Ba nhiệm vụ trọng tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Ngày 19/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Tọa đàm về nhu cầu và chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao (Đề án)...
Tại tọa đàm, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, theo Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 08/6/2021 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng “Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao”, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2022.
Theo đó, đào tạo phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao để phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Đồng thời, nâng cao năng lực các cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ cao, tiệm cận chuẩn mực quốc tế, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Thúc đẩy di chuyển lao động giữa Việt Nam và thị trường ASEAN/khu vực và thúc đẩy phát triển đào tạo nhân lực công nghệ cao để thu hút nguồn lực đầu tư và các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Việc xây dựng đề án sẽ kế thừa kinh nghiệm và những bài học thành công trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đầu tư trọng tâm, trọng điểm trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao.
Tạo cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực của các bên liên quan cho đào tạo các ngành, lĩnh vực phục vụ phát triển công nghệ cao; thúc đẩy các tập đoàn, doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế đầu tư, hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học để phát triển một số ngành đào tạo, ưu tiên đào tạo nhân lực công nghệ cao đạt trình độ ngang tầm thế giới.
Công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao phải gắn với các ngành, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với chiến lược phát triển công nghệ cao của Nhà nước, bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tạo động lực cho tăng trưởng, thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Đảm bảo tính đồng bộ, liên kết, đưa ra các nhóm giải pháp tích cực, thống nhất với các đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao tại các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bước đầu xây dựng Đề án xác định, mục tiêu đến năm 2030, phát triển các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng nhanh số lượng đội ngũ nhân lực trình độ cao, chất lượng cao, phục vụ phát triển các lĩnh vực công nghệ cao được ưu tiên; tạo tác động lan toả tới phát triển nguồn nhân lực trình độ cao nói chung, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đạt được mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có ngành công nghiệp hiện đại và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Đề án hướng tới tầm nhìn đến năm 2045, các chương trình đào tạo được phát triển và nhân rộng mô hình trong toàn hệ thống, thích ứng linh hoạt với bối cảnh và nhu cầu trong nước. Các nhóm, lĩnh vực đào tạo tăng hạng trong các bảng xếp hạng quốc tế; quy mô tuyển sinh, đào tạo và tốt nghiệp tăng trưởng bền vững, cung ứng nguồn nhân lực trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của lĩnh vực công nghệ cao tại các doanh nghiệp và địa phương.
Ba nhiệm vụ trong tâm được dự kiến: Đào tạo nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao; Đào tạo lại nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao; Thu hút các cá nhân, doanh nghiệp, bên liên quan tham gia đào tạo nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao.
Một số giải pháp dự kiến bao gồm đào tạo gắn với nghiên cứu các ngành phục vụ phát triển công nghệ cao; chính sách cho đào tạo nhân lực công nghệ cao như chính sách tài chính hỗ trợ người học, chính sách thúc đẩy cơ sở giáo dục đại học, chính sách thu hút nguồn lực,…
Tại tọa đàm các đại biểu đã thảo luận và đặt ra nhiều câu hỏi liên quan về danh mục các dự án, chương trình, nhiệm vụ cơ sở giáo dục đại học đang và sẽ triển khai giai đoạn 2023-2030... Các đại biểu cùng đề xuất cơ chế tài trợ, phân bổ kinh phí đào tạo, nghiên cứu cho các cơ sở giáo dục đại học đào tạo nhân lực công nghệ cao.
Bên cạnh đó, cho ý kiến về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác với các trường đại học trong đào tạo, nghiên cứu các ngành, lĩnh vực phục vụ phát triển công nghệ cao cũng như cơ chế, tiêu chí cho các cơ sở giáo dục đại học tham gia đào tạo nhân lực công nghệ cao. Các đại biểu đặc biệt nhấn mạnh đến chính sách thu hút người dạy, người học tham gia đào tạo, nghiên cứu trong các lĩnh vực phát triển công nghệ cao; các chính sách ưu tiên khác cho các bên tham gia đào tạo nhân lực công nghệ cao.
Đại diện tổ biên tập, ban soạn thảo Đề án, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thuỷ ghi nhận, tiếp thu các ý kiến của các đại biểu tham dự toạ đàm.
Các đại biểu đã thống nhất cao về mục tiêu của Đề án hướng đến tính khả thi, cụ thể; đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của doanh nghiệp ở tất cả các khâu của quá trình đào tạo cũng như tiếp nhận nguồn nhân lực chất lượng cao sau đào tạo.
Các đại biểu cũng đánh giá cao vai trò của cơ sở giáo dục đại học, từ đội ngũ giảng viên cần nâng cao chất lượng, yêu cầu cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm…; và nhấn mạnh yêu cầu nâng cao chất lượng đầu vào, thu hút sinh viên giỏi, đảm bảo chuẩn tối thiểu theo quy định.
Vai trò của các bộ, ngành, địa phương, trong dự báo nguồn nhân lực và đặt hàng đào tạo cùng tầm quan trọng của Ngân sách nhà nước cũng được toạ đàm nhấn mạnh.