Bình đẳng giới tại nơi làm việc mang lại lợi ích cho doanh nghiệp
Đại sứ Craig Chittick cũng cho hay, bình đẳng giới tại nơi làm việc mang lại lợi ích cho doanh nghiệp
Xóa bỏ rào cản để quản trị và phát triển nguồn nhân lực hiệu quả, là chủ đề của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam lần thứ 2, do Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp với Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE), Đại sứ quán Australia và Dự án Investing in Women tổ chức, diễn ra tại Tp.HCM sáng ngày 12/12/2018.
Đây là sự tiếp nối thành công của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam lần thứ nhất với chủ đề "Phát triển bền vững gắn với các giá trị bình đẳng", được tổ chức tại Hà Nội, vào ngày 13/7/2018 vừa qua.
Diễn đàn lần này quy tụ hơn 200 lãnh đạo là các CEO, giám đốc nhân sự của các tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam, nhằm nhận diện các rào cản từ khía cạnh giới có liên quan đến công tác quản trị và phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp, giúp doanh nghiệp xóa bỏ rào cản, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, đạt được các mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững.
Xóa bỏ rào cản để quản trị doanh nghiệp tốt hơn
Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick
Nguồn nhân lực luôn là yếu tố cốt lõi và sống còn của doanh nghiệp. Mặc dù thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự đột phá về công nghệ, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo, song con người vẫn là trung tâm của sự phát triển.
Phát biểu tại diễn đàn, Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick chia sẻ: "Những doanh nghiệp thông minh hiểu rằng, thúc đẩy bình đẳng giới trong việc thực hiện các chính sách nhân sự là yếu tố then chốt giúp nâng cao năng suất lao động và tăng sự gắn bó của nhân viên với doanh nghiệp".
Hiện nay và sắp tới đây, sẽ có nhiều sản phẩm, dịch vụ được tạo ra với quy trình sản xuất bằng tự động hóa một phần hay toàn phần. Tuy nhiên, người lao động với bàn tay, khối óc và trái tim mà tạo hóa đã ban tặng không gì thay thế được, sẽ làm nên giá trị cảm nhận của sản phẩm. Đó chính là sự khác biệt, là yếu tố cạnh tranh của các thương hiệu, sản phẩm trên thị trường. Việt Nam đang hội nhập sâu rộng và toàn diện vào nền kinh tế khu vực và thế giới.
Theo ông Nguyễn Thế Hào, Phó tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam, khu vực doanh nghiệp được xác định là trung tâm của các mục tiêu phát triển, là lực lượng nòng cốt và xung kích của nền kinh tế, theo đó, không ở đâu và không ai khác, chính doanh nghiệp là một phần giải pháp để thực thi và thúc đẩy các giá trị bình đẳng nói chung và bình đẳng giới ở nơi làm việc nói riêng. Một nền kinh tế tăng trưởng bền vững và bao trùm không thể nào khác hơn là tăng trưởng vì bình đẳng giới, và ngược lại, bình đẳng giới sẽ thúc đẩy xã hội tăng trưởng toàn diện hơn.
Ông Nguyễn Thế Hào, Phó tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam.
Đại sứ Craig Chittick cũng cho hay, "Chính phủ Australia rất tự hào được hợp tác với những doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam để chứng minh bình đẳng giới tại nơi làm việc mang lại lợi ích cho doanh nghiệp".
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam lần thứ 2 đã tập trung nội dung bàn thảo tại hai phiên chính. Phiên 1 với chủ đề "Tương lai việc làm và những rào cản trong quản trị và phát triển nguồn nhân lực".
Tại phiên này, các chuyên gia đã tập trung phân tích và đánh giá tương lai việc làm cũng như các thách thức và rào cản trong quản trị và phát triển nguồn nhân lực nói chung và đặc biệt, những yếu tố tác động từ khía cạnh văn hóa, xã hội, định kiến giới, bất bình đẳng giới được xem là những rào cản đối với công tác quản trị và phát triển nguồn nhân lực trong doanh nghiệp.
Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu EU và tại Bỉ, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Tp.HCM, hiện nay, tình trạng "robot hóa" đã được đưa vào áp dụng trong sản xuất kinh doanh, mặc dù có nhiều lợi ích những đã làm ảnh hưởng nhiều đến công ăn việc làm của người lao động. Tuy nhiên, bà Ninh nhấn mạnh là, cho đến thời điểm hiện tại, cuộc cách mạng 4.0 và "robot hóa" chủ yếu ảnh hưởng đến các nước phát triển trước khi tác động đến Việt Nam.
Cụ thể, bà Ninh phân tích, Việt Nam dù đã hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung, vẫn chủ yếu dựa vào nguồn nhân lực, máy móc chưa thể một sớm một chiều thay thế được sức lao động con người, nhất là máy móc tự động hóa. Cho nên, dù đây được xem là một hạn chế của nền kinh tế tri thức, kinh tế giá trị gia tăng của Việt Nam, nó vẫn có tác dụng nhất định trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực, việc làm cho người lao động.
"Vì chưa chịu tác động nhiều như ở các nước phát triển nên chưa có ảnh hưởng lớn đến thu nhập từ lương, Việt Nam còn đủ thời giờ để chuẩn bị cho việc "robot hóa" trong tương lai. Và nếu biết cách lựa chọn con đường, Việt Nam sẽ hạn chế được tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư", bà Ninh nói.
Dưới góc nhìn lạc quan hơn, bà Trịnh Mai Phương, Phó chủ tịch phụ trách nhân sự Công ty Unilever Việt Nam, cho rằng: Trên thực tế, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động đến người tiêu dùng rất nhanh. Nó thuyết phục người tiêu dùng thông qua mạng xã hội. Nói cách khác, chính nền tảng công nghệ trên "thế giới phẳng" đã giúp xử lý các thông tin của doanh nghiệp trên mạng xã hội rất hữu hiệu và tôi cho rằng nó là công cụ phục vụ khách hàng tốt nhất.
Bà Mai Phương cũng dẫn ra một ví dụ là nếu trước đây bà cần từ 2 - 3 tuần lễ cho việc triển khai, thực hiện một quy trình nhân sự thì nay, với công cụ mạng xã hội và internet, thời gian đó chỉ cần 2 - 3 ngày là xong.
"Có thể định nghĩa rằng, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là việc dùng công nghệ làm thay đổi suy nghĩ của mọi người đối với mình, và chúng tôi đang làm và ghi nhận điều đó nơi công ty của mình", bà Mai Phương chia sẻ.
Đâu là rào cản đối với sự quản trị và phát triển doanh nghiệp
Trong phần khảo sát nhanh ý kiến, một câu hỏi trắc nghiệm đã được ban tổ chức đưa ra.
Bình luận về kết quả voting này, TS.Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược phát triển và cạnh tranh, nói: Con số 6% cho thấy, tại Việt Nam không có nhiều rào cản về giới, tức không có sự phân biệt nam nữ trong kinh doanh, việc làm.
Tuy nhiên, bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng, vote này không phản ánh nhiều về câu chuyện "bình đẳng giới". Bà bình luận: Nó chủ yếu nói rằng, nữ giới Việt Nam không thua gì nam giới. Song xét ở góc độ toàn hệ thống kinh tế - xã hội - văn hóa - chính trị, nữ giới vẫn yếu hơn; đây là vấn đề mang tính xã hội chung của Việt Nam.
Phiên thảo luận thứ 2 với chủ đề "Các giải pháp vượt qua thách thức và rào cản từ khía cạnh giới để quản trị và phát triển nguồn nhân lực hiệu quả", bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch VBCWE, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Deloitte Việt Nam, điều phối viên phiên thảo luận, xác nhận: Nơi làm việc là nơi chiếm phần lớn thời gian hoạt động trong ngày của người lao động và được xem là ngôi nhà thứ hai của mỗi cá nhân.
Do đó, việc tạo dựng và đảm bảo các giá trị bình đẳng, tạo môi trường công bằng và phát triển cho cá nhân người lao động không phụ thuộc vào các yếu tố giới, tuổi tác… cần được quan tâm và coi là yếu tố đầu tư chiến lược của các doanh nghiệp.
Bà nói: "Việc gỡ bỏ các rào cản nội tại trong quản trị nguồn nhân lực, trong đó có bình đẳng giới, cần sự nỗ lực cao từ ban lãnh đạo của doanh nghiệp. Những thách thức để phát triển và thích ứng với sự cạnh tranh ngày càng cao hiện nay sẽ là cơ hội và là đòi hỏi tất yếu để các doanh nghiệp thay đổi từ tư duy đến hành động. Đầu tư thúc đẩy bình đẳng giới ở nơi làm việc chính là đầu tư xây dựng nội lực cho doanh nghiệp và là khoản đầu tư mang lại giá trị bền vững".
Bình luận về kết quả này, Đại sứ Craig Chittick nói ngắn gọn: "Bình đẳng giới là vấn đề đạo đức. Nhiều công ty không làm đã dẫn đến thất bại. Đó là một hành trình dài nhưng đã bị trói mất một tay!"
Tiếp cận vấn đề nữ quyền một cách nhẹ nhàng hơn, bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Le & Associates - công ty chuyên về tuyển dụng, đào tạo và tư vấn phát triển nguồn nhân lực, cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp không có chủ ý phân biệt đối xử giữa người lao động nam và lao động nữ.
Thực tế tại Le & Associates, chúng tôi vẫn nhận được những đề xuất tuyển dụng của doanh nghiệp trong đó ghi rõ chỉ cần ứng viên nam hoặc nữ. Để thực sự bình đẳng toàn diện về cơ hội, điều kiện, các chính sách phát triển năng lực, thăng tiến cho cả hai giới thì cần có chiến lược và kế hoạch hành động cụ thể.
"Trong quá trình tư vấn cho doanh nghiệp, chúng tôi thường đề xuất khách hàng tập trung vào năng lực cần có và hiệu quả công việc, tránh gắn nhãn cho một giới nào", bà Mỹ Lệ chia sẻ.
Trong khuôn khổ của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam lần 2 này, Đại sứ Australia Craig Chittick và bà Kathy Mulville, Giám đốc Hợp phần hợp tác doanh nghiệp (Chính phủ Úc) đã trao Chứng nhận Bình đẳng giới giới toàn cầu EDGE (Economic Dividents for Gender Equality - Lợi ích kinh tế từ Bình đẳng giới) cho 3 doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam, đó là: Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO), Tổng công ty Điện lực Tp.HCM (EVN-HCMC) và Ngân hàng Maritime Bank.
Đây là 3 trong số 8 thành viên sáng lập của VBCWE đã được trao chứng chỉ EDGE, một công cụ đánh giá toàn cầu đo lường mức độ bình đẳng giới tại các doanh nghiệp.
Đúc kết lại các vấn đề trong hai phiên thảo luận, ông Nguyễn Thế Hào, Phó tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh: "Các chính sách và quy định về thực hiện bình đẳng giới ở nơi làm việc cũng như tăng cường sự nhận thức về bình đẳng giới trong khu vực doanh nghiệp cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa. Đây là khu vực trung tâm và là lực lượng nòng cốt, quyết định trực tiếp đến sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế".