21:36 28/07/2022

Bốn trọng tâm công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030

Khánh Vy

Có những vấn đề rất lớn, có tính chất phức tạp, không chỉ là riêng Việt Nam mà còn gắn với toàn cầu, do đó cần phải đổi mới tư duy về cách tiếp cận mô hình phát triển, đặt ra những định hướng, mục tiêu phù hợp và có tính thực thi cao để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…

Bối cảnh quốc tế đã có nhiều biến động đã làm thay đổi căn bản tư duy về công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bối cảnh quốc tế đã có nhiều biến động đã làm thay đổi căn bản tư duy về công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Kết luận tại hội thảo với chủ đề “Chủ trương và chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” diễn ra ngày 28/9 tại TP.HCM, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng qua 35 năm Đổi mới, nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn về mô hình, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần phải được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh hơn và bền vững hơn.

Bối cảnh quốc tế đã có nhiều biến động với sự cạnh tranh ảnh hưởng của các cường quốc, cùng với đó những xu thế lớn, vấn đề toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại và hội nhập quốc tế diễn ra nhanh chóng, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - kỹ thuật và đổi mới sáng tạo đã hình thành và thúc đẩy cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang tính đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều; bên cạnh đó, những yêu cầu về bảo đảm an toàn môi trường gắn với những cam kết của cộng đồng quốc tế, các vấn đề về an ninh phi truyền thống,… đã làm thay đổi căn bản tư duy về công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong bối cảnh này, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng công nghiệp hóa, hiện đại hóa thời gian tới cần tập trung vào 4 nội dung chính.

Thứ nhất, công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa cần trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bao trùm; đặt con người vào vị trí trung tâm, xác định rõ nhân dân là đối tượng phục vụ, thụ hưởng đồng thời khẳng định rõ công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng là sự nghiệp toàn dân, cần lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm tiêu chuẩn cơ bản để xác định phương án phát triển, lựa chọn dự án đầu tư và công nghệ.

“Cần thực hiện mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn tới trên cơ sở xác lập lộ trình và bước đi cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm để tạo ra các đột phá phát triển và các cực tăng trưởng kinh tế”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Thứ hai, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được coi là chìa khóa để Việt Nam nắm bắt các cơ hộivà vượt qua các thách thức thời đại, đồng thời tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để có sự bứt phá, vượt lên trong một số ngành và lĩnh vực. 

Do đó, bên cạnh việc tiếp tục các giải pháp duy trì, phát triển những động lực tăng trưởng hiện có về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu và tạo động lực tăng trưởng mới như phát triển vùng, liên vùng, đô thị, kinh tế biển… Trưởng Ban kinh tế cho rằng cần đặc biệt chú trọng đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy tự động hóa, số hóa và thông minh hóa các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống xã hội thông qua ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ số và các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách nhất là một số cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội để tạo điều kiện để thúc đẩy một số ngành, lĩnh vực trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trong ứng dụng, chuyển giao công nghệ là hết sức cần thiết.

Phát huy tinh thần khởi nghiệp quốc gia, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng, ý chí tự cường và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.  

Bốn trọng tâm công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030 - Ảnh 1

Thứ ba, yêu cầu thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Việt Nam phải đặt trong bối cảnh mới, trong chuỗi sản xuất, kinh doanh toàn cầu đã thay đổi.

Theo đó, hướng tiếp cận công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tới phải chú trọng nâng cao nội lực của nền kinh tế, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu cao; tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị công nghiệp toàn cầu thông qua đẩy mạnh học tập, cải tiến, làm chủ về công nghệ nhất là các công nghệ lõi, công nghệ nguồn, công nghệ số, công nghệ vật liệu cơ bản.

Chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ; ưu tiên phát triển lực lượng doanh nghiệp công nghiệp trong nước lớn mạnh, đổi mới thu hút FDI theo hướng có chọn lọc, chất lượng cao và bảo đảm yêu cầu về liên kết với doanh nghiệp trong nước; đặc biệt chú trọng khai thác có hiệu quả thị trường trong nước; bảo đảm quốc phòng, an ninh kinh tế và giải quyết tốt các vấn đề phát sinh về xã hội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Cuối cùng, phát huy tối đa nguồn lực con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong đó, đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, các ngành công nghiệp mới có tính chiến lược theo từng giai đoạn.

Xây dựng và triển khai Chương trình đào tạo và chính sách trọng dụng nhân tài trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên; triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách để ngăn chặn cơ bản tình trạng chảy máu chất xám. Quan tâm hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, đào tạo lại nghề; thực hiện liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động, cơ sở đào tạo và Nhà nước để phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu của xã hội…

 

Nhằm cung cấp thêm các luận cứ khoa học, cơ sở lý luận và một số đề xuất về chủ trương, mô hình, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam góp phần phục vụ xây dựng đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII vào tháng 10/2022,  ngày 28/7 tại Hội trường Thành ủy TP.HCM, Ban Kinh tế Trung ương  cùng với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đồng chủ trì, phối hợp với Ban Chủ nhiệm Đề tài độc lập quốc gia ĐTL.XH-10/21, tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Chủ trương và chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.