19:27 09/12/2024

Vướng mắc trong hành trình chuyển đổi xanh các khu công nghiệp

Nguyệt Hà

Mặc dù chấp nhận tốn kém khi chi phí chuyển đổi, đầu tư trung bình của một khu công nghiệp thế hệ cũ sang mô hình thế hệ mới cao hơn 30% so với thông thường, các doanh nghiệp còn gặp rất nhiều rào cản...

Khu Công Nghiệp Vsip đang chuyển đổi dần các khu cũ sang thế hệ mới.
Khu Công Nghiệp Vsip đang chuyển đổi dần các khu cũ sang thế hệ mới.

Chia sẻ tại buổi trao đổi về thực trạng câu chuyện chuyển đổi xanh của các Khu công nghiệp tại TP.HCM do Hiệp hội các Khu công nghiệp TP.HCM (HBA) và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban 4) Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tổ chức cuối tháng 11 vừa qua, ông Đào Xuân Đức, Chủ tịch Hiệp hội khẳng định “Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn có lộ trình cụ thể về chuyển đổi xanh quốc gia để đồng hành cùng Chính phủ thực hiện Cam kết Netzero vào 2050”.

CẦN QUY TRÌNH ĐƠN GIẢN, CHÍNH SÁCH RÕ RÀNG

Theo đánh giá của Savills, chi phí để đầu tư một khu công nghiệp thế hệ mới cao hơn 30% so với các khu công nghiệp thế hệ cũ. Những khu công nghiệp đã hình thành và tồn tại ngoài khó khăn về nguồn vốn tái đầu tư công nghệ chuyển đổi xanh, còn vướng về cơ chế và giải pháp. Do vậy, cần quyết tâm rất cao doanh nghiệp mới dám chuyển đổi xanh.

Chia sẻ về những vướng mắc trong quá trình chuyển đổi xanh, ông Vũ Anh Tuấn, giám đốc Công ty Máy dược phẩm Tiến Tuấn (Khu công nghiệp Tân Bình), cho biết hiện nay 100% mô tơ điện sản xuất và lưu thông trên thị trường trong nước không có IE (động cơ có hiệu suất cao hơn tiêu thụ ít điện năng hơn, giúp giảm chi phí vận hành).

Hiện nay Việt Nam ngoài hơn 20 nhà máy từ thời Liên Xô để lại, nay cấp phép mới cho nhiều nhà máy Trung Quốc, Đài Loan sản xuất nhưng lại không kiểm tra xác nhận các tiêu chuẩn IE trong điều kiện cấp phép. Tuy nhiên, trên trang web của những doanh nghiệp này vẫn đề là đáp ứng tiêu chuẩn IE2. Theo ông Tuấn, như vậy, mỗi năm vài triệu mô tơ không tiết kiệm năng lượng vào thị trường. Có vẻ như các cơ quan quản lý nhà nước chưa thực sự quan tâm tới yếu tố môi trường, nên đã cấp phép cho công nghệ “rác”.

“Trong khi đó, theo quy định máy móc, thiết bị nhập khẩu từ EU phải mang ra Hà Nội để dán tem xanh xác nhận. Trung bình chúng tôi nhập 1 motor Siemens mất nửa năm, sau đó mất thêm nửa năm gửi 100% mô tơ đó ra Hà Nội chờ dán tem xanh, như vậy mất một năm máy móc chưa thể đưa vào vận hành sản xuất. Doanh nghiệp muốn làm tốt, làm đúng cũng gian nan?”, ông Tuấn phản ánh.

Còn theo chia sẻ của ông Giang Ngọc Phương Phó Tổng Giám đốc Khu công nghiệp Hiệp Phước, Nghị định 135/NĐ có tiến bộ là bổ sung loại hình Khu công nghiệp sinh thái. Để được công nhận là Khu công nghiệp sinh thái doanh nghiệp phải chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật, nhưng lại không giới hạn về mức độ vi phạm. Trong thực tế, Doanh nghiệp có thể chỉ cần sai thông tin khi xuất hóa đơn là đã phải chỉnh sửa và bị xử phạt hành chính về hành vi này; hay đăng ký cập nhật giấy chứng nhận theo Hợp đồng dân sự giữa Công ty hạ tầng và Doanh nghiệp chỉ có thể thực hiện khi Doanh nghiệp hoàn tất nghĩa vụ thanh toán nhưng như thế sẽ vi phạm và bị xử phạt hành chính vì quá trình này luôn phải trên 30 ngày

Còn nữa, hiện nay Việt Nam có 438 khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó có nhiều khu xuất hiện từ những năm 90 cuối thế kỷ 20 ở giai đoạn đầu, khi đó chưa có quy định pháp luật về khu công nghiệp, khu kinh tế... các quy chuẩn, diện tích đất dành cho cây xanh và nhà máy còn chưa được quy định.

