18:00 22/08/2023

Các ngân hàng thương mại đã đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng chuyển đổi số

Kỳ Phong

Trong quý 3/2023, sẽ có 2 Nghị định quan trọng về thanh toán được Chính phủ ký ban hành và Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành ngay 7 thông tư hướng dẫn liên quan….

Thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh từ 2020 đến nay.
Thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh từ 2020 đến nay.

Thông tin trên được lãnh đạo Vụ Thanh toán chia sẻ tại Toạ đàm: "Đảm bảo an ninh, an toàn cho thanh toán điện tử" do Tạp chí Thị trường Tài chính, tiền tệ tổ chức ngày 21/8.

TOÀN HỆ THỐNG XỬ LÝ 8 TRIỆU GIAO DỊCH THANH TOÁN/NGÀY

Chia sẻ tại toạ đàm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), cho biết giai đoạn 2020-2025 chứng kiến sự chuyển động lớn về giao dịch thanh toán của các tổ chức tín dụng.

Nếu như trước năm 2016, khoảng 500.000 – 1.000.000 giao dịch/ngày là con số mơ ước của các tổ chức tín dụng thì đến nay, lượng giao dịch bình quân 1 ngày lên tới 8 triệu giao dịch, với số lượng giao dịch bằng tiền mặt khoảng 900.000 tỷ đồng (tương đương 40 tỷ USD).

“Với lượng thanh toán hàng ngày lớn như vậy, chuyển đổi số là hết sức quan trọng và thiết thực. Đối với ngành ngân hàng, đây là sự chuyển đổi vượt bậc, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 xảy ra", ông Hùng nói.

Theo đại diện Hiệp hội ngân hàng, tính đến tháng 6/2023, lượng tiền giao dịch thanh toán chuyển khoản bình quân tăng 52,35% so với năm 2022. Lượng thanh toán thông qua POS, mã QR, internet và Mobile Banking tăng cả về giá trị lẫn số lượng. Trong khi đó, lượng rút tiền mặt qua ATM giảm khoảng 6,3%. Có thể thấy, chuyển đổi số có thể giúp hạn chế sử dụng tiền mặt và thúc đẩy về thanh toán một cách nhanh nhất, tiện lợi nhất. 

Hiện tại, có khoảng 40 ngân hàng đã mở tài khoản thanh toán cho khách hàng với khoảng 11 triệu tài khoản thông qua phương thức eKYC; khoảng 20 ngân hàng mở tài khoản thanh toán thẻ đối với khách hàng thông qua eKYC với số lượng 10,8 triệu. Đây là một trong những kết quả tích cực trong lĩnh vực thanh toán thẻ.

Đáng chú ý, Chính phủ cũng đã yêu cầu thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dân cư và nếu không có chuyển đổi số thì sẽ không thể tích hợp nhanh đến vậy. Cho đến nay, có khoảng 25 triệu tài khoản của khách hàng đã tích hợp dữ liệu dân cư sau khi Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước có thỏa thuận thống nhất về triển khai về tích hợp dữ liệu dân cư với tài khoản ngân hàng.

Theo ông Hùng, đến nay các ngân hàng thương mại đã đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng cho công cuộc chuyển đổi số.

Bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào, cho biết bà nhận thấy rằng người tiêu dùng Việt Nam rất hưởng ứng và đón nhận chuyển đổi số. Một nghiên cứu của Mastercard vào năm 2022 cho thấy 94% người tiêu dùng Việt Nam sử dụng ít nhất một phương thức thanh toán số trong năm qua trong khi tỷ lệ này ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương là 88%.

“Các ngân hàng, tổ chức tài chính tại Việt Nam đã rất chủ động trong việc đảm bảo bắt kịp các xu hướng và công nghệ. Ít nhất 95% ngân hàng tại Việt Nam đang tích cực thực hiện chuyển đổi số. Từ khóa tôi muốn nhấn mạnh ở đây là sự tích cực", bà Winnie Wong nói.

Theo đó, các ngân hàng ở Việt Nam hiểu rằng chuyển đổi số không chỉ là một hay hai sự cải tiến, mà là một sự phát triển đổi mới liên tục. Đó là những nỗ lực không ngừng tìm kiếm các giải pháp để bảo vệ các giao dịch, phục vụ khách hàng tốt hơn, và đem đến hiệu quả cho không chỉ riêng một ngân hàng mà toàn ngành ngân hàng nói chung. 

