Bộ Tư pháp Mỹ kết luận ông Trump không thông đồng với Nga
Theo kết luận được đưa ra dựa trên báo cáo của công tố viên đặc biệt, chiến dịch tranh cử của ông Trump không hề thông đồng với Nga
Công tố viên đặc biệt Robert Mueller không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy sự thông đồng giữa chiến dịch tranh cử năm 2016 của Tổng thống Donald Trump với Nga, và cũng không có đủ bằng chứng để buộc tội ông Trump cản trở công lý - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ William Barr công bố ngày 25/3.
Đây là kết quả cuộc điều tra kéo dài gần 2 năm mà ông Mueller dẫn đầu nhằm làm sáng tỏ nghi vấn có sự thông đồng giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump với Nga. Cuộc điều tra khép lại vào tuần trước với một báo cáo được nộp lên Bộ Tư pháp. Tóm tắt của báo cáo này được ông Barr công bố vào cuối tuần đúng như đã hứa.
Theo kết luận được ông Barr đưa ra dựa trên báo cáo của ông Mueller, không một ai trong chiến dịch tranh cử của ông Trump "thông đồng hay phối hợp với Chính phủ Nga".
Kết quả cuộc điều tra được xem là một thắng lợi chính trị lớn của ông Trump. Trong một tuyên bố đưa ra ngay sau khi kết quả trên được công bố, ông Trump nói đây là "sự minh oan hoàn toàn".
Nhiều đối thủ của ông Trump cũng cáo buộc vị Tổng thống Cộng hòa cản trở cuộc điều tra về Nga bằng cách sa thải cựu Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) James Comey vào năm 2017. Với những đánh giá mà báo cáo của ông Mueller đưa ra, ông Barr cũng đi đến kết luận rằng không có bằng chứng để buộc tội ông Trump cản trở công lý.
Các kết luận trên đều không do bản thân ông Mueller đưa ra, mà đều là kết luận của ông Barr và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein sau khi đọc báo cáo của ông Mueller.
Đảng Dân chủ ngay lập tức chỉ trích những kết luận này và kêu gọi công bố toàn bộ bản báo cáo của ông Mueller, thay vì chỉ đưa ra một bản tóm tắt dài 4 trang. Tuy nhiên, hiện chưa rõ bản báo cáo có thể được công bố thêm ở mức độ nào trong thời gian tới.
Việc kết thúc cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt - dù có thể đem đến cho ông Trump một thắng lợi và một vũ khí chính trị để ông chống lại sức ép từ phía Đảng Dân chủ - không phải là một dấu chấm hết đối với những rắc rối pháp lý mà ông Trump và những người thân cận với ông phải đương đầu.
Các cuộc điều tra và kiện tụng khác nhằm vào ông Trump và những người thân cận với ông tiếp tục diễn ra, trong các vấn đề về kinh doanh, giao dịch tài chính, hành xử cá nhân, quỹ từ thiện… Các ủy ban thuộc Hạ viện do Đảng Dân chủ kiểm soát cũng đang chuẩn bị một loạt cuộc điều tra khác đối với Tổng thống.
Ngay trước khi ông Trump nhậm chức Tổng thống vào tháng 1/2017, tình báo Mỹ kết luận rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử ở nước này năm 2017 bằng một chiến dịch bao gồm các hoạt động như tấn công hòm email và tuyên truyền trên mạng để gây chia rẽ trong lòng nước Mỹ. Chiến dịch này được cho là nhằm mục đích giúp ông Trump thắng cử trước đối thủ Dân chủ Hillary Clinton.
Sau đó, cuộc điều tra do ông Mueller đứng đầu đã được tiến hành nhằm làm sáng tỏ nghi vấn trên. Hôm thứ Sáu, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết ông Mueller đã kết thúc cuộc điều tra sau khi buộc tội 34 người, bao gồm một loạt gián điệp Nga và một số cựu trợ lý chủ chốt của ông Trump như Chủ tịch chiến dịch Paul Manafort, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mike Flynn và luật sư cá nhân Michael Cohen.
Tuy nhiên, không có buộc tội nào trong số trên có mối liên hệ trực tiếp tới câu hỏi liệu chiến dịch tranh cử của ông Trump có thông đồng với Moscow hay không.