Biến ngân hàng đối thủ thành… đồng minh
Đây được xem là một giải pháp mà các ngân hàng nội tính đến trước khi có mặt các thành viên 100% vốn ngoại
Đây được xem là một giải pháp mà các ngân hàng nội tính đến trước khi có mặt các thành viên 100% vốn ngoại.
HSBC vừa hoàn tất các thủ tục liên quan đến việc nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Ngân hàng Kỹ thương Techcombank lên 20%. Cùng thời điểm này, HSBC chính thức nhận giấy phép lập ngân hàng con 100% vốn tại Việt Nam.
Khi ngân hàng con 100% vốn của HSBC tại Việt Nam đi vào hoạt động, cũng như những ngân hàng nội địa khác, thị phần của Techcombank sẽ bị ảnh hưởng nhất định. Khi đó, HSBC Việt Nam là đối thủ, nhưng cũng là một đồng minh của Techcombank, xét ở khía cạnh quan hệ đối tác chiến lược.
Cùng “cộng sinh”
Người viết bài này từng nhận được yêu cầu từ một số nhà đầu tư xác minh kế hoạch “thoái vốn” của một đối tác chiến lược nước ngoài tại một ngân hàng Việt Nam, với “lý do” đối tác đó chuẩn bị lập ngân hàng con 100% vốn và sẽ cạnh tranh toàn diện.
Đó là thông tin bên lề, phảng phất kiểu tin đồn và phía ngân hàng nội địa nói trên đã phủ nhận, nhưng cho thấy vẫn có quan điểm về một mối quan hệ xung khắc hoàn toàn giữa ngân hàng nội và ngoại trong tương lai.
Còn người trong cuộc lại có quan điểm và chiến lược khác: cùng cộng sinh, cùng phát triển; thậm chí với các ngân hàng nội, thắt chặt quan hệ với ngân hàng ngoại còn là một trong những giải pháp để không bị thất thế trên sân nhà.
Không phải ngẫu nhiên có sự trùng hợp giữa sự kiện HSBC nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Techcombank với sự kiện nhận giấy phép lập ngân hàng con 100% vốn tại Việt Nam. Thông điệp mà HSBC đưa ra qua hai sự kiện này là tiếp tục tham gia sâu hơn vào thị trường tài chính Việt Nam, bên cạnh sự mở rộng là sự tăng cường các quan hệ.
“Techcombank đóng vai trò then chốt trong chiến lược phát triển song hành của chúng tôi tại Việt Nam, bao gồm việc đầu tư vào các hoạt động của ngân hàng nhằm thúc đẩy tăng trưởng nội tại cũng như đầu tư vào các đối tác chiến lược. Việc gia tăng tỷ lệ đầu tư không chỉ thắt chặt quan hệ hợp tác với Techcombank, mà hơn nữa, chúng tôi cam kết hỗ trợ thêm những nguồn lực cần thiết nhằm giúp Techcombank phát triển”, ông Vincent Cheng, Chủ tịch Ngân hàng HSBC châu Á - Thái Bình Dương, nói.
Tương tự, về sự kiện Standard Chartered Bank nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Ngân hàng Á châu (ACB) lên 15% trước thềm sự kiện nhận giấy phép lập ngân hàng con 100% vốn tại Việt Nam (cùng lúc với HSBC), ông Jaspal Bindra, Tổng giám đốc khu vực châu Á, khẳng định đó là một bước củng cố quan hệ chiến lược với ACB, song hành với kế hoạch phát triển và mở rộng hoạt động của Standard Chartered tại Việt Nam.
Trên thực tế, HSBC tại Techcombank, Standard Chartered tại ACB, hay những trường hợp khác, đều đang cho thấy sự đóng góp của ngân hàng ngoại trong củng cố và phát triển ngân hàng nội địa đối tác, bên cạnh những kế hoạch “đan chéo” dịch vụ và sản phẩm cùng có lợi. Đó là giá trị mà “đồng minh” mang lại và ngân hàng nội chờ đợi.
Ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VPBank – có đối tác chiến lược là OCBC với tỷ lệ sở hữu 15% cổ phần), cũng thừa nhận rằng: “Nhìn một cách thẳng thắn, ngân hàng Việt Nam đang ở thế yếu so với ngân hàng nước ngoài. Vậy, các ngân hàng Việt Nam phải làm gì để không bị thất thế ngay tại sân nhà? Biến đối thủ thành đồng minh là giải pháp được nhiều ngân hàng Việt Nam lựa chọn”.
