09:17 10/10/2007

Các nền kinh tế mới nổi “hút” mạnh vốn FDI

Quốc Trung

Từ năm 2007 đến năm 2011, FDI vào Trung Quốc mỗi năm dự kiến sẽ đạt khoảng 87 tỷ USD và chiếm khoảng 6% tổng FDI toàn cầu

Một điểm đáng chú ý là các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ không chỉ thu hút FDI, mà đang trở thành những nước đầu tư ra nước ngoài ngày càng nhiều.
Một điểm đáng chú ý là các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ không chỉ thu hút FDI, mà đang trở thành những nước đầu tư ra nước ngoài ngày càng nhiều.
Theo Báo cáo về triển vọng đầu tư toàn cầu trước năm 2011 mà Ban thông tin thuộc Hiệp hội các nhà kinh tế và Chương trình đầu tư quốc tế Columbia vừa công bố, ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ hiện chiếm 30% tổng FDI trên toàn cầu.

Báo cáo trên dựa theo kết quả phỏng vấn hơn 600 nhà đầu tư trực tiếp trên toàn cầu.

Những nền kinh tế có sức hút FDI lớn

Từ năm 2007 đến năm 2011, FDI vào Trung Quốc mỗi năm dự kiến sẽ đạt khoảng 87 tỷ USD và chiếm khoảng 6% tổng FDI toàn cầu.

Lượng FDI vào Ấn Độ tăng mạnh, từ mức 6,7 tỷ USD năm 2005 lến đến 17,5 tỷ năm 2006. Dự đoán trong những năm tới, FDI vào Ấn Độ sẽ tăng trưởng ổn định, nhưng không tương xứng với tiềm lực phát triển kinh tế của nước này.

Nhật Bản do kinh tế tăng trưởng chậm chạp và hệ thống pháp luật mang nặng tính bảo hộ sẽ khó thúc đẩy việc thu hút FDI. Trên thực tế, tỷ lệ FDI chỉ chiếm có 2,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản, thuộc hàng thấp nhất thế giới.

Ngoài Trung Quốc, Ấn Độ, một nền kinh tế mới nổi lớn khác là Brazil cũng đang trở thành tâm điểm thu hút FDI. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Brazil trong 8 tháng đầu năm 2007 đã tăng 161% so với cùng kỳ năm 2006, lên 26,5 tỷ USD.

Ngân hàng Trung ương Brazil (BCB) cho biết con số FDI này tương đương 3,78% GDP của Brazil trong cùng kỳ. Kết quả trên đã khiến Chính phủ Brazil nâng mức dự báo lượng FDI vào quốc gia Nam Mỹ này trong cả năm 2007, từ 25 tỷ USD lên 32 tỷ USD.

Mức điều chỉnh tăng này chỉ tính đến lượng FDI rót vào Brazil, chứ không liên quan đến các thương vụ sáp nhập và mua bán những công ty trong nước do các công ty nước ngoài tiến hành. Lượng FDI vào Brazil đã đạt 35,12 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 9/2006-8/2007, tương đương 2,89% GDP trong cùng kỳ.

Trung Quốc, Ấn Độ trở thành các nhà đầu tư lớn

Một điểm đáng chú ý là các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ không chỉ thu hút FDI, mà đang trở thành những nước đầu tư ra nước ngoài ngày càng nhiều.

Chính phủ Trung Quốc hôm 29/9 vừa qua công bố, Quỹ Đầu tư Nhà nước Trung Quốc đã chính thức đi vào hoạt động, với tên viết tắt là CIC, sở hữu số vốn khổng lồ 200 tỷ USD, xếp hạng khoảng thứ 5 thế giới về tổng giá trị vốn. Số tiền này chỉ chiếm gần một phần sáu nguồn dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc và Trung Quốc đang chủ trương sử dụng hiệu quả nguồn ngoại hối dự trữ thông qua quỹ đầu tư nói trên.

Nhờ có mức thặng dư mậu dịch đạt hết kỷ lục này đến kỷ lục khác, tính đến cuối tháng sáu năm nay, Trung Quốc đã có trong tay một nguồn dự trữ ngoại tệ lên tới khoảng 1.300 tỷ USD, nhiều nhất thế giới. Sự ra đời của quỹ đầu tư Trung Quốc đã gây nhiều lo ngại ở phương Tây, vì Bắc Kinh sẽ sử dụng quỹ đầu tư CIC để thỏa mãn cơn khát năng lượng và tài nguyên thiên nhiên.

Chuyên gia kinh tế thuộc trường đại học quốc gia Mexico Francisco Zapata vừa cho biết, để hạn chế mức nhập khẩu hàng hóa đang rất cao từ thị trường Mỹ gây nên tình trạng thâm hụt cán cân thương mại ngày càng tăng, Trung Quốc đã thực hiện chiến lược gia tăng xuất khẩu sang thị trường Mỹ thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động đầu tư vào các quốc gia thứ ba, trong đó Mỹ Latinh là một thị trường trọng điểm.

Trung Quốc đã tuyên bố một loạt dự án đầu tư với tổng trị giá lên tới 100 tỷ USD sẽ được triển khai trước năm 2015 và tập trung chủ yếu tại Brazil, Argentina, Chile, Columbia và Venezuela. Trong hai năm gần đây, đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ Latinh và các châu lục khác đã tăng 70%.

Theo Hãng tin PTI của Ấn Độ, để đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) đã nâng mức giới hạn trần đối với các khoản đầu tư ra nước ngoài của các quỹ, từ 4 tỷ USD lên 5 tỷ USD. RBI đã cho phép các công ty nước này tăng lượng vốn đầu tư ra nước ngoài mà không cần xin phép trước ngân hàng, nhằm giảm sức ép của luồng ngoại tệ đang đổ vào quốc gia Nam Á này.

Ngoài ra, mức giới hạn đầu tư ra nước ngoài của các cá nhân cũng được tăng gấp đôi, lên 200.000 USD/tài khoá. RBI cũng nâng giới hạn đối với các khoản vay mà công ty trả trước cho phía nước ngoài, trong nỗ lực giảm luồng vốn nước ngoài đã quá tải và kiềm chế đà tăng giá của đồng Rupi so với các đồng ngoại tệ khác.

Các công ty tại Ấn Độ hiện có thể trả trước 500 triệu USD các khoản vay thương mại ở nước ngoài mà không cần RBI thông qua, so với mức giới hạn trước đây là 400 triệu USD.