Cú trượt dài của rúp Nga so với USD
Gần đây, rúp tiếp tục trượt giá mạnh sau một đợt trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào hơn 50 tổ chức tài chính Nga...
Kể từ sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine đầu năm 2022 dẫn đến làn sóng trừng phạt của các nước phương Tây, đồng rúp lao dốc so với USD. Gần đây, đồng tiền này tiếp tục trượt giá mạnh sau một đợt trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào hơn 50 tổ chức tài chính Nga.
Bộ Tài chính Mỹ hôm 21/11 đưa ngân hàng Gazprombank cùng với hơn 50 nhà băng khác của Nga vào danh sách trừng phạt - một động thái nằm trong nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn hơn nữa việc Nga tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế. Trước đó, dù là ngân hàng lớn thứ ba tại Nga, Gazprombank tránh được lệnh trừng phạt của Mỹ và các đồng minh phương Tây.
Đồ thị thông tin dưới đây thể hiện tỷ giá rúp/USD kể từ năm 2000, dựa trên dữ liệu từ trang TradingView.
Tính từ đầu năm đến ngày 27/11, rúp Nga đã giảm 21% so với USD, trở thành một trong những đồng tiền trượt giá mạnh nhất trong số đồng tiền của các thị trường mới nổi. Theo đó, tỷ giá rúp rơi xuống 0,0088 USD đổi 1 rúp.
Phản ứng trước tình hình này, Ngân hàng Trung ương Nga (RCB) đã tạm thời dừng bán rúp cho nước ngoài trong phần còn lại của năm nay để bình ổn đồn nội tệ.
Từ đồ thị thông tin có thể thấy kể từ năm 2000 đến nay, tỷ giá rúp/USD giảm hơn 4 lần. Sự lao dốc của đồng rúp làm dấy lên lo ngại về lạm phát tại nền kinh tế vốn đang tăng trưởng nóng của Nga. Hiện tại, lãi suất cho vay tại Nga đang ở mức 21%. Đồng nội tệ mất giá cũng khiến chi phí chiến tranh của Moscow tăng lên do hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Dưới tất cả những áp lực này, Chính phủ Nga dự kiến tăng chi tiêu quốc phòng 25% lên 120 tỷ USD trong năm 2025.