Trong các thông điệp từ các bản ký kết hợp tác chiến lược với các ngân hàng ngoại của 10 ngân hàng nội địa thời gian qua, có thể thấy mục đích lớn nhất là tranh thủ sự hỗ trợ về quản trị, công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhân lực… từ đối tác ngoại.
Hay như quan điểm của ông Ân Thanh Sơn, Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc tế (VIB), rằng: “Chúng tôi sẽ lựa chọn đối tác chiến lược theo phương châm không đặt nặng vấn đề tài chính mà nhắm đến đối tác có định hướng phát triển phù hợp, khả năng hỗ trợ về quản trị, kỹ thuật, công nghệ và đặc biệt là tăng cường nguồn nhân lực để phát triển ngân hàng”.
Cho đáng để đầu tư
Phía sau mối quan hệ chiến lược trên, có nghi ngại đã được đặt ra trong suốt thời gian qua về sự chi phối, khả năng thôn tính của ngân hàng ngoại trong tương lai. Điều này về kỹ thuật khó xẩy ra, bởi vẫn có những rào cản về giới hạn tỷ lệ sở hữu. Nhưng cũng chính rào cản này dẫn đến một quan điểm rằng: cần có một tỷ lệ cao hơn cho đáng để đầu tư.
Ngày 5/9, HSBC hoàn tất thủ tục nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Techcombank lên 20%. Đây là trường hợp đầu tiên và cũng là duy nhất đến thời điểm này có được tỷ lệ đó. Còn lại, mức tối đa ở một số trường hợp khác là 15%, phổ biến là 10%.
Xoay quanh tỷ lệ này, thời gian qua đã có nhiều tổ chức trong và ngoài nước đề xuất nới rộng. Ngoài mục đích tạo thêm hấp dẫn thu hút vốn đầu tư nước ngoài còn tạo điều kiện để các đối tác mạnh tay hơn trong hỗ trợ và mối quan hệ “đồng minh” cũng được thắt chặt hơn.
Hay như cách đặt vấn đề của ông Lê Đắc Sơn, “bài toán đặt ra ở đây là sở hữu bao nhiêu phần trăm cổ phần của các ngân hàng Việt Nam thì ngân hàng nước ngoài sẽ nhiệt tình hợp tác, gắn bó mật thiết. Bởi chỉ khi đầu tư nhiều họ mới thực sự nhiệt tình với đồng vốn họ bỏ ra và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với ngân hàng nội”.
Mặt khác, đi cùng với mức độ đầu tư là mức độ lợi nhuận. Nói một cách dân dã như ý kiến một người trong cuộc tại một hội thảo gần đây là “cho đáng đồng tiền bát gạo”.
Và liên quan đến tỷ lệ này, ông Sơn đề xuất các cơ quan quản lý nên tổ chức một cuộc điều tra xem cổ đông chiến lược nước ngoài tại ngân hàng Việt Nam nên sở hữu bao nhiêu phần trăm là hợp lý. “Theo tôi, từ nay đến năm 2010, Chính phủ có thể nới tỷ lệ sở hữu cho cổ đông chiến lược nước ngoài lên 25% và tổng số cổ phần ngân hàng Việt Nam được phép bán cho đối tác nước ngoài không quá 35%”, ông Sơn dự tính.
Cũng theo nhận định của ông Sơn, qua thực tế hợp tác với các ngân hàng nước ngoài và hoạt động trong ngành, với mức sở hữu 10% cổ phần, hoạt động chuyển giao công nghệ và chia sẻ kinh nghiệm giữa các ngân hàng “không sôi động như mong đợi”; phải đến khi được nâng lên 15% hay 20% thì hoạt động hợp tác mới để lại những dấu ấn đậm nét.
Trong ý kiến từ tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thời gian qua, mức tỷ lệ sở hữu nói trên cũng được đề xuất nâng lên với tổng 35% - 37%.
Nếu xét ở khía cạnh tăng tỷ lệ sở hữu sẽ tăng hiệu quả sự hỗ trợ của đối tác ngoại, thúc đẩy sự lớn mạnh hơn của ngân hàng nội, thì đây có phải là thời điểm để xem xét những đề xuất đó, khi mà thời điểm các ngân hàng 100% vốn ngoại nhập cuộc đã gần kề, cuộc cạnh tranh mới chuẩn bị bắt đầu?
*Hiện có 10 ngân hàng Việt Nam đã có đối tác chiến lược là ngân hàng nước ngoài, gồm: ACB (Standard Chartered Bank), Sacombank (ANZ), Techcombank (HSBC), VPBank (OCBC), Eximbank (SMBC), Habubank (Deutsche Bank), OCB (BNP Paribas), Southern Bank (UOB), SeABank (Société Générale) và ABBank (May Bank).
HSBC vừa hoàn tất các thủ tục liên quan đến việc nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Ngân hàng Kỹ thương Techcombank lên 20%. Cùng thời điểm này, HSBC chính thức nhận giấy phép lập ngân hàng con 100% vốn tại Việt Nam.
Khi ngân hàng con 100% vốn của HSBC tại Việt Nam đi vào hoạt động, cũng như những ngân hàng nội địa khác, thị phần của Techcombank sẽ bị ảnh hưởng nhất định. Khi đó, HSBC Việt Nam là đối thủ, nhưng cũng là một đồng minh của Techcombank, xét ở khía cạnh quan hệ đối tác chiến lược.
Cùng “cộng sinh”
Người viết bài này từng nhận được yêu cầu từ một số nhà đầu tư xác minh kế hoạch “thoái vốn” của một đối tác chiến lược nước ngoài tại một ngân hàng Việt Nam, với “lý do” đối tác đó chuẩn bị lập ngân hàng con 100% vốn và sẽ cạnh tranh toàn diện.
Đó là thông tin bên lề, phảng phất kiểu tin đồn và phía ngân hàng nội địa nói trên đã phủ nhận, nhưng cho thấy vẫn có quan điểm về một mối quan hệ xung khắc hoàn toàn giữa ngân hàng nội và ngoại trong tương lai.
Còn người trong cuộc lại có quan điểm và chiến lược khác: cùng cộng sinh, cùng phát triển; thậm chí với các ngân hàng nội, thắt chặt quan hệ với ngân hàng ngoại còn là một trong những giải pháp để không bị thất thế trên sân nhà.
Không phải ngẫu nhiên có sự trùng hợp giữa sự kiện HSBC nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Techcombank với sự kiện nhận giấy phép lập ngân hàng con 100% vốn tại Việt Nam. Thông điệp mà HSBC đưa ra qua hai sự kiện này là tiếp tục tham gia sâu hơn vào thị trường tài chính Việt Nam, bên cạnh sự mở rộng là sự tăng cường các quan hệ.
“Techcombank đóng vai trò then chốt trong chiến lược phát triển song hành của chúng tôi tại Việt Nam, bao gồm việc đầu tư vào các hoạt động của ngân hàng nhằm thúc đẩy tăng trưởng nội tại cũng như đầu tư vào các đối tác chiến lược. Việc gia tăng tỷ lệ đầu tư không chỉ thắt chặt quan hệ hợp tác với Techcombank, mà hơn nữa, chúng tôi cam kết hỗ trợ thêm những nguồn lực cần thiết nhằm giúp Techcombank phát triển”, ông Vincent Cheng, Chủ tịch Ngân hàng HSBC châu Á - Thái Bình Dương, nói.
Tương tự, về sự kiện Standard Chartered Bank nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Ngân hàng Á châu (ACB) lên 15% trước thềm sự kiện nhận giấy phép lập ngân hàng con 100% vốn tại Việt Nam (cùng lúc với HSBC), ông Jaspal Bindra, Tổng giám đốc khu vực châu Á, khẳng định đó là một bước củng cố quan hệ chiến lược với ACB, song hành với kế hoạch phát triển và mở rộng hoạt động của Standard Chartered tại Việt Nam.
Trên thực tế, HSBC tại Techcombank, Standard Chartered tại ACB, hay những trường hợp khác, đều đang cho thấy sự đóng góp của ngân hàng ngoại trong củng cố và phát triển ngân hàng nội địa đối tác, bên cạnh những kế hoạch “đan chéo” dịch vụ và sản phẩm cùng có lợi. Đó là giá trị mà “đồng minh” mang lại và ngân hàng nội chờ đợi.
Ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VPBank – có đối tác chiến lược là OCBC với tỷ lệ sở hữu 15% cổ phần), cũng thừa nhận rằng: “Nhìn một cách thẳng thắn, ngân hàng Việt Nam đang ở thế yếu so với ngân hàng nước ngoài. Vậy, các ngân hàng Việt Nam phải làm gì để không bị thất thế ngay tại sân nhà? Biến đối thủ thành đồng minh là giải pháp được nhiều ngân hàng Việt Nam lựa chọn”.
Trong các thông điệp từ các bản ký kết hợp tác chiến lược với các ngân hàng ngoại của 10 ngân hàng nội địa thời gian qua, có thể thấy mục đích lớn nhất là tranh thủ sự hỗ trợ về quản trị, công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhân lực… từ đối tác ngoại.
Hay như quan điểm của ông Ân Thanh Sơn, Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc tế (VIB), rằng: “Chúng tôi sẽ lựa chọn đối tác chiến lược theo phương châm không đặt nặng vấn đề tài chính mà nhắm đến đối tác có định hướng phát triển phù hợp, khả năng hỗ trợ về quản trị, kỹ thuật, công nghệ và đặc biệt là tăng cường nguồn nhân lực để phát triển ngân hàng”.
Cho đáng để đầu tư
Phía sau mối quan hệ chiến lược trên, có nghi ngại đã được đặt ra trong suốt thời gian qua về sự chi phối, khả năng thôn tính của ngân hàng ngoại trong tương lai. Điều này về kỹ thuật khó xẩy ra, bởi vẫn có những rào cản về giới hạn tỷ lệ sở hữu. Nhưng cũng chính rào cản này dẫn đến một quan điểm rằng: cần có một tỷ lệ cao hơn cho đáng để đầu tư.
Ngày 5/9, HSBC hoàn tất thủ tục nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Techcombank lên 20%. Đây là trường hợp đầu tiên và cũng là duy nhất đến thời điểm này có được tỷ lệ đó. Còn lại, mức tối đa ở một số trường hợp khác là 15%, phổ biến là 10%.
Xoay quanh tỷ lệ này, thời gian qua đã có nhiều tổ chức trong và ngoài nước đề xuất nới rộng. Ngoài mục đích tạo thêm hấp dẫn thu hút vốn đầu tư nước ngoài còn tạo điều kiện để các đối tác mạnh tay hơn trong hỗ trợ và mối quan hệ “đồng minh” cũng được thắt chặt hơn.
Hay như cách đặt vấn đề của ông Lê Đắc Sơn, “bài toán đặt ra ở đây là sở hữu bao nhiêu phần trăm cổ phần của các ngân hàng Việt Nam thì ngân hàng nước ngoài sẽ nhiệt tình hợp tác, gắn bó mật thiết. Bởi chỉ khi đầu tư nhiều họ mới thực sự nhiệt tình với đồng vốn họ bỏ ra và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với ngân hàng nội”.
Mặt khác, đi cùng với mức độ đầu tư là mức độ lợi nhuận. Nói một cách dân dã như ý kiến một người trong cuộc tại một hội thảo gần đây là “cho đáng đồng tiền bát gạo”.
Và liên quan đến tỷ lệ này, ông Sơn đề xuất các cơ quan quản lý nên tổ chức một cuộc điều tra xem cổ đông chiến lược nước ngoài tại ngân hàng Việt Nam nên sở hữu bao nhiêu phần trăm là hợp lý. “Theo tôi, từ nay đến năm 2010, Chính phủ có thể nới tỷ lệ sở hữu cho cổ đông chiến lược nước ngoài lên 25% và tổng số cổ phần ngân hàng Việt Nam được phép bán cho đối tác nước ngoài không quá 35%”, ông Sơn dự tính.
Cũng theo nhận định của ông Sơn, qua thực tế hợp tác với các ngân hàng nước ngoài và hoạt động trong ngành, với mức sở hữu 10% cổ phần, hoạt động chuyển giao công nghệ và chia sẻ kinh nghiệm giữa các ngân hàng “không sôi động như mong đợi”; phải đến khi được nâng lên 15% hay 20% thì hoạt động hợp tác mới để lại những dấu ấn đậm nét.
Trong ý kiến từ tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thời gian qua, mức tỷ lệ sở hữu nói trên cũng được đề xuất nâng lên với tổng 35% - 37%.
Nếu xét ở khía cạnh tăng tỷ lệ sở hữu sẽ tăng hiệu quả sự hỗ trợ của đối tác ngoại, thúc đẩy sự lớn mạnh hơn của ngân hàng nội, thì đây có phải là thời điểm để xem xét những đề xuất đó, khi mà thời điểm các ngân hàng 100% vốn ngoại nhập cuộc đã gần kề, cuộc cạnh tranh mới chuẩn bị bắt đầu?
*Hiện có 10 ngân hàng Việt Nam đã có đối tác chiến lược là ngân hàng nước ngoài, gồm: ACB (Standard Chartered Bank), Sacombank (ANZ), Techcombank (HSBC), VPBank (OCBC), Eximbank (SMBC), Habubank (Deutsche Bank), OCB (BNP Paribas), Southern Bank (UOB), SeABank (Société Générale) và ABBank (May Bank).