Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là “cánh cửa” để công nghệ mới ra đời và trưởng thành
Việc lần đầu tiên cơ chế thử nghiệm có kiểm soát được đưa vào quy định trong luật cho phép Chính phủ quy định chi tiết về từng loại hình, lĩnh vực, đối tượng thử nghiệm, tạo khung pháp lý chung áp dụng đa lĩnh vực được coi là sự đột phá, sẽ là "cánh cửa" rất quan trọng để các mô hình công nghệ mới ra đời và phát triển...

Thảo luận về dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, liên quan đến cơ chế sandbox, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, đoàn Bình Dương cho biết tại điều 23 dự thảo Luật về hướng dẫn triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát theo từng loại hình công nghệ và lĩnh vực. Theo đại biểu, đây là cơ chế cho phép thử cái mới có rủi ro thì kiểm soát, có sai thì sửa, không bị phạt ngay. Đây là cánh cửa rất quan trọng để các mô hình, công nghệ mới ra đời và lớn lên.
LUẬT HÓA CƠ CHẾ THỬ NGHIỆM CÓ KIỂM SOÁT ĐỂ TẠO CƠ SỞ PHÁP LÝ RÕ RÀNG
Đại biểu nêu thực tế, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ tại địa phương, chúng ta đều nhận thấy một thực trạng đáng lo ngại là nhiều đề tài nghiên cứu sau khi nghiệm thu không được ứng dụng vào thực tiễn, gây lãng phí nguồn lực và làm suy giảm niềm tin vào hiệu quả đầu tư cho khoa học.
Lần đầu tiên quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát được đưa vào quy định trong luật cho phép Chính phủ quy định chi tiết về từng loại hình, lĩnh vực, đối tượng thử nghiệm, tạo khung pháp lý chung áp dụng đa lĩnh vực, đặc biệt, trong công nghệ mới như AI, chuyển đổi số.

"Đây là "cánh cửa" rất quan trọng để các mô hình công nghệ mới ra đời và phát triển", bà Trân nói và cho rằng để thực sự phát huy đúng ý nghĩa đề ra, cần luật hóa cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) trong Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo để tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, thống nhất. Cùng với đó tăng cường vai trò điều phối của Chính phủ có trách nhiệm phối hợp liên ngành, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia thử nghiệm được an toàn, hợp lý.
Mặt khác, đại biểu cũng đề nghị dự thảo cũng cần quy định rõ đối tượng được cấp phép thử nghiệm theo đúng quy định của pháp luật thì không bị xử lý nếu có sơ suất trong phạm vi thử nghiệm; trách nhiệm của Chính phủ và các cơ quan đơn vị có liên quan trong việc quy định ban hành danh mục ngành nghề được phép thử nghiệm, kiểm duyệt; thời gian thử nghiệm và đánh giá kết quả phối hợp triển khai thực hiện chặt chẽ, đồng bộ và công khai để mô hình tốt được nhân rộng.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của tiêu chí lựa chọn dự án thử nghiệm và phải được xác định rõ trong luật, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, đoàn Lạng Sơn đề nghị bổ sung khoản 5 vào Điều 20 các tiêu chí lựa chọn dự án thử nghiệm.
Ví dụ như có tính đổi mới, sáng tạo cao, ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ số và công nghệ xanh; có tiềm năng tác động kinh tế xã hội đáng kể và có kế hoạch quản lý rủi ro rõ ràng, đảm bảo an toàn cho người tham gia và môi trường.
BỔ SUNG YÊU CẦU ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG ĐẠO ĐỨC VÀ XÃ HỘI VỚI CÁC CÔNG NGHỆ RỦI RO CAO
Liên quan đến cơ chế thử nghiệm có kiểm soát Sandbox, đại biểu Thạch Phước Bình, đoàn Trà Vinh, chỉ rõ: Điều 20 đến Điều 23 dự thảo luật lần đầu tiên đưa vào nội dung có tính đột phá, đó là cơ chế thử nghiệm có kiểm soát Sandbox.
Đây là công cụ pháp lý tiên tiến đã được nhiều quốc gia như Singapore, Anh, Hàn Quốc, Pháp triển khai thành công nhằm tạo ra một không gian thử nghiệm linh hoạt cho các công nghệ, mô hình kinh doanh sản phẩm mới mà pháp luật hiện hành chưa theo kịp Sandbox.
Theo đại biểu Bình, thể chế đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo AI, tài chính, fintech, blockchain, công nghệ gen.

