11:04 03/02/2015

Các công ty dầu lửa quốc doanh châu Á rục rịch giảm đầu tư

Diệp Vũ

Các công ty dầu lửa quốc doanh tại khu vực châu Á có thể cắt giảm đầu tư cơ bản từ 15-30% trong năm 2015

Hãng dầu lửa quốc doanh Petronas của Malaysia mới đây tuyên bố dự định cắt giảm vốn đầu tư cơ bản ở mức 15-20% trong năm nay - Ảnh: Bloomberg/WSJ.<br>
Hãng dầu lửa quốc doanh Petronas của Malaysia mới đây tuyên bố dự định cắt giảm vốn đầu tư cơ bản ở mức 15-20% trong năm nay - Ảnh: Bloomberg/WSJ.<br>
Các công ty dầu lửa lớn nhất của khu vực châu Á đang rục rịch tham gia vào một cuộc đua cắt giảm đầu tư của ngành dầu lửa toàn cầu trong năm 2015 để ứng phó với giá dầu giảm. Tờ Wall Street Journal cho rằng, sự cắt giảm đầu tư này đặt ra nguy cơ đối với tăng trưởng sản lượng dầu tại châu Á - khu vực “đói” năng lượng của thế giới.

Hãng dầu lửa quốc doanh Petronas của Malaysia mới đây tuyên bố dự định cắt giảm vốn đầu tư cơ bản ở mức 15-20% trong năm nay. Nguồn tin thân cận cho biết, hai “gã khổng lồ” quốc doanh CNOOC và PetroChina của Trung Quốc cũng có dự định cắt giảm đầu tư ở 30%.

Phản ứng tất yếu

Tuần trước, tập đoàn dầu khí quốc gia Pertamina của Indonesia cho biết có thể cắt giảm 50% vốn đầu tư trong năm nay. Tập đoàn PTT Exploration and Production của Thái Lan dự kiến cắt giảm vốn đầu tư trong 5 năm xuống còn 24,3 tỷ USD từ mức 27 tỷ USD ban đầu.

Theo nhiều chuyên gia, nhìn chung, các công ty dầu lửa quốc doanh tại khu vực châu Á có thể cắt giảm đầu tư cơ bản từ 15-30% trong năm 2015. Những năm trước, các công ty này chi khoảng 120 tỷ USD để đầu tư mỗi năm, chiếm 1/5 tổng vốn đầu tư của ngành dầu khí toàn cầu.

Bên cạnh đó, các dự án dầu khí lớn ở khu vực châu Á của các công ty dầu lửa đa quốc gia như Chevron có thể bị hoãn lại.

“Ba tháng tới đây sẽ là quãng thời gian quan trọng đối với các tập đoàn dầu khí lớn. Mức giá dầu trong khoảng thời gian đó sẽ quyết định họ cắt giảm đầu tư bao nhiêu”, ông Shun Ling Yap, nhà phân tích dầu khí thuộc Business Monitor International, đánh giá.

Ông Yap ước tính, khi các công ty dầu khí giảm đầu tư vào cả hoạt động thăm dò và khai thác các mỏ hiện có, sản lượng dầu của khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể đạt đỉnh 8,5 triệu thùng/ngày vào năm 2016, chiếm gần 10% sản lượng dầu toàn cầu, rồi sau đó giảm dần.

Đến thời điểm hiện tại, các tập đoàn dầu khí đa quốc gia đã mạnh tay cắt giảm đầu tư như một phản ứng tất yếu trước việc giá dầu giảm dưới 50 USD/thùng.

Hôm thứ Năm tuần trước, tập đoàn Royal Dutch Shell tuyên bố giảm đầu tư 15 tỷ USD trong vòng 3 năm tới. Cùng ngày, ConocoPhillips nói sẽ giảm đầu tư cơ bản 15%, sau khi đã tuyên bố cắt giảm ngân sách 20% vào tháng 12. Cách đây ít ngày, tập đoàn Total của Pháp cũng tuyên bố sẽ cắt giảm ngân sách đầu tư năm 2015 một khoản 10%.

Nguyên nhân chính khiến giá dầu giảm thời gian qua được cho là sản lượng dầu đá phiến tăng bùng nổ của Mỹ và việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) không chịu cắt giảm sản lượng.

Trầy trật giữ sản lượng

Tuy vậy, các công ty dầu lửa hoạt động tại các khu vực có chi phí cao và các rào cản về quy chế hoặc chính trị mới là đối tượng thiệt hại nhiều nhất. Chẳng hạn, các công ty dầu lửa hoạt động ở vùng biển Bắc của Anh - nơi các dự án mới cần giá dầu trên mức 75 USD/thùng mới hòa vốn - đang đi đầu trong việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư.

Tại Indonesia, một trong những quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu khu vực châu Á, hoạt động đầu tư vào ngành dầu lửa gặp nhiều trở ngại do quy trình cấp phép và các quy chế ngặt nghèo như giới hạn về độ tuổi của các chuyên gia dầu khí được phép làm việc…

Những trở ngại này đã khiến tập đoàn Chevron của Mỹ tạm dừng vô thời hạn một dự án khí đốt nước sâu trị giá 12 tỷ USD ở Indonesia vào tháng 9 năm ngoái. Giá dầu giảm sâu càng khiến những dự án dầu tư nhiều rủi ro như vậy trở nên kém hấp dẫn.

Việc các công ty dầu lửa cắt giảm đầu tư diễn ra trong bối cảnh ngành dầu khí Indonesia gặp khó khăn. Năm ngoái, sản lượng dầu của cựu thành viên OPEC này đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 40 năm. “Nếu tình hình không được cải thiện, Indonesia sẽ trở thành nước nhập khẩu ròng năng lượng vào năm 2019”, ông Lukman Mahfoedz, Giám đốc điều hành (CEO) công ty dầu khí PT Medco Energi Internasional Tbk, phát biểu.

Các tập đoàn dầu khí lớn khác trong khu vực cũng dự báo mức sản lượng giảm trong năm nay. Tuần trước, PetroVietnam cắt giảm 3,5% mục tiêu sản lượng năm 2015 so với năm ngoái, còn 16,8 triệu tấn dầu, tương đương 337.400 thùng dầu, mỗi ngày.

Trong mấy năm gần đây, châu Á trầy trật giữ sản lượng dầu khí. Theo các chuyên gia, khu vực này cần cả các công ty quốc doanh và độc lập đầu tư vào các mỏ dầu mới. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (EIA) ước tính, châu Á cần đầu tư 3,33 nghìn tỷ USD vào ngành dầu khí trong thời gian từ 2014-2035 để duy trì sản lượng dầu khí ở mức hiện tại.

Tuy nhiên, với giá dầu dưới 50 USD/thùng, nhiều mỏ dầu sẽ chỉ đem lại thua lỗ nếu được rót vốn đầu tư. Chẳng hạn, theo ước tính của chuyên gia, một số mỏ dầu ở Malaysia, nước xuất khẩu ròng dầu lớn nhất châu Á, phải cần tới mức giá dầu 70 USD/thùng mới hòa vốn.