Các mạng xã hội cứng rắn với ông Trump: Bước ngoặt quản lý nội dung
Từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên cầm quyền, tài khoản @realDonaldTrump trên mạng xã hội Twitter đã giữ vai trò "loa phóng thanh" trong giao tiếp của ông với công chúng Mỹ và thế giới. Tuy nhiên, "chiếc loa" với 88 triệu người theo dõi (follower) này đã bị gỡ bỏ vào ngày 8/1 vừa qua, khi Twitter tuyên bố khóa vĩnh viễn tài khoản của ông Trump.
Lý giải cho quyết định này, Twitter cho rằng một số nội dung mà ông Trump đưa lên Twitter có tính chất kích động khiến người biểu tình ủng hộ ông gây ra vụ tấn công vào tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Capitol Hill hôm 6/1 - vụ bạo loạn khiến 5 người thiệt mạng và chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Mỹ.
Twitter cho rằng nếu được tiếp tục sử dụng tài khoản cá nhân trên Twitter, ông Trump có thể đăng thêm những nội dung kích động bạo lực.
KHÔNG THỂ MÃI BUÔNG LỎNG KIỂM SOÁT
Không chỉ Twitter mà các mạng xã hội khác cũng thể hiện lập trường cứng rắn với ông Trump. Facebook tuyên bố khóa tài khoản của ông Trump cho tới ít nhất khi ông không còn là Tổng thống Mỹ. Snapchat cũng đã đình chỉ tài khoản của nhà lãnh đạo dự kiến mãn nhiệm vào ngày 20/1/2021.
Việc các nền tảng trên đồng loạt "khóa cửa" đối với ông Trump đánh dấu hành động mạnh mẽ nhất mà các mạng xã hội từng thực hiện để thực thi các quy định về nội dung mà người dùng có thể đăng tải.
Trước đây, cả Twitter và Facebook đều nói rằng các chính trị gia, như ông Trump, sẽ được áp tiêu chuẩn thấp hơn so với người dùng bình thường. Hai nền tảng cho rằng những nội dung mà các chính trị gia đưa lên mạng xã hội - ngay cả những nội dung bị cho là mang tính kích động hay thiếu căn cứ như những gì ông Trump đăng - đều mang lại lợi ích cho công chúng.
Gần đây hơn, các mạng xã hội tiến hành dán nhãn hoặc chặn một số bài đăng có nội dung bị cho là không đúng sự thật hoặc có khả năng gây hại. Chẳng hạn, Twitter đã dán nhãn cảnh báo lên một số cáo buộc vô căn cứ của ông Trump về kết quả bầu cử tổng thống Mỹ 2020. Nhãn dán của Twitter nói rõ rằng đây là nội dung gây tranh cãi.
"Việc thẳng tay khóa tài khoản của ông Trump là một bằng chứng rằng các mạng xã hội nhận thấy không thể mãi buông lỏng cho những nội dung như vậy được đăng tải", tờ The Economist nhận định. Hành động quyết liệt phản ánh nỗi lo của các "ông lớn" này về nguy cơ các nội dung đăng tải đến một lúc nào đó có thể vượt khỏi tầm kiểm soát và gây ra những hệ quả tai hại.
Đối thủ của ông Trump và nhiều học giả về truyền thông xã hội hoan nghênh động thái trên của các nền tảng, một số nói rằng đây là việc lẽ ra phải làm từ lâu. Sau khi tài khoản cá nhân bị khóa, ông Trump dùng tài khoản chính thức @POTUS dành cho Tổng thống Mỹ để cáo buộc Twitter tìm cách "bịt miệng" ông. Tuy nhiên, Twitter cũng đã xóa ngay những dòng trạng thái này.
Trái lại, một số lãnh đạo thuộc Đảng Cộng hòa của ông Trump đã lên án quyết định của các mạng xã hội. "Ngôn luận nên được tự do, cho dù các bạn có nhất trí với một quan điểm nào đó hay không", ông Ben Carson, Bộ trưởng Bộ Phát triển nhà ở và đô thị Mỹ phát biểu.
Sau vụ bạo loạn ở Capitol Hill, không chỉ các mạng xã hội "ra tay" với ông Trump. Apple và Google - hai hãng công ty giữ vai trò "người gác cổng" đối với gần như mọi chiếc điện thoại thông minh (smartphone) trên thế giới - đã xóa Parler khỏi hai gian ứng dụng App Store và Play. Đây là một nền tảng tương tự Twitter được những người thuộc phải cực hữu ở Mỹ sử dụng phổ biến. Apple và Google nói rằng một số phần tử gây bạo loạn đã sử dụng Parler để lên kế hoạch. Amazon cũng nhanh chóng hành động bằng cách loại bỏ Parler khỏi dịch vụ lưu trữ và chia sẻ dữ liệu trực tuyến của mình.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ những năm qua, các "đại gia" công nghệ Mỹ với hàng tỷ người dùng đồng thời cũng trở thành đối tượng của sự chỉ trích và siết chặt giám sát từ mọi phía.
Đảng Cộng hòa thường xuyên cáo buộc các mạng xã hội kiểm duyệt nội dung của phái bảo thủ, trong khi Đảng Dân chủ cho rằng các nền tảng này cho phép đăng tràn lan những nội dung không đúng sự thật và có tính chất đe dọa. Cả hai đảng đều dọa sẽ siết quy chế quản lý mạng xã hội. Chính quyền ông Trump vào tháng 10 năm ngoái đã đâm đơn kiện chống độc quyền đối với Google, và đến tháng 12 kiện thêm Facebook. Cuộc chiến giữa giới công nghệ với Washington được dự báo sẽ tiếp tục căng thẳng trong nhiệm kỳ của Tổng thống đắc cử Joe Biden.
THẾ "CƯỠI TRÊN LƯNG HỔ"
The Economist cho rằng dường như các mạng xã hội đã rơi vào thế "cưỡi trên lưng hổ". Lo ngại về sức mạnh và tầm ảnh hưởng của truyền thông xã hội không chỉ là vấn đề của hai chính đảng của Mỹ. Nhiều nước như Anh, Australia, Singapore, Brazil và Liên minh châu Âu (EU) đều đã thông qua hoặc chuẩn bị thông qua những quy định mới để siết kiểm soát các mạng xã hội. Việc khóa tài khoản của ông Trump, một trong những chính trị gia tầm cỡ nhất thế giới, sẽ càng làm nóng thêm cuộc tranh cãi về ảnh hưởng của các mạng này.
Các chính sách nội bộ về giám sát nội dung của các công ty truyền thông xã hội - đến nay vẫn còn thiếu nhất quán và không được thực thi đầy đủ - có thể sẽ bị cơ quan chức năng các nước theo dõi sát sao hơn trong thời gian tới.
Ấn Độ là một "điểm nóng" nữa của cuộc tranh cãi về mạng xã hội. Ở nước này, Facebook vướng vào cuộc đấu giữa Đảng Quốc đại cánh tả và Đảng Hindu dân tộc chủ nghĩa Bharatiya Janata Party (BJP) cầm quyền. Cả hai đảng này đều cáo buộc Facebook ưu ái đảng kia. Ngay sau khi Twitter tuyên bố khóa tài khoản của ông Trump, ông Tejasvi Surya - lãnh đạo tổ chức thanh niên của BJP - đăng lên Twitter: "Nếu họ có thể làm điều này với Tổng thống Mỹ, họ có thể làm vậy với bất kỳ ai", đồng thời cho rằng Ấn Độ siết kiểm soát đối với các công ty công nghệ càng sớm bao nhiêu thì "càng tốt bấy nhiêu cho nền dân chủ của chúng ta".