09:27 01/06/2007

Bất đồng Á-Âu về cắt giảm khí thải

Trung Việt

Châu Á và châu Âu đã không nhất trí về cách thức giải quyết tình trạng ấm lên của Trái đất

Giảm khí thải là vấn đề cấp bách trên toàn cầu.
Giảm khí thải là vấn đề cấp bách trên toàn cầu.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 8 (FMM 8) tại Hamburg (Đức) vừa bế mạc sau hai ngày họp.

Các đại biểu đã thảo luận và nhất trí về nhiều vấn đề “nóng” của thế giới như chống khủng bố, chiến tranh Iraq; nối lại Vòng đàm phán Doha... Tuy nhiên, các nước vẫn bất đồng sâu sắc quanh vấn đề giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Hội nghị FMM8 lần này có sự tham dự của bộ trưởng ngoại giao 43 nước thành viên ASEM, ủy viên phụ trách đối ngoại y ban châu Âu (EC) và Tổng thư ký ASEAN. Ngoài việc đã trao đổi sâu rộng các vấn đề toàn cầu, Hội nghị còn là dịp kiểm điểm hợp tác ASEM, và chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 7, sẽ diễn ra tại Bắc Kinh (Trung Quốc) vào tháng 10/2008.

Đặt lên bàn nghị sự những vấn đề toàn cầu

Về các vấn đề toàn cầu, Hội nghị nhất trí ủng hộ giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí huỷ diệt; khẳng định cuộc chiến chống khủng bố cần được tiến hành trong khuôn khổ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, và đánh giá cao hợp tác ASEM trong lĩnh vực này; khẳng định tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực an ninh năng lượng, sự thay đổi khí hậu, và kêu gọi có các biện pháp đa phương nhằm xây dựng các thị trường năng lượng quốc tế ổn định, hiệu quả, minh bạch.

Hội nghị nhất trí cần thúc đẩy nối lại vòng đàm phán Doha, kêu gọi các thành viên WTO nỗ lực hơn nữa để kết thúc vòng đàm phán có tính đến lợi ích của các nước đang phát triển. Các bộ trưởng hoan nghênh việc khởi động đàm phán ASEAN-EU về khu vực mậu dịch tự do ASEAN-EU ngày 4/5 tại Brunei.

Hội nghị lo ngại trước tình hình bất ổn, bạo động tại Iraq; bày tỏ ủng hộ Chính phủ Iraq trong nỗ lực khôi phục an ninh, ổn định, hoà hợp dân tộc và phát triển đất nước; hoan nghênh nỗ lực quốc tế qua các hội nghị gần đây về Iraq. Các nhà ngoại giao Á-Âu hoan nghênh kết quả đạt được tại vòng 5 đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên ngày 13/2.

Hội nghị kêu gọi Iran tuân thủ các nghị quyết của Liên hợp quốc và của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) và các bên liên quan cần sớm có các giải pháp ngoại giao và thoả thuận toàn diện về vấn đề hạt nhân của Iran. Hội nghị ủng hộ một nền hoà bình lâu bền, công bằng và toàn diện ở Trung Đông, ủng hộ giải quyết cuộc xung đột Israel – Palestin thông qua thương lượng.

Về hợp tác ASEM, Hội nghị đã kiểm điểm tình hình thực hiện các tuyên bố cấp cao ASEM 5, ASEM 6. Hội nghị đánh giá cao các hoạt động hợp tác trên lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục. Kết thúc Hội nghị, các bộ trưởng thông qua Tuyên bố Chủ tịch FMM 8.

Bất đồng về đối phó tình trạng Trái đất ấm lên

Ngoại trưởng Đức F. Stainmeier cho biết, tại Hội nghị FMM8 lần này, châu Á và châu Âu đã không nhất trí về cách thức giải quyết tình trạng ấm lên của Trái đất với trách nhiệm ngang nhau, sau khi Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực vào năm 2012. Trung Quốc cho biết, nước này sẽ không bị ràng buộc bởi những tiêu chí giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, trong bối cảnh châu Âu và châu Á không nhất trí về cách đối phó tình trạng ấm lên của trái đất.

EU nhất trí cắt giảm ít nhất 20% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2020, so với thời điểm năm 1990. Đây được coi là thách thức đối với các nước công nghiệp và các nước đang phát triển, bởi EU cam kết sẽ tăng lượng khí thải cắt giảm lên 30% sau thời điểm đó. Nhật Bản cho biết, nước này không thể chấp nhận mục tiêu có một Nghị định thư mới vào năm 2009. Nhật cho rằng các nước gây ô nhiễm môi trường nhất như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ nên được xem xét tới, trước khi đưa ra bất kỳ mục tiêu nào.

Trong khi đó, Mỹ phản đối ý tưởng đưa ra các mục tiêu ràng buộc liên quan vấn đề khí thải gây hiệu ứng nhà kính, cũng như phản đối những lời kêu gọi các nước G8 tăng 20% hiệu quả sử dụng năng lượng nói chung vào năm 2020.

Quan điểm của các nước ASEAN cho rằng việc ra một nghị định thư mới cần có thời gian cân nhắc, song “hành động là điều bắt buộc”. Tổng thư ký ASEAN Keng Ong nói: “Nếu chúng ta tiếp tục tranh cãi về thời điểm năm 2009 hay mục tiêu nào là thích hợp, chúng ta không bao giờ nhất trí được điều cần phải làm. Trong khi đó, trái đất vẫn đang ấm lên và nhiều vấn đề xảy ra”.

Thủ tướng Đức A.Merkel đang giữ chức Chủ tịch luân phiên cả G8 và EU muốn Hội nghị G8 tới đây nhất trí về những bước đi cụ thể, tạo cơ sở cho việc mở rộng Nghị định thư Kyoto năm 1997 (trong đó các bên cam kết giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính).