụng quy định cứng về giờ làm việc sẽ bóp chết doanh nghiệp khởi nghiệp"

Nhật Dương

“Nếu áp dụng quy định cứng về thời gian làm việc và làm thêm giờ thì trước hết sẽ bóp chết sự phát triển của chính các doanh ngiệp khởi nghiệp Việt Nam”

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Ảnh - Mạnh Dũng.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Ảnh - Mạnh Dũng.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu quan điểm như vậy tại buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội với VCCI, một số hiệp hội doanh nghiệp về góp ý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) chiều 16/9.

Đề xuất giảm giờ làm việc tiêu chuẩn hằng tuần từ 48 giờ xuống còn 44 giờ đang nhận được nhiều tranh luận gay gắt trong những ngày qua, nhất là từ phía cộng đồng doanh nghiệp.

Dưới góc độ tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong bối cảnh hiện nay chưa phải là lúc Việt Nam có thể giảm được giờ làm việc. Bởi vì, so với 15 đối thủ cạnh tranh gay gắt trong khu vực có thế mạnh về xuất khẩu như Việt Nam thì phần lớn các nước này vẫn phải duy trì thời gian làm việc là 48 giờ/tuần.

Hiện chỉ một số rất ít các nước phát triển thì mới có thể giảm giờ làm việc thường xuyên của người lao động xuống 44 hay 40 giờ.

"Tôi nghĩ đây là đích chúng ta có thể hướng đến trong tương lai nhưng thời điểm này là chưa thích hợp để có thể giảm thời gian làm việc", Chủ tịch VCCI nói và cho rằng, việc giảm thời gian làm việc không chỉ ảnh hưởng trong những ngành sử dụng nhiều lao động mà còn tác động đến cả những ngành công nghiệp đổi mới sáng tạo mà chúng ta đang thúc đẩy.

Theo ông Lộc, các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay đang làm việc ngày đêm, say sưa với tinh thần quyết liệt, bởi vì chỉ có làm với tinh thần và thời gian như vậy thì mới có thể có được sự phát triển bứt phá.

"Doanh nghiệp trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo nói với tôi rằng, nếu áp dụng quy định cứng về thời gian làm việc và làm thêm giờ thì trước hết sẽ bóp chết sự phát triển của chính các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam", Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Riêng với vấn đề mở rộng khung thỏa thuận về giờ thời làm thêm, ông Lộc phân tích thêm rằng, hiện nay các ngành sử dụng nhiều lao động của Việt Nam bao gồm dệt may, da giày thủy sản, điện tử đang phụ thuộc rất lớn vào thị trường thế giới.

Sự phát triển của các ngành này cũng phụ thuộc lớn vào chi phí lao động và yêu cầu của các cộng đồng gia công từ các nước. Trong khi sự cạnh tranh của các quốc gia lân cận khi tham gia vào thị trường xuất khẩu này hiện nay cũng ngày càng gay gắt.

Tại Việt Nam, do toàn bộ nguyên phụ liệu cho các ngành gia công đều nhập khẩu từ nước ngoài nên chi phí đã rất lớn. Do vậy, nếu chi phí lao động cũng tiếp tục tăng cao, đặc biệt là nếu không linh hoạt trong điều kiện hợp đồng thì khả năng doanh nghiệp bị mất hợp đồng sẽ rất lớn.

Bên cạnh đó, theo Chủ tịch VCCI, giờ làm thêm không chỉ là vấn đề của riêng doanh nghiệp mà còn là vấn đề liên quan đến cả nông dân. Chẳng hạn như trong các ngành hàng nông sản, vào thời vụ nhu cầu mua nông sản để chế biến xuất khẩu rất lớn, nếu doanh nghiệp không được co giãn về thời gian làm thêm thì doanh nghiệp sẽ "chết".

Nghiêm trọng hơn, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với việc mất hợp đồng, không đảm bảo tiêu thụ được các sản phẩm cho nông dân.

"Các biện pháp hạn chế, trói buộc doanh nghiệp về thời gian làm thêm hay tăng chi phí làm thêm giờ quá cao sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh trong những ngành sử dụng nhiều lao động, trong các ngành liên quan đến nông nghiệp và nông thôn, ảnh hưởng đến xuất khẩu, tăng trưởng GDP trong khi chúng ta đang chịu áp lực tăng GDP trong thời gian tới", Chủ tịch VCCI nêu quan điểm.