Bộ trưởng Tài chính: 5 năm tới chưa cổ phần hoá được sở giao dịch chứng khoán
Băn khoăn quy định chỉ có 1 Sở Giao dịch chứng khoán duy nhất tại dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi)
Cuối phiên thảo luận dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) sáng 22/10 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã làm rõ thêm một số vấn đề được đại biểu quan tâm.
Liên quan đến mô hình và tổ chức của Sở Giao dịch chứng khoán, sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo phương án chỉ có 1 Sở Giao dịch chứng khoán duy nhất, là đầu mối quản trị điều hành, quản trị rủi ro và trực tiếp tổ chức giao dịch chứng khoán, sửa đổi tên gọi sở giao dịch chứng khoán thành Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam tại các điều, khoản liên quan.
Cụ thể, điều 42 quy định: "Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của luật này và Luật Doanh nghiệp, do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết".
Theo đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) thì khái niệm của Sở giao dịch chứng khoán có thể hiểu là một tổ chức hoặc sàn giao dịch chứng khoán, do vậy nếu quy định cụ thể tên Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam thì sẽ hết sức cứng nhắc và không bao quát hết tất cả những trường hợp phát sinh mới.
Hiện nay, Sở Giao dịch chứng khoán đang tổ chức thị trường cổ phiếu, trái phiếu và thị trường phái sinh chứng khoán. Sau này có thể phát triển các sở giao dịch chứng khoán và sàn giao dịch chứng khoán phái sinh hàng hoá thì sẽ đặt tên là gì? đại biểu Phong nêu vấn đề và cho rằng cần cân nhắc kỹ vấn đề này.
Cũng quan tâm liên quan đến tổ chức hoạt động của mô hình Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Tp. HCM) nhấn mạnh vốn hoá thị trường chứng khoán Việt Nam đến giờ phút này lên đến 5,6 triệu tỷ đồng, nếu so với GDP của năm 2018 là đạt trên 100% GDP, trong đó vai trò của Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM đóng góp trên 85% vốn hoá này.
Ông Ngân cũng lưu ý là, giao dịch của Việt Nam hiện nay có khoảng 2,3 triệu tài khoản nhà đầu tư, trong đó nhà đầu tư nước ngoài chỉ có 30 ngàn tài khoản nhưng họ đang nắm giữ khoảng 25%, tức là tương đương khoảng 35 tỷ USD.
Điều đó, theo ông Ngân, đòi hỏi Việt Nam thận trọng hơn nữa trong việc tổ chức thị trường chứng khoán. Từ phân tích trên, đại biểu Ngân đề nghị luật này quy định Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam phải hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và 100% là vốn ngân sách nhà nước, không nên quy định vốn 50%.
"Đây là điều rất nguy hiểm, như sự vội vã cổ phần hoá của Tổng công ty Hàng không Việt Nam ACV vừa rồi, có lúc chúng ta định mua lại cổ phần đã cổ phần hoá", ông Ngân nhấn mạnh.
Theo đại biểu Ngân thì mô hình Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam nên tổ chức theo hình thức công ty mẹ con. Hiện nay đang có hai sở, có tư cách pháp nhân độc lập, hạch toán độc lập, đang hoạt động rất tốt theo mô hình này.
Từ năm 2006 đến nay quy định như luật hiện hành cũng không có vướng mắc gì và còn tạo sự chủ động cho Chính phủ trong quá trình điều hành và tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện, ông Ngân nêu lý do của đề nghị giữ mô hình hiện tại.
Từ vị trí điều hành, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói, quy định Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam giữ trên 50% cổ phần chi phối là điểm mới cần phải thảo luận rất kỹ. Ông Hiển cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính suy nghĩ để giải thích thêm.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, nên giao cho Thủ tướng quy định về thẩm quyền phân công, phân cấp quyền và nghĩa vụ của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam cho các sở. Và không cần nói mẹ - con nữa, vì theo Luật Doanh nghiệp là có mẹ - con.
Về ý kiến của đại biểu Trần Hoàng Ngân, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam nên là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm 100% vốn, Bộ trưởng cho rằng cần phải nghiên cứu và cũng có thể tiếp thu báo cáo Quốc hội lộ trình trước hết là sắp xếp hai sở giao dịch chứng khoán hiện tại thành Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam từ nay đến năm 2023.
Chắc là trong 5 năm tới chưa cổ phần hóa được sở này, theo thông lệ quốc tế thì các sở giao dịch chứng khoán là cổ phần, thậm chí là tư nhân nhưng trong điều kiện của Việt Nam thị trường đang phát triển và đang sắp xếp, củng cố tổ chức thì chúng tôi cho rằng việc kế thừa, ổn định để đảm bảo ổn định thị trường phát triển trong điều kiện chúng ta đang yêu cầu phát triển cao và hội nhập là cần thiết, Bộ trưởng nói.