14:55 13/04/2010

“Arab Saudi chuộng lao động Việt Nam”

Quỳnh Phạm

“Làm việc tại Arab Saudi tuy thu nhập không quá cao nhưng thị trường ổn định, ít rủi ro”

Hiện, tại Arab Saudi luôn có khoảng trên 4 triệu công nhân nước ngoài.
Hiện, tại Arab Saudi luôn có khoảng trên 4 triệu công nhân nước ngoài.
Đó là khẳng định của ông Fozan Al Musharraf, Tổng giám đốc Công ty Cung ứng nhân lực Fozan Al Musharraf (Arab Saudi), “đầu mối” của hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam khai thác thị trường này.

Ông Fozan Al Musharraf cho biết, sau ba năm đưa người lao động Việt Nam sang Arab Saudi làm việc, giới chủ tại Arab Saudi đánh giá cao trình độ tay nghề, ý thức làm việc của lao động Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đã đăng ký nhận lao động đến từ Việt Nam, với con số đăng ký ước tính lên tới hàng nghìn người. So với lao động các nước khác hiện đang làm việc tại Arab Saudi (Nepal, Ấn Độ, Bangladesh, Philippines, Indonesia...), mặt bằng lương của lao động Việt Nam cũng cao hơn.

Nhiều doanh nghiệp sở tại đã tuyển luôn cả đầu bếp người Việt sang Arab Saudi để nấu ăn, phục vụ khẩu vị cho lao động Việt Nam. Tóm lại, họ muốn tạo mọi điều kiện thuận lợi để người lao động Việt Nam có thể phát huy tối đa khả năng làm việc.

Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung ứng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, ông có thể cho biết nhu cầu tuyển lao động nước ngoài của Arab Saudi trong năm 2010?

Nền kinh tế Arab Saudi dựa trên cơ sở chính là dầu mỏ, được chính phủ kiểm soát chặt chẽ. Arab Saudi có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới - chiếm 26% tổng trữ lượng, là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất và giữ vai trò chủ chốt trong các nước xuất khẩu dầu mỏ thuộc tổ chức OPEC.

Dầu mỏ giữ vị trí chủ đạo trong nền kinh tế, vì thế, nhu cầu lao động cho lĩnh vực chế biến dầu khí rất lớn, ngoài ra các ngành xây dựng, sản xuất chế tạo và dịch vụ cũng rất phát triển, thu hút nhiều lao động. Tuy nhiên, nguồn lao động trong nước không đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp. Hiện, tại Arab Saudi luôn có khoảng trên 4 triệu công nhân nước ngoài làm việc trong các lĩnh vực nói trên.

Những ngành nghề  nào đang có nhu cầu tiếp nhận số lượng lớn lao động nhập cư ở Arab Saudi, thưa ông?

Một trong những lĩnh vực tiềm năng hiện nay chính là y tá để làm việc tại các bệnh viện của Arab Saudi. Tiếc là đến nay, chúng tôi vẫn chưa tìm được đối tác phía Việt Nam đáp ứng đủ yêu cầu này. Cụ thể, người lao động phải có trình độ y tá và trình độ tiếng Anh có thể giao tiếp.

Xây dựng cũng là một trong những nghề cần nhièu lao động. Hiện, Arab Saudi chủ yếu tiếp nhận lao động nhập cư trong lĩnh vực này. Ngoài ra, làm việc trong các nhà máy và giúp việc gia đình cũng là những nghề có nhu cầu lớn lao động nhập cư. Chúng tôi vừa ký một hợp đồng cung ứng với công ty Tranconsin của Việt Nam tuyển lao động giúp việc gia đình. Mức lương đối với lao động giúp việc gia đình khoảng 750 Riyal/tháng, tương đương khoảng 200 USD, các chi phí ăn, ở, đi lại... người lao động sẽ được chủ sử dụng đài thọ.

Đối với lĩnh vực xây dựng và các lĩnh vực khác, lao động được trả cao, hơn 1.200 Riyal/tháng, tương đương khoảng 300 USD.

Nói chung, ở thị trường nào cũng vậy, lao động làm công việc giản đơn thì sẽ nhận được mức lương thấp hơn lao động có tay nghề. Trong khi lao động giản đơn được trả lương từ 200-300 USD/tháng, lao động có tay nghề vững được trả từ 500-600 USD.

Về điều kiện, Arab Saudi có những điều kiện thuận lợi gì cho lao động nhập cư?

Sang Arab Saudi làm giúp việc, lao động Việt Nam không nộp bất cứ chi phí nào vì toàn bộ chi phí trước khi đi, bao gồm đào tạo, ngoại ngữ, vé máy bay hai chiều... đã được chủ sử dụng chi trả.

Đáng chú ý là thị trường Arab Saudi không quy định hạn ngạch tiếp nhận lao động nước ngoài như các quốc gia khác.

Làm việc tại Arab Saudi tuy thu nhập không quá cao nhưng thị trường ổn định, ít rủi ro. Tuỳ theo ngành nghề, người lao động sẽ làm việc từ hai đến ba năm. Pháp luật Arab Saudi rất bảo vệ lao động nhập cư như lao động sở tại.