Các cơ quan đại diện Việt Nam tích cực thực hiện ngoại giao kinh tế
Các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài kiến nghị nhiều vấn đề về cơ chế, chính sách, nguồn lực nhằm nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao nói chung và ngoại giao kinh tế nói riêng…
Hội nghị trực tuyến với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì chiều tối 19/9 đã nhận được nhiều kiến nghị từ các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về cơ chế, chính sách, biện pháp, nguồn lực nhằm nâng cao hiệu quả công tác nói chung và ngoại giao kinh tế nói riêng.
Tại hội nghị, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng cho biết, Chính phủ và doanh nghiệp Hoa Kỳ coi trọng quan hệ với Việt Nam và sự đồng hành, đối thoại của Chính phủ Việt Nam, coi Việt Nam là thị trường tiềm năng, đích đến của xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, nhờ các yếu tố như vị trí chiến lược của Việt Nam ở khu vực, kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả, môi trường kinh doanh ổn định, mạng lưới FTA rộng khắp. Đáng chú ý là ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đầu tư kinh doanh tại Hoa Kỳ.
Theo Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng, để tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại với Hoa Kỳ, cần tiếp tục duy trì quan hệ cấp cao nhằm thúc đẩy hợp tác, hình thành các mặt hàng xuất khẩu chủ lực vào thị trường Hoa Kỳ; sớm ký hiệp định chống đánh thuế 2 lần, tạo thuận lợi hơn nữa cho hàng hóa và đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam; duy trì đối thoại và quan tâm tới các đề xuất của doanh nghiệp Hoa Kỳ
Đồng thời, cần tiếp tục chủ động tham gia thương lượng các trụ cột của Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF). Phía Hoa Kỳ đánh giá Việt Nam sẵn sàng tham gia các sân chơi lớn và nghiêm chỉnh thực hiện các quy tắc thương mại quốc tế.
Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng kiến nghị các doanh nghiệp Việt Nam nên hiểu sâu hơn về yêu cầu khắt khe của thị trường Hoa Kỳ, có biện pháp quảng bá sản phẩm hợp thị hiếu người tiêu dùng, có chiến lược chiếm lĩnh thị trường phù hợp, kiên quyết tránh gian lận xuất xứ, không rõ nguồn gốc hàng hóa.
Trong khi đó, Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành cho biết, phía Australia đánh giá thương hiệu quốc gia Việt Nam có nhiều tiến bộ. Về hợp tác kinh tế, thương mại, trong 8 tháng năm 2022, thương mại hai nước tăng trưởng 37,5%, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Australia tăng 42,5% và là một trong những đối tác giữ được mức tăng trưởng thương mại cao. Australia lần đầu tiên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam.
Đại sứ Nguyễn Tất Thành cho rằng việc quảng bá thương hiệu quốc gia cần thực hiện trên tất cả các kênh, các cấp, nhất là lãnh đạo cấp cao, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, triển lãm sản phẩm trên nền tảng số; xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam; thu hút đầu tư chất lượng cao, trong đó có đầu tư gián tiếp, xúc tiến đầu tư hiệu quả. Về du lịch, nên miễn thị thực 30 ngày cho công dân các nước là đối tác chiến lược, trong đó có Australia.
Theo Đại sứ, Australia hiện đang đa dạng hóa thị trường, đối tác, đẩy mạnh thương mại, đầu tư với các nước bạn bè truyền thống, nhiều doanh nghiệp Australia tìm nguồn có thể thay thế sản xuất phụ tùng,bao bì để bảo đảm cung ứng…, đây có thể là cơ hội quan trọng cho doanh nghiệp Việt Nam.
Về hợp tác khoa học công nghệ, Đại sứ Nguyễn Tất Thành kiến nghị xây dựng quan hệ đối tác đổi mới sáng tạo với Australia trong khuôn khổ đối tác chiến lược Việt Nam - Australia, thúc đẩy ký kết thỏa thuận hợp tác về kinh tế số…Đồng thời, đưa hợp tác biến đổi khí hậu thành trụ cột hợp tác mới giữa hai nước để tranh thủ kinh nghiệm và công nghệ của Australia trong lĩnh vực này.
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam thông tin, Nhật Bản là nền kinh tế có vị trí đặc biệt quan trọng với Việt Nam trên các lĩnh vực kinh tế, đầu tư, thương mại, lao động, du lịch…Về đầu tư, Nhật Bản đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng của của Việt Nam như hạ tầng, năng lượng, sản xuất, khoa học công nghệ…
Hầu hết các doanh nghiệp của Nhật Bản đều có thiện cảm với thị trường Việt Nam, nước quyết định chọn Việt Nam là nơi thúc đẩy chuyển dịch đầu tư để cải thiện nguồn cung. Hiện mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản có tác động mạnh đến uy tín của hàng hóa Việt Nam tại nước này, do vậy cần chú trọng hơn nữa xuất khẩu nông sản sang thị trường này.
Theo Đại sứ Vũ Hồng Nam, điều quan trọng nhất là các bộ ngành, địa phương cần lắng nghe tâm tư, kiến nghị của doanh nghiệp Nhật Bản để giải quyết kip thời những vướng mắc trong quá trình đầu tư ở Việt Nam.
Với Trung Quốc, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai cũng cho biết, Trung Quốc là thị trường lớn, có vai trò hàng đầu đối với Việt Nam. Việc xuất hiện xu hướng các doanh nghiệp Trung Quốc và nước ngoài chuyển dịch đầu tư, sản xuất sang một số nước ASEAN, cũng như Trung Quốc tăng cường tiêu dùng nội địa, mở rộng nhập khẩu các mặt hàng chất lượng cao, trong đó có nông sản…sẽ là những yếu tố thuận lợi để Việt Nam thu hút các dòng đầu tư FDI mới, cũng như thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh như nông sản chất lượng cao sang thị trường Trung Quốc.
Đại sứ kiến nghị tích cực trao đổi giữa các địa phương hai nước nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt Nam sang Trung Quốc, tháo gỡ vướng mắc trong các dự án hợp tác giữa hai bên. Cùng với đó, tiếp tục giải quyết tình trạng ùn ứ hàng hóa tại biên giới hai nước vào các dịp cao điểm thông qua kênh ngoại giao, thúc đẩy phía Trung Quốc mở rộng danh mục hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Tăng cường quảng bá các sản phẩm của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, tập trung vào hàng nông sản, chú trọng quảng bá tại các địa phương của Trung Quốc có tiềm năng tiêu thụ sản phẩm Việt Nam. Các bộ ngành hữu quan cần xây dựng và triển khai đề án tổng thể về tăng cường xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, các địa phương cần nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch vùng trồng vùng sản xuất nông sản để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường này.