09:53 20/09/2017

Bầu cử Đức quyết định tương lai châu Âu thế nào?

An Huy

Bà Angela Merkel có thể sẽ tái đắc cử chức Thủ tướng Đức nhiệm kỳ thứ tư

Thủ tướng Đức Angela Merkel.<br>
Thủ tướng Đức Angela Merkel.<br>
Bà Angela Merkel có thể sẽ tái đắc cử chức Thủ tướng Đức nhiệm kỳ thứ tư trong cuộc tổng bầu cử diễn ra ở nước này vào ngày Chủ Nhật tới. Theo đánh giá của hãng tin CNBC, một kết quả như vậy đồng nghĩa với việc Liên minh Châu Âu (EU) sẽ trở thành một khối gắn kết hơn nữa về kinh tế và chính trị.

Nếu các cuộc thăm dò dư luận là đáng tin cậy, chiến thắng thuộc về bà Merkel - một người thân EU - là điều chắc chắn, bởi liên minh bảo thủ của bà đang dẫn đầu trong các cuộc khảo sát.

Kết quả cuộc thăm dò mới nhất được tờ Bild am Sonntag công bố vào ngày Chủ Nhật vừa rồi cho thấy liên minh CDU-CSU của bà Merkel đang dẫn đầu với 36% cử tri được khảo sát ủng hộ, so với mức ủng hộ 22% dành cho đảng đối thủ SPD. Vị trí thứ ba đang thuộc về đảng AfD, một đảng cực hữu với quan điểm chống người nhập cư, với tỷ lệ ủng hộ 11%.

Ông Jorg Ambrosius, Giám đốc điều hành của State Street Bank International, nói rằng cuộc bầu cử Đức “là một cuộc bầu cử rất quan trọng đối với tương lai của châu Âu”.

“Quan điểm cá nhân của tôi là đang có một cánh cửa mở để Đức và Pháp có thể khôi phục trục Đức-Pháp vốn từng là động lực cho chương trình nghị sự của châu Âu trước kia. Tôi cũng cho rằng giờ đây, với sự phục hồi kinh tế của châu Âu và sự ra đi của Anh khỏi EU, đây là cơ hội có một không hai để đưa EU và liên minh tài chính lên một nấc cao mới”, ông Ambrosius nói.

Theo một số dự báo, bà Merkel sẽ phải lập một liên minh khác với một chính đảng khác, có thể là với SPD, hoặc FDP - một đảng nhỏ hơn và có đường lối thân thiện với kinh doanh - và Đảng Xanh. Nhưng cho dù thành phần của liên minh cầm quyền có gồm những đảng nào, thì giới chính trị truyền thống của châu Âu cũng sẽ thở phào nhẹ nhõm miễn là AfD, đảng chống EU và chống đồng Euro, gánh thất bại trong lần bầu cử này.

Đối với những người ủng hộ EU, việc bà Merkel tái đắc cử có thể báo hiệu cho một kỷ nguyên mới với sự hội nhập kinh tế và chính trị ngày càng chặt chẽ trong khu vực, đặc biệt xét đến việc bà ủng hộ lời kêu gọi cải cách trong EU mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra.

Đầu năm nay, ông Macron và bà Merkel đã nhất trí về nguyên tắc về lập ghế Bộ trưởng Bộ Tài chính châu Âu, Quốc hội Eurozone, ngân sách chung Eurozone, và tăng cường đầu tư công trong khu vực, cũng như phối hợp chặt chẽ hơn trong nỗ lực cải cách.

Nói chung, cải cách được các nước EU hoan nghênh. Tuy nhiên, ý tưởng về một Bộ trưởng Bộ Tài chính toàn Eurozone và ngân sách chung cho cả khu vực không nhận được sự ủng hộ của tất cả các nước thành viên.

Chẳng hạn, hồi tháng 5, chính Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Wolfgang Schauble nói rằng những ý tưởng cải cách của ông Macron là “phi thực tế” bởi đòi hỏi hiệp ước EU phải thay đổi. Thay vào đó, ông Schauble gợi ý nên phát triển Cơ chế Ổn định châu Âu (ESM) sẵn có, tức quỹ giải cứu tài chính của Eurozone.

Ông Ambrosius đồng ý rằng việc nói về một Bộ trưởng Bộ Tài chính cho cả châu Âu vào lúc này là “còn hơi sớm”. Tuy nhiên, ông khẳng định khả năng xảy ra một kết quả bầu cử gây sốc ở Đức lần này là rất hạn chế. “Đây sẽ là cuộc bầu cử thứ tư mà các đảng thân EU giành chiến thắng”, ông nói.

Nhiều doanh nghiệp mong muốn sự ổn định về lãnh đạo và duy trì nguyên trạng cũng hoan nghênh việc bà Merkel nắm giữ chức Thủ tướng Đức thêm một nhiệm kỳ nữa. Mặc dù vậy, đang xuất hiện ngày càng nhiều lời kêu gọi về tăng cường đầu tư bên trong Đức và những nỗ lực thu hút các nhà đầu tư từ bên ngoài.

Ông Bernhard Mattes, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ tại Đức, nói rằng giới doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Đức đang kỳ vọng vào những cải cách mới.

“Các doanh nghiệp không nhận thấy có rủi ro trong lần bầu cử này, nhưng họ hy vọng sẽ có những cải cách cần thiết, sẽ có thêm đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng số cho tương lai. Họ hy vọng nhiều vào cải cách thuế để nền kinh tế mạnh hơn và giúp Đức thu hút thêm nhiều nhà đầu tư”, ông Mattes phát biểu.