Tuy nhiên, để cơ chế này thực sự phát huy hiệu quả và hạn chế rủi ro về xã hội pháp lý đạo đức, đại biểu cho rằng dự thảo luật cần bổ sung cơ chế phản hồi chính sách linh hoạt trong quá trình thử nghiệm. Hiện Điều 23 của dự thảo mới chỉ quy định các yếu tố kỹ thuật như thời hạn, phạm vi, điều kiện, thử nghiệm và trách nhiệm giám sát nhưng vẫn còn thiếu 1 thành tố quan trọng đó là dòng lập phản hồi chính sách sớm.
Thực tiễn tại các quốc gia tiên tiến cho thấy các mô hình Sandbox hiệu quả đều có cơ chế thu nhận phản hồi trực tiếp từ đơn vị thử nghiệm cơ quan giám sát và đặc biệt là chính người sử dụng sản phẩm thử nghiệm.
Những phản hồi này giúp cơ quan quản lý nhận diện sớm các vướng mắc, rủi ro phát sinh lỗ hổng chính sách hoặc những vấn đề chưa được dự liệu trong khuôn khổ hiện hành, từ đó có thể điều chỉnh linh hoạt, hướng dẫn hoặc quy định quản lý thay vì chờ đến hết giai đoạn tổng kết.
Vì vậy, đại biểu kiến nghị bổ sung vào Điều 23 một khoản mới: trong quá trình triển khai thử nghiệm có kiểm soát, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm thiết lập cơ chế thu thập, tổng hợp và phân tích phản hồi định kỳ từ tổ chức thử nghiệm, cơ quan giám sát và người sử dụng sản phẩm dịch vụ thử nghiệm.
"Phản hồi này là cơ sở để đánh giá khả năng thích ứng, điều chỉnh linh hoạt chính sách, giới hạn rủi ro và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý kịp thời. Đây là một công cụ thiết thực để chính sách không bị chậm nhịp trước tốc độ phát triển công nghệ".
Bên cạnh đó cần bổ sung yêu cầu đánh giá tác động đạo đức và xã hội với các công nghệ rủi ro cao. Dự thảo hiện có quy định về kiểm soát rủi ro tại Điều 21 nhưng mới dừng lại ở trách nhiệm của tổ chức thử nghiệm và yêu cầu bảo đảm an toàn. Trong khi đó, nhiều công nghệ hiện nay như AI trong y tế và giáo dục, công nghệ giám sát sinh trắc học có tác động sâu rộng đến quyền riêng tư, an toàn dữ liệu và quyền con người.
Nếu cho phép thử nghiệm các công nghệ này mà không có thẩm định đạo đức độc lập, rất dễ xảy ra hệ lụy xã hội và ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tin của công chúng. Nhiều nước đã đi trước Việt Nam trong việc thành lập Hội đồng đạo đức công nghệ để thẩm định, tư vấn và đề xuất điều kiện an toàn trước khi thử nghiệm các công nghệ nhạy cảm.
Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung một khoản mới vào Điều 21 hoặc Điều 23: Đối với công nghệ có tác động xã hội sâu rộng hoặc tiềm ẩn rủi ro cao, tổ chức thực hiện thử nghiệm có kiểm soát phải được đánh giá và thẩm định bởi Hội đồng đánh giá đạo đức và an toàn công nghệ. Hội đồng bao gồm chuyên gia pháp lý, đạo đức, xã hội học, kỹ thuật và đại diện cộng đồng chịu ảnh hưởng. Hội đồng có chức năng tư vấn, phản biện và đề xuất điều kiện đảm bảo an toàn xã hội, không thay thế thẩm quyền phê duyệt của cơ quan quản lý nhà nước.