17:20 26/07/2021

Bộ Kế hoạch Đầu tư đề xuất 4 nhóm giải pháp huy động 10.000 tỷ đồng/năm phát triển Thừa Thiên Huế

Anh Nhi

Đó là nguồn thu từ phí tham quan du lịch đã nộp vào ngân sách, thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế, nâng mức dư nợ vay và để lại nguồn thu từ sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất…

Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố lấy ý kiến Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo đó, để xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 4 nhóm giải pháp nhằm huy động nguồn lực phục vụ nhu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới.

Ở nhóm giải pháp thứ nhất, Dự thảo Nghị quyết quy định phí tham quan di tích trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế thu đầy đủ vào ngân sách nhà nước (sau khi trừ chi phí được trích để lại cho đơn vị sự nghiệp công lập để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ thu phí theo quy định của Luật phí, lệ phí và các văn bản hướng dẫn). Ngân sách địa phương được bố trí đầu tư tương ứng số thu phí tham quan nộp vào ngân sách nhà nước để thực hiện đầu tư trùng tu di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn.

“Điều này nhằm đảm bảo một phần nguồn vốn phục vụ chi đầu tư bảo tồn và trùng tu các công trình văn hóa di tích, di sản quan trọng trên địa bàn tỉnh”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Ở nhóm giải pháp thứ hai, Dự thảo đề xuất huy động nguồn lực toàn xã hội và có cơ chế tài chính sử dụng phù hợp thông qua thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế.

Quỹ được tiếp nhận từ nguồn ngân sách nhà nước của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hỗ trợ, nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; đồng thời cho phép các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sử dụng ngân sách do cấp mình quản lý hỗ trợ cho tỉnh Thừa Thiên Huế để phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế.

“Quỹ bảo tồn di sản văn hóa Huế là Quỹ quốc gia được Chính phủ thành lập và giao cho tỉnh Thừa Thiên Huế trực tiếp quản lý”, Dự thảo nhấn mạnh.

Đặc biệt, nhóm giải pháp thứ ba được xem nhóm giải pháp quan trọng nhằm tạo điều kiện cho Thừa Thiên Huế có cơ chế huy động thêm nguồn lực để thực hiện các dự án trùng tu, bảo tồn di sản và thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, tạo động lực cho phát triển kinh tế của tỉnh.

Theo đó, mức dư nợ vay của ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế được nâng lên mức không vượt quá 40% với thu ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế được hưởng theo phân cấp. Trước đó, theo quy định tại Ngân sách nhà nước 2015, tỉnh Thừa Thiên Huế được áp dụng mức dư nợ vay không quá 20% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp 5 (khoảng 1.293 tỷ đồng/năm tính theo ngân sách tỉnh hưởng theo phân cấp năm 2019).

Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư xây dựng phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là rất lớn (dự kiến khoảng 10.000 tỷ đồng/năm, trong đó vốn trùng tu, bảo tồn di tích khoảng 1.000 tỷ đồng/năm).

“Việc đề xuất mức dư nợ vay tối đa là 40% (tương đương mức dư nợ vay khoảng 2.587 tỷ đồng) sẽ giúp địa phương đảm bảo trần vay nợ để triển khai các dự án đã và đang thực hiện cũng như chủ động cân đối nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Ở nhóm giải pháp thứ tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất để lại nguồn thu từ sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho tỉnh sắp xếp lại, quản lý và sử dụng có hiệu quả tài sản và quỹ đất trên địa bàn; đồng thời tăng cường phân cấp, tạo sự chủ động cho tỉnh trong việc thu hút đầu tư ở những khu vực hạn chế chiều cao công trình.

Theo đó, Dự thảo quy định ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng  đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sau khi đã trừ chi phí liên quan đến việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; kinh phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công) do cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (trừ cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thời gian dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Nghị quyết vào kỳ họp lần thứ hai của Quốc hội khóa 15.