Bức xúc sống trong chung cư và những câu chuyện "dở khóc dở cười"
Hàng loạt những câu chuyện "dở khóc dở cười" cho thấy, rất cần xây dựng, áp dụng quy định về nếp sống, văn hóa chung cư
Tình trạng sàm sỡ trong thang máy, vứt rác bừa bãi, cho trẻ chạy nhảy, nô đùa ầm ĩ ngoài hàng lang... đang làm cho cuộc sống của nhiều gia đình sống trong không ít khu chung cư trở nên bức bối, bất ổn. Hàng loạt những câu chuyện "dở khóc dở cười" tại các chung cư hiện nay cho thấy, rất cần xây dựng, áp dụng quy định về nếp sống, văn hóa chung cư.
Theo một số nghiên cứu, vấn đề tuổi thọ của mỗi tòa nhà không chỉ phụ thuộc vào chất lượng xây dựng ban đầu, mà còn được quyết định phần lớn bởi nếp sống, sinh hoạt, cung cách quản lý của các chủ căn hộ trong quá trình sử dụng.
NẾP SỐNG KHÁC BIỆT DẪN ĐẾN NHỮNG MÂU THUẪN
Đại diện một công ty quản lý toà nhà chia sẻ: "Nhiều năm qua, hoạt động trong lĩnh vực quản lý và khai thác tòa nhà, chúng tôi đã có những chuyến tham quan, làm việc với những chủ đầu tư, ban quản trị, ban quản lý chung cư tại Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản... Chúng tôi nhận thấy, tại các quốc gia này, văn hóa cộng đồng và các tiêu chuẩn sống do chính cư dân tạo lập, công ty quản lý và nhà triển khai bất động sản chỉ có vai trò nhất định.
Mỗi chung cư cao cấp buộc phải có những tiện ích chung để phục vụ cộng đồng như sân tập thể thao, sân chơi trẻ em, các sảnh lễ tân, các phòng sinh hoạt cộng đồng... Phần tiện ích này đều thuộc phần sở hữu chung để xác lập ra cộng đồng và trên tinh thần đó, cộng đồng xây dựng tiêu chuẩn sống và mức sống của chính mình".
Vị này nhấn mạnh: "Trong những chuyến tham quan, chúng tôi đã chứng kiến tại những tòa chung cư của Singapore, cư dân thay vì tổ chức hát karaoke trong nhà của mình, thì họ đăng ký lịch để hát hay mở tiệc với bạn bè tại phòng sinh hoạt cộng đồng (thường được thiết kế như phòng khách lớn, được trang bị đầy đủ tiện nghi sang trọng và hiện đại). Cũng có gia đình ở căn hộ penthouse hàng nghìn m2 của Nhật Bản, nhưng con họ thay vì đi xe đạp trong nhà, đã mang xe xuống sân chơi chung của cả khu như bất cứ đứa trẻ nào khác... Đó là sự tôn trọng đối với hàng xóm, đối với cộng đồng mà những cư dân này đã thực hiện một cách hoàn toàn tự nguyện, không vì một quy định áp đặt nào".
Cũng theo vị này, nhiều nước phát triển đã xây dựng Bộ luật về tòa nhà cao tầng (Building code) trong đó có chung cư. Đây là bộ luật điều chỉnh những hành vi của con người khi sống trong cùng một cộng đồng. Trong khi đó, tại Việt Nam chưa có một chuẩn chung về văn hóa ứng xử trong chung cư, nên nhiều lối sinh hoạt, hành xử của cư dân còn tuỳ tiện, ảnh hưởng đến cộng đồng.
Có thể nói chung cư là lựa chọn tối ưu để giải quyết nhu cầu về nhà ở đang rất lớn của người dân đô thị. Tuy nhiên, những hộ dân sống ở chung cư lại đến từ nhiều vùng địa lý với những nét văn hóa, trình độ dân trí, nhiều lứa tuổi khác nhau nên có những lối sống, lối ứng xử khác nhau. Hơn nữa, với nhiều người, tính cá nhân còn lớn, quá trình tự ý thức còn hạn chế, cách hành xử chưa chuẩn mực nên nảy sinh nhiều vấn đề khiến bộ mặt của không ít khu chung cư trở nên xấu xí.
Ví như không ít cư dân đỗ xe bừa bãi chiếm cả phần đường đi, tình trạng tầng trên ném rác, mẩu thuốc lá, đổ nước xuống sân, văng xuống tầng dưới khá phổ biến; một số ông bà già còn cho trẻ đi vệ sinh ngay tại sân chơi, dỗ cho trẻ ăn bằng cách vào thang máy để trẻ bấm nút tất cả các tầng hoặc lấy vật cứng cứa vào bảng điều khiển... Phổ biến nhất là khi thang máy dừng lại ở tầng 1 hoặc tầng gầm, người bên trong chưa ra được thì người bên ngoài đã chen vào. Rồi tình trạng nuôi chó, mèo, cho con cái nô đùa, tiếp khách, nói chuyện ầm ĩ, bật nhạc, tập thể dục trong nhà, chạy patin ngoài hành lang... cũng diễn ra thường xuyên.
Đó là chưa kể đến, tại các khu vực công cộng, người dân thường thiếu trách nhiệm và ý thức bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường và tài sản chung. Tất cả những điều đó làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt chung của cả cộng đồng trong toà nhà, đôi khi làm nhiều người cảm thấy ức chế, gây nên những mâu thuẫn không đáng có.
