09:17 25/05/2016

Các trung tâm mua sắm tại Singapore ngày một vắng khách

Thu An

Tỷ lệ gian hàng trống tại khu phố mua sắm Orchard Road nổi tiếng nói riêng và Singapore nói chung đã lên mức cao nhất trong 5 năm

Nhiều công ty bán lẻ nổi tiếng thế giới đang rút khỏi Singapore - Ảnh: BudgetHotels.
Nhiều công ty bán lẻ nổi tiếng thế giới đang rút khỏi Singapore - Ảnh: BudgetHotels.
Tỷ lệ gian hàng trống tại khu phố mua sắm trung tâm Orchard Road nổi tiếng nói riêng và toàn bộ Singapore nói chung đã lên mức cao nhất trong 5 năm, theo cập nhật mới nhất từ Bloomberg.

Những gian hàng trống đang xuất hiện ngày một nhiều tại tất cả các trung tâm mua sắm ở Singapore. Bloomberg lý giải một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến doanh số bán hàng tại Singapore ngày một giảm sâu là bởi kinh tế Trung Quốc và nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á thời gian gần đây ngày một tăng trưởng yếu, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, số lượng người đến Singapore và đến các cửa hàng giảm mạnh.

Số lượng gian hàng đóng cửa tăng lên, các công ty bất động sản cũng buộc phải giảm giá cho thuê mặt bằng, tuy nhiên mức giảm giá thuê mặt bằng chưa đủ mạnh để giữ chân các công ty bán lẻ.

Theo phân tích của Bloomberg, có 5 nguyên nhân chính dẫn đến việc hoạt động kinh doanh tại trung tâm thương mại của các hãng bán lẻ tại Singpore ngày một khó khăn bao gồm người tiêu dùng thích công nghệ; việc các hàng bán lẻ thế giới thu hẹp hoạt động; kinh tế Trung Quốc và Đông Nam Á khó khăn khiến họ phải thu hẹp hoạt động; kinh tế Singapore khó khăn và nguồn cung mặt bằng tăng quá nhanh.

“Người tiêu dùng Singapore thích mua hàng trực tuyến hơn bấy kỳ nước/vùng lãnh thổ nào tại Đông Nam Á, tỷ lệ mua hàng trực tuyến tại Singapore cao hơn hẳn so với Hồng Kông hay Malaysia”, giám đốc điều hành tại ARA Asset Management, ông John Lim nhận xét. 

Ông khẳng định các trung tâm thương mại trong khu vực Đông Nam Á sẽ phải định hướng lại kể hoạch phát triển, theo đó, họ nên tập trung nhiều hơn vào việc thiết kế gian hàng cho dịch vụ nhà hàng, giải trí và ngân hàng, giảm sự quan tâm đến nhóm gian hàng phục vụ cho hoạt động kinh doanh thời trang và hàng tiêu dùng.

Nhiều công ty bán lẻ nổi tiếng thế giới đang rút khỏi Singapore. Theo đại diện của tập đoàn Al-Futtaim chuyên phân phối sản phẩm cho nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới bao gồm Marks&Spencer và Zara, tập đoàn sẽ đóng cửa ít nhất 10 gian hàng tại Singapore trong năm nay. Tuy nhiên cùng lúc đó, tập đoàn lại mở thêm nhiều gian hàng khác tại Malaysia hay Indonesia. 

Hãng thời trang New Look của Anh và hàng đồ may mặc Celio của Pháp cũng đã thông báo về quyết định đóng cửa gian hàng tại Singapore trong nửa sau năm 2016. Công ty bất động sản Cushman & Wakefield cho rằng làn sóng đóng cửa các gian hàng sẽ còn dâng cao trong thời gian tới. 

“Sau khi xem xét kỹ lưỡng, chúng tôi đã quyết định rằng Singapore không phải một thị trường tiềm năng”, phát ngôn viên của New Look trả lời Bloomberg về quan điểm của họ đối với thị trường Singapore.

Cũng giống như Hồng Kông, Singapore đang chịu những tác động rõ ràng từ việc người Trung Quốc giảm chi tiêu. Và đối với những khách Trung Quốc vẫn đến Singapore chơi, họ cũng không tiêu tiền mạnh tay như trước. 

“Giờ đây, khách Trung Quốc đến Singapore để trải nghiệm chứ không phải để mua hàng như trước. Khi mà toàn cầu hóa phát triển, người ta có thể mua hàng cùng một thương hiệu ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới, trong bối cảnh đó, các trung tâm thương mại cần phải tạo ra được sự khác biệt. Đáng tiếc, các nhà kinh doanh ở Singapore chưa làm được điều này”, bà Christine Li, giám đốc bộ phận nghiên cứu tại Cushman &WakeField ở Singapore nhận xét.

Ngoài yếu tố kinh tế Trung Quốc và nhiều nước Đông Nam Á khó khăn trong khi đây là nhóm khu vực đóng góp nhiều khách du lịch nhất cho Singapore, chính kinh tế Singapore cũng không tăng trưởng tốt trong thời gian gần đây. 

Trong tháng 3/2016, chỉ số giá tiêu dùng của Singapore giảm đến tháng thứ 17 liên tiếp, tiêu dùng người dân giảm sâu suốt nhiều tháng qua. Theo tính toán của công ty Colliers International, nếu tình trạng hiện tại không cải thiện, giá thuê mặt bằng tại các trung tâm thương mại lớn ở Singapore có thể giảm đến 5% trong năm nay.

Trong khi tiêu dùng liên tục sụt giảm thì nguồn cung mặt bằng kinh doanh lại tăng rất nhanh, Theo Cushman & Wakefield, Singapore sẽ có thêm hơn 1 triệu mét vuông mặt bằng bán lẻ trong 3 năm tới trong khi trên thực tế số lượng gian hàng trống ngày một nhiều.