Chứng khoán Mỹ rút khỏi kỷ lục do cổ phiếu Nividia giảm mạnh, giá dầu tăng nhờ tin Trung Quốc
Với tỷ trọng vốn hóa lớn, cổ phiếu Nvidia với mức giảm 2,6% đã gây áp lực giảm mạnh lên các chỉ số trong phiên này...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (9/12), với hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq cùng tuột khỏi mức kỷ lục ghi nhận trong phiên trước đó, do cổ phiếu công nghệ bị bán mạnh và tâm lý thận trọng của nhà đầu tư gia tăng trước thềm số liệu lạm phát dự kiến được công bố trong tuần này.
Giá dầu thô tăng hơn 1 USD/thùng sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Lúc đóng cửa, S&P 500 giảm 0,61%, còn 6.052,85 điểm. Nasdaq trượt 0,62%, còn 19.736,69 điểm. Chỉ số Dow Jones mất 240,59 điểm, tương đương giảm 0,54%, còn 44.401,93 điểm.
Với tỷ trọng vốn hóa lớn, cổ phiếu Nvidia với mức giảm 2,6% đã gây áp lực giảm mạnh lên các chỉ số trong phiên này. Giới đầu tư bán mạnh cổ phiếu hãng sản xuất con chip AI đình đám sau khi nhà chức trách Trung Quốc tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc điều tra để làm sáng tỏ nghi vấn Nvidia vi phạm luật chống độc quyền của nước này. Năm nay, cổ phiếu Nvidia - đại diện cho cơn sốt cổ phiếu AI trên thị trường chứng khoán Mỹ - đã tăng hơn 180%.
Một cổ phiếu chip lớn khác là AMD đóng cửa với mức giảm 5,6% sau khi bị ngân hàng Bank of America giảm khuyến nghị từ “mua” xuống “giữ”. Báo cáo của Bank of America cho rằng tiềm năng tăng trưởng thị phần của AMD là hạn chế xét tới sự thống trị của Nvidia trên thị trường chip AI hiện nay.
Loạt cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn khác như Meta Platforms và Netflix cũng chật vật trong phiên này, khiến các chỉ số chìm trong sắc đỏ.
Giá tiền ảo bitcoin cũng giảm hơn 3%, về ngưỡng hơn 97.000 USD, do tâm lý thận trọng với rủi ro của nhà đầu tư. Cách đây gần 1 tuần, giá bitcoin lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 100.000 USD.
Phiên giảm vào ngày giao dịch đầu tuần diễn ra sau khi cả S&P 500 và Nasdaq cùng đóng cửa ở mức cao kỷ lục trong phiên ngày thứ Sáu tuần trước. Tính cả tuần vừa rồi, hai chỉ số tăng tương ứng 1% và 3,3%. Riêng Dow Jones đuối sức, giảm 0,6% trong tuần.
“Nhìn chung, thị trường vẫn đang trong xu hướng tăng bởi các yéu tố mùa vụ thuận lợi”, chiến lược gia trưởng Sam Stovall của công ty CFRA Research nhận định với hãng tin CNBC. Ông Stovall cho rằng những tin tức như cuộc điều tra của Trung Quốc nhằm vào Nvidia có thể “gây ra một số trở ngại nhưng sẽ không đảo ngược được xu hướng tăng của thị trường trong thời gian đến hết năm nay”.
“Thị trường sẽ tiếp tục vượt qua nhiều mối lo ngại như đã làm được trong năm nay, và sẽ hoàn tất năm 2024 với mức tăng trưởng cao hơn so với những gì chúng ta đã chứng kiến trong năm ngoái”, ông nói.
Tâm điểm chú ý của giới đầu tư ở Phố Wall trong tuần này sẽ hướng tới các số liệu lạm phát mới nhất của Mỹ. Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 sẽ được công bố vào ngày thứ Tư. Theo dự báo, dữ liệu này sẽ cho thấy áp lực lạm phát tăng nhẹ, với mức tăng 0,3% trên cơ sở tháng và 2,7% trên cơ sở năm, so với các mức tăng tương ứng 0,2% và 2,6% ghi nhận trong tháng trước đó.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,02 USD/thùng, tương đương tăng 1,43%, chốt ở mức 72,14 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,17 UISD/thùng, tương đương tăng 1,74%, đạt 68,37 USD/thùng.
Dầu tăng giá sau khi truyền thông Trung Quốc đưa tin cuộc họp Bộ Chính trị nước này quyết định sẽ triển khai chính sách tiền tệ nới lỏng vừa phải và các biện pháp chính sách tài khóa tích cực, chủ động để kích thích tăng trưởng kinh tế trong năm 2025.
“Lập trưởng nới lỏng chính sách tiền tệ của Trung Quốc có thể là động lực cho giá dầu hồi phục vì hỗ trợ tâm lý ham thích rủi ro trên thị trường năng lượng”, nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS nhận định với hãng tin Reuters.
Nền kinh tế Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - giảm tốc là một nguyên nhân chính gây áp lực giảm lên giá dầu trong năm nay. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trở nên đuối sức do khủng hoảng bất động sản kéo dài gây suy giảm niềm tin và tiêu dùng.
Triển vọng nhu cầu dầu ảm đạm của Trung Quốc là một nguyên nhân khiến OPEC+ vào tuần trước đưa ra quyết định hoãn triển khai kế hoạch tăng sản lượng cho tới tháng 4/2025. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.
Theo Reuters, tuyên bố ngày 9/12 của Bộ Chính trị Trung Quốc đánh dấu lần đầu tiên nước này sử dụng cụm từ chính sách tiền tệ “nới lỏng vừa phải”. Đây là cụm từ mà Bắc Kinh sử dụng lần gần đây nhất vào năm 2010 khi triển khai các biện pháp hỗ trợ phục hồi tăng trưởng sau khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Nhà phân tích Tamas Varga của công ty môi giới dầu lửa PVM Oil nhận định tuyên bố của Trung Quốc thiếu chi tiết, đồng thời cho rằng giá dầu sẽ chỉ được hỗ trợ đáng kể nếu nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc thực sự khởi sắc khi niềm tin và tiêu dùng cải thiện.