KHẨN TRƯƠNG HOÀN THIỆN HÀNH LANG PHÁP LÝ

Đứng ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, chỉ ra 4 nhóm khó khăn, thách thức chính trong lĩnh vực thanh toán điện tử hiện nay.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán.
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán.

Thứ nhất, hành lang pháp lý chưa theo kịp sự tiến bộ của khoa học công nghệ. Nhiều sản phẩm dịch vụ áp dụng hình thức công nghệ tiên tiến hiện đại nhưng chưa có đủ văn bản quy phạm pháp luật hay hành lang pháp lý chưa theo kịp, dẫn đến việc vận dụng cũng như ứng xử gặp nhiều khó khăn. 

Thứ hai, tội phạm gia tăng ở mức độ cao so với nhiều năm. Ngành ngân hàng cũng như các bộ ngành trong thời gian qua triển khai rất quyết liệt các biện pháp ngăn chặn, song vẫn chưa theo kịp. Các vụ việc thường là xảy ra rồi thì các cơ quan liên quan mới bắt đầu xử lý.

Thứ ba, thiếu tương thích giữa các hạ tầng. Có thể nói, hiện nay, ngân hàng sử dụng dữ liệu của ngân hàng, cơ quan công an sử dụng dữ liệu của cơ quan công an (ngoại trừ Đề án 06 đang bước đầu triển khai), nhà mạng viễn thông cũng sử dụng dữ liệu riêng, không khai thác được. Nếu như các cơ sở hạ tầng dữ liệu này tương thích và được tích hợp, kết nối thì trong trường hợp khách hàng mở tài khoản, đăng ký số điện thoại, sử dụng mobile banking thì ngân hàng có thể kiểm tra được số điện thoại chính chủ và người thực hiện có chính xác hay không.

Hiện nay, các hạ tầng này đang từng bước để tiến đến kết hợp được với nhau để xây dựng hệ sinh thái chung và khai thác hiệu quả, góp phần phòng chống gian lận lừa đảo.

Thứ tư, tâm lý, thói quen tiêu dùng tiền mặt của người dân ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo vẫn còn lớn. Kỹ năng sử dụng các dịch vụ ngân hàng số của người dân còn nhiều hạn chế đã góp phần tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo, gian lận. Kẻ gian thông qua sự thiếu hiểu biết, kỹ năng sử dụng dịch vụ ngân hàng số chưa tốt của khách hàng để khai thác và qua đó thực hiện các hành vi gian lận.

Để góp phần giảm dần các hành vi lừa đảo, gian lận, Vụ Thanh toán xác định có 5 nhiệm vụ chính.

Nhiệm vụ đầu tiên là hoàn thiện hành lang pháp lý. Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết Nghị định sửa đổi Nghị định 101 đã trình Chính phủ hơn 4 năm. Ngày 8/8 vừa qua, thường trực Chính phủ đã họp để xem xét, về cơ bản là thống nhất với đề xuất trong dự thảo Nghị định sửa đổi và đã có thông báo yêu cầu Ngân hàng nhà nước hoàn thiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, theo kết luận của Thường trực Chính phủ trong phiên họp đó để trình Chính phủ trước ngày 18/8. 

Ông Phạm Anh Tuấn cũng cho biết Nghị định quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (sandbox) cũng sẽ được trình Chính phủ trong tháng 8.

“Nếu như trong quý 3/2023, 2 Nghị định này được Chính phủ ký ban hành, ngay lập tức Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành 7 thông tư hướng dẫn liên quan. Tất cả những nội dung này chúng tôi cũng đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng và chi tiết. Trong thời gian tới, sau khi Nghị định được ký thì Thông tư cũng sẽ được đăng báo để lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội và các bộ, ban, ngành liên quan. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ chính thức ban hành các thông tư liên quan, có hiệu lực từ ngày 1/1/2024”, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết. 

Bên cạnh hành lang pháp lý, ông Tuấn cho biết Vụ Thanh toán sẽ bám sát 4 nhóm nhiệm vụ không kém phần quan trọng.

Đó là đảm bảo các hệ thống thanh toán quan trọng của quốc gia hoạt động thông suốt, liên tục 24/7; Tích cực ứng dụng các công nghệ mới; xây dựng được một hệ sinh thái sử dụng, khai thác dữ liệu các bộ, ngành liên quan một cách liền mạch, tích hợp với nhau để cho các trải nghiệm của khách hàng một cách thông suốt; Tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để phát hiện và ngăn chặn các hành vi lừa đảo, gian lận; Tiếp tục truyền thông rộng rãi, phổ cập kiến thức tài chính và các cảnh báo đến người dân.