10:29 23/08/2007

“Bộ Công Thương sẽ thay đổi phương thức điều hành thị trường”

Việc điều hành thị trường của Nhà nước có gì mới sau khi sáp nhập Bộ Thương mại và Bộ Công nghiệp thành Bộ Công thương?

"Từ nay, việc quy định kế hoạch sản xuất, định giá đối với hầu hết các mặt hàng không còn là việc của Nhà nước mà là quyền của các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật."
"Từ nay, việc quy định kế hoạch sản xuất, định giá đối với hầu hết các mặt hàng không còn là việc của Nhà nước mà là quyền của các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật."
Việc điều hành thị trường của Nhà nước có gì mới sau khi sáp nhập Bộ Thương mại và Bộ Công nghiệp thành Bộ Công thương?

Ông Lê Danh Vĩnh, Thứ trưởng mới được tái bổ nhiệm của Bộ Công Thương, đã trao đổi với báo giới về những thay đổi trong cách điều hành thị trường sắp tới của bộ này.

Thưa thứ trưởng, công tác điều hành thị trường sắp tới sẽ được điều chỉnh thế nào cho thích nghi với tình hình mới?

Từ nay, việc quy định kế hoạch sản xuất, định giá đối với hầu hết các mặt hàng không còn là việc của Nhà nước mà là quyền của các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Việc điều hành thị trường của Nhà nước sẽ tập trung vào việc xây dựng và tổ chức thực hiện hệ thống các văn bản pháp luật, tổ chức nắm bắt thông tin thị trường, giá cả thế giới và trong nước... để tổng hợp, phân tích và dự báo nhằm giúp các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng tự lựa chọn phương án tốt nhất.

Những người làm công tác điều hành thị trường sẽ sử dụng các công cụ kinh tế vĩ mô (chủ yếu là hệ thống luật pháp và các chính sách tài chính, tiền tệ...) để tác động vào sản xuất, kinh doanh, bảo đảm các cân đối cung cầu lớn của nền kinh tế như cân đối tiền hàng, thu chi ngân sách, cán cân xuất nhập khẩu, cân đối cung cầu các mặt hàng trọng yếu...

Sắp tới, Bộ Công thương phải tập trung soát xét và xây dựng các văn bản pháp quy nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành để tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch và thông thoáng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển bền vững.

Những thủ tục nào sẽ được đơn giản hóa hoặc bãi bỏ?

Trước hết sẽ loại bỏ các giấy phép con; cần quy định cụ thể các yêu cầu trong giấy phép con thành các điều kiện đăng ký kinh doanh. Nhiều loại giấy phép con thực sự chỉ là hình thức vì trên thực tế không thể có cơ quan quản lý nào có đủ nguồn lực để theo dõi, quản lý.

Theo tôi, cần mở rộng các loại hình đăng ký như: đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, đăng ký chất lượng sản phẩm, đăng ký giá bán các sản phẩm trọng yếu... với các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định cụ thể, minh bạch.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/2007/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Thị trường trong nước sẽ thay đổi ra sao trước sự tham gia của đối tượng mới này?

Theo tôi, trong thời gian tới thị trường trong nước sẽ có những thay đổi theo hướng đa dạng và sôi động hơn cả về đối tượng các nhà cung ứng hàng hóa, chủng loại hàng hóa, phương thức tổ chức bán hàng, cung ứng dịch vụ…

Người mua (bao gồm cả người sản xuất và người tiêu dùng) sẽ có cơ hội được lựa chọn các nguồn cung hàng hóa, dịch vụ đa dạng, phong phú về chủng loại, chất lượng và giá cả. Sự cạnh tranh trên thị trường sẽ gay gắt và nhiều chiều hơn, sẽ là yếu tố tích cực thúc đẩy sự phát triển của thị trường trong nước.

Liệu các doanh nghiệp Việt Nam có đủ sức cạnh tranh trên sân nhà trong thời gian tới khi mà những điều kiện ràng buộc đối với các nhà đầu tư nước ngoài được cởi bỏ dần?

Biết và lo ngại về khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam yếu khi chúng ta mở cửa thị trường, tham gia hội nhập kinh tế quốc tế là một thực tế. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là doanh nghiệp của chúng ta quá yếu, hoàn toàn không cạnh tranh được với các doanh nghiệp khác trên thị trường quốc tế và trên sân nhà.

Thời gian qua, có nhiều vụ kiện bán phá giá đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam vừa phản ánh điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam chưa làm quen với cách làm ăn trên thế giới, vừa thể hiện năng lực thực tế của hàng Việt Nam xuất khẩu có khả năng làm người ta “sợ” mà kiện.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong nước đã liên doanh, liên kết mở rộng hoạt động trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ, kể cả liên kết với nhau và liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài nên hệ thống phân phối và bán lẻ trong nước những năm gần đây đã phát triển mạnh. Tôi tin các doanh nghiệp phân phối và bán lẻ của Việt Nam có đủ sức cạnh tranh trên sân nhà trong thời gian tới.