Thông tư mới nhất yêu cầu khu công nghiệp sinh thái phải dành ít nhất 25% diện tích chung cho không gian xanh. Trong đó, mỗi doanh nghiệp vẫn phải đáp ứng quy định riêng về không gian của nhà máy. Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 1, ngay từ xuất phát điểm thành lập từ năm 1996, đã dành 40% diện tích đất cho cây xanh, hiện nay đang mở rộng giai đoạn 2 và dù tối ưu hóa cũng vẫn dành đủ 25% diện tích đất cho cây xanh theo quy định.

“Nhưng nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp cũ khác có diện tích nhỏ hơn, hiện diện tích cây xanh thấp không đảm bảo phù hợp yêu cầu của luật. Đây là vấn đề tồn tại do lịch sử, trước khi có Nghị định. Thực tế là những khu công nghiệp này vẫn có những có quy định dành không gian xanh để cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia mở rộng, sắp xếp và không bị bí bách. Hy vọng thời gian tới khi có thông tư hướng dẫn chính thức sẽ tháo gỡ hoặc định hướng phù hợp cho các khu công nghiệp chuyển đổi mạnh sang loại hình Khu công nghiệp sinh thái”, ông Phương cho biết.

BỐI RỐI TRƯỚC MA TRẬN THÔNG TIN VỀ XANH

 Với kinh nghiệm tư vấn cho nhiều cảng biển chuyển đổi xanh trên cả nước, Luật sư Phạm Hoài Trung – Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty TNHH công nghệ AGITECH, cho hay doanh nghiệp đang gặp 3 vướng mắc chung trong quá trình chuyển đổi xanh.

Thứ nhất là từ Quý 4/2023 chúng ta nói rất nhiều về chuyển đổi xanh nhưng đang có sự bối rối lúng túng trong hiểu như thế nào là chuyển đổi xanh và làm thế nào để chuyển đổi. Doanh nghiệp hiện không thể phân biệt giữa chuyển đổi xanh và chuyển đổi thông thường do hiện chưa ban hành bộ tiêu chí phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, hệ thống phân ngành xanh, thị trường carbon,...

Tiếp đó, cần làm rõ nhận thức để đẩy nhanh cam kết sẵn sàng. Chẳng hạn nhà nước cần đưa ra nhưng điều kiện, quy định rất đơn giản về điện. Với quy định của CBAM, hiện nay tất cả doanh nghiệp xuất khẩu đều quan tâm đến năng lượng đầu vào, vậy chúng tôi cần biết phải tiêu tốn bao nhiêu điện để sản xuất, từ đó tính ra lượng phát thải khí CO2. “Không những thế, còn đang tồn tại những cách hiểu rất khác nhau về xanh. Những khái niệm như dấu chân carbon cũng rất khó hiểu với doanh nghiệp, chúng tôi đọc nhiều tài liệu như thấy rơi vào “ma trận” kiến thức và cách diễn giải”, ông Trung băn khoăn.

Thứ 2, về trách nhiệm xã hội trong ESG, cần có hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp sự khác nhau giữa trách nhiệm xã hội thông thường và trách nhiệm xã hội theo tiêu chí ESG. 

Trong quá trình tư vấn, nhiều chuyên gia nói về phát triển bền vững rất phức tạp, đưa ra rất nhiều khung, chỉ riêng bộ tiêu chí PCI xanh của VCCI cũng hơn 100 tiêu chí.

Chúng tôi cho rằng Chính phủ nên đưa ra tiêu chí về tăng trưởng, chuyển đổi xanh rõ ràng, đơn giản với độ khó tăng dần theo từng giai đoạn thì doanh nghiệp mới thực hiện được. Nếu các điều kiện, tiêu chí quá phức tạp sẽ rất khó thực hiện trong thực tế.

Thứ ba, việc chuyển đổi số, xanh rất quan trọng. Khó khăn nhất là sự minh bạch, các tiêu chí tiêu chuẩn, điều kiện đánh giá... tất cả phải đo đếm được nếu không sẽ không thể chuyển đổi. Những công nghệ như IoT, AI, Bigdata,... cần diễn giải ra ứng dụng vào các công nghệ như thế nào.

Ông Trung nêu ví dụ cụ thể, như khi đo lường tiêu chí phát triển bền vững về ô nhiễm, bụi, ánh sáng, độ ẩm môi trường, khói, nước... tất cả đều cần kiểm đếm nhưng không thể đếm bằng tay. Do đó họ cần công nghệ IoT để hỗ trợ những khâu mắt thường không thể thấy được, sau đó cần công nghệ Bigdata ... để đưa ra các bước thực hiện đơn giản theo lộ trình.

DOANH NGHIỆP CẦN LỘ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI XANH CỤ THỂ

Sau thời gian chủ động chuyển đổi và mang quy trình nước ngoài về Việt Nam nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về tài chính nhân lực, ông Nguyễn Tấn Phong Phó Tổng giám đốc thường trực Khu chế xuất Tân Thuận nêu ý kiến: “Chúng tôi cho rằng kế hoạch thực hiện chuyển đổi xanh cần có phần bắt buộc và tự nguyện. Trong đó, nhà nước cần làm rõ phần nào là phần trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp”.

Tiếp nối quan điểm trên ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH nước giải khát Tân Quang Minh (Khu công nghiệp Vĩnh Lộc) cũng cho rằng: đồng thời với việc đưa ra chủ trương, nhà nước cũng cần tạo những điều kiện, nguồn lực cần thiết cho doanh nghiệp chuyển đổi như tài chính, cơ chế chính sách khuyến khích hỗ trợ chuyển đổi, công nghệ, quy trình thủ tục...

Với đặc thù của Hiệp hội các thành viên là lãnh đạo, chủ đầu tư các khu công nghiệp, doanh nghiệp lớn tham gia trong ban chấp hành, ông Lê Hoàng Châu Trưởng ban Chuyển đổi số của HBA cho biết, Hiệp hội có lợi thế khác biệt trong thực hiện sứ mệnh hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện quy định pháp luật để sản xuất kinh doanh bền vững, góp ý phản biện, đề xuất chính sách trực tiếp nhanh chóng và chính xác, có giá trị thực tiễn hơn cả.

“Tuy nhiên, chuyển đổi xanh phức tạp hơn chuyển đổi số rất nhiều lần do tích hợp cả công nghệ, dịch vụ, hạ tầng, quản trị, trách nhiệm xã hội... Hơn nữa, chuyển đổi xanh hiện quá mới ở Việt Nam, do đó doanh nghiệp rất cần sự chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện, lựa chọn, thiết kế mô hình phù hợp, nếu không cũng không biết phải triển khai như thế nào”, ông Châu nêu thực trạng.

Thay mặt cho các hội viên HBA, ông Đào Xuân Đức Chủ tịch Hiệp hội cho biết rất hoan nghênh cách tiếp cận của Chính phủ về chuyển đổi xanh trong lĩnh vực công nghiệp. Với Nghị định 135 cũng đã có những xử lý nghiêm túc, tinh thần đó sẽ giúp ích cho doanh nghiệp. Đối với cam kết của Chính phủ với mục tiêu netzero 2050, đó là câu chuyện của chính phủ, địa phương, doanh nghiệp, là mục tiêu phải thực hiện. Tuy nhiên, HBA cũng mong muốn bên cạnh những chủ trương, chương trình lớn mang quy mô cả nước, có tác động sâu rộng đến các thành phần kinh tế thì cần có sự chuẩn bị sẵn sàng về nguồn lực thực hiện.

 

Hiệp hội khu công nghiệp TP.HCM (HBA) là Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp duy nhất trên cả nước. HBA đã thành lập được hơn 20 năm, hội viên gồm cả doanh nghiệp trong và ngoài Khu công nghiệp. Hiện nay TP.HCM có 18 Khu công nghiệp, trong đó có một Khu công nghệ cao và 3 Khu chế xuất, còn lại là các Khu công nghiệp, số lượng dự án đầu tư là 1800 dự án, trên 500 dự án là từ nguồn vốn FDI.