Hiện, đa số chung cư đã xây dựng quy chế quản lý, nội quy, quy định riêng cho các cư dân sống trong chung cư đó. Song chủ yếu chỉ mang tính khuyến cáo, chứ chưa có biện pháp hay chế tài xử lý nghiêm, tạo sức răn đe.
CẤP THIẾT XÂY DỰNG LỐI SỐNG VĂN MINH
Với mục tiêu phát triển nhà ở hiện nay, tại các thành phố lớn, khoảng 80% nhà ở xây mới là chung cư. Đáng lẽ, chung cư là có cuộc sống văn minh, hiện đại với nhiều tiện ích và được quản lý tốt... thì những rắc rối nảy sinh khiến nhiều người e ngại, đồng thời làm giảm sức hút của loại hình nhà ở này.
Theo nhiều chuyên gia, văn hóa ứng xử, hay lối sống văn minh tại các khu chung cư không phải tự nhiên mà có. Nó phải được gây dựng bắt đầu từ chính các đồ án quy hoạch, rồi đến nhà quản lý, chủ đầu tư kinh doanh bất động sản, ban quản lý nhà chung cư cho đến từng hộ dân, từng cư dân. "Các nước đều chấm điểm việc người dân tham gia hoạt động cộng đồng, cụ thể là qua từng vụ việc, khuôn mẫu cụ thể. Với cách thức này, Việt Nam có thể chấm điểm với chủ đầu tư dự án, chấm điểm từng hộ dân để xem uy tín của chủ đầu tư và bậc thang văn hóa của dân cư ở mức cao hay thấp. Nếu bị chấm điểm thấp thì hộ gia đình đó sẽ cảm thấy rất xấu hổ và phải cải thiện cung cách ứng xử. Đây là việc rất cần thiết và là thông lệ quốc tế", GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết.
Tuy nhiên, theo ThS Nguyễn Trọng Kiên, nghiên cứu sinh chuyên ngành quy hoạch và phát triển đô thị ở Hàn Quốc nhận định. Môi trường tốt hay xấu đều do bản thân mỗi cá nhân nhận thức và đóng góp. Không có nhà chung cư nào hoàn hảo tuyệt đối. Vấn đề là mỗi người phải tìm cách dung hòa làm sao để những người không quen biết, không cùng quê hương xứ sở, nếp sống văn hóa cũng có thể sống hòa hợp và trật tự với nhau trong một không gian vừa phải. Muốn vậy, mọi người cần rộng lượng hơn, dẹp bớt "cái tôi".
Mỗi cư dân nên tự trang bị cho mình một ý thức sống phù hợp với văn hóa tập thể tránh tình trạng làm ảnh hưởng tới những người xung quanh và mỹ quan nhà chung cư nơi mình ở. Chỉ như vậy thì bài toán về văn hóa ứng xử tại các nhà chung cư mới nhanh chóng được giải quyết đem lại một môi trường sống văn minh.
"Đồng ý rằng quá trình xây dựng văn hóa sống ở mỗi chung cư phụ thuộc vào từng cá nhân cư dân, nhưng cũng rất cần một ban quản lý chuyên nghiệp, biết giữ gìn nét văn hóa của người Việt và áp dụng hợp lý vào cuộc sống chung cư thời hiện đại. Văn hóa ứng xử cũng là ngọn nguồn tạo nên mâu thuẫn tranh chấp giữa các bên là ngọn nguồn cho những ứng xử thiếu văn hóa, văn minh tại các khu chung cư. Việc xây dựng văn hóa chung cư đòi hỏi trách nhiệm của chủ đầu tư, cư dân và sự vào cuộc của cơ quan chức năng. Bởi vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành những quy chuẩn, quy phạm đạo đức đối với cư dân ở chung cư để mỗi người phải biết tự trọng hơn với bản thân và biết tôn trọng người khác thì mới tạo dựng được văn hóa chung cư theo chiều hướng văn minh. Tại Việt Nam, để hình thành nên một cộng đồng dân cư văn minh và tạo nên niềm tin trong cộng đồng sinh hoạt với nhau mang tính chất tự nguyện thì phải có những nền tảng pháp lý cơ bản nhằm điều chỉnh các hành vi trong cộng đồng đó. Do đó, phải xây dựng và ban hành Bộ luật về nhà cao tầng, trong đó chi tiết hóa các hành vi giao dịch dân sự của cộng đồng sống trong một tòa nhà cao tầng nói chung và chung cư nói riêng", ông Trần Khánh, Chủ tịch CLB Quản lý toà nhà Hà Nội nhấn mạnh.
Đồng quan điểm ông Phạm Thanh Tùng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhìn nhận: "Xây dựng văn hóa chung cư là rất cần thiết, qua đó tạo lối sống mới. Quan trọng hơn hết điều này sẽ góp phần hình thành nhân cách tốt hơn cho thế hệ trẻ sống trong các khu dân cư. Cần có một bộ quy tắc ứng xử tại khu đô thị, phát cho những hộ dân khi họ chuyển về sinh sống. Đó là chuẩn quy tắc chung của khu dân cư mà mọi người phải có trách nhiệm tuân theo.