16:04 09/10/2010

Cải cách hành chính đang chờ “phát súng lệnh”

Hoài Ngân

Dự thảo 24 bản nghị quyết kèm phương án thực hiện liên quan đến việc cải cách hành chính tại 24 bộ ngành đã được hoàn tất

Những nỗ lực cải cách hành chính trong thời gian qua của Việt Nam đã nhận được đánh giá tích cực từ các chuyên gia và nhà đầu tư quốc tế.
Những nỗ lực cải cách hành chính trong thời gian qua của Việt Nam đã nhận được đánh giá tích cực từ các chuyên gia và nhà đầu tư quốc tế.
Dự thảo 24 bản nghị quyết kèm phương án thực hiện liên quan đến việc cải cách hành chính tại 24 bộ ngành đã được hoàn tất, để chờ Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Tháng 10/2010 có thể đi vào lịch sử cải cách hành chính với “phát súng lệnh” quan trọng này.

Nhiều bộ, ngành còn chậm

Ngày 2/6/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 25/NQ-CP, thông qua phương án đơn giản hóa 258 thủ tục hành chính ưu tiên. Theo đó, trước ngày 31/7/2010, các bộ, ngành phải trình Chính phủ 14 dự thảo nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ 1 dự thảo quyết định; ký ban hành 39 thông tư, thông tư liên tịch và 4 quyết định của bộ trưởng.

Đến thời điểm này các bộ, ngành mới trình Chính phủ ban hành được 2 nghị định, ban hành theo thẩm quyền 10 thông tư và 1 quyết định của bộ trưởng, đang trình Chính phủ xem xét 4 nghị định để ban hành trong tháng 10/2010.

Ngoài một số bộ, ngành đã hoàn thành tốt nhiệm vụ theo Nghị quyết 25 như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo…, vẫn còn nhiều bộ, ngành có tiến độ thực thi chậm như Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp…, khi vẫn còn báo cáo là đang dự thảo văn bản thực thi.

Quyết liệt vào cuộc

Tuy nhiên, theo Tổ công tác chuyên trách về cải cách hành chính theo Đề án 30, lãnh đạo Chính phủ đang quyết tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản pháp lý để thúc đẩy quá trình này.

Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi tới các thành viên Chính phủ để lấy ý kiến về phương án đơn giản hóa và dự thảo nghị quyết của Chính phủ về việc thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của 24 bộ, ngành. Các thành viên Chính phủ được yêu cầu có ý kiến trả lời ngay trong tháng 10 này, để Văn phòng Chính phủ tổng hợp hoàn chỉnh nghị quyết trình Thủ tướng ký ban hành.

Tổ công tác chuyên trách cho biết qua tổng hợp nhanh kết quả ý kiến các thành viên Chính phủ, hầu hết các thành viên đều nhất trí với phương án đơn giản hóa và dự thảo nghị quyết do Tổ công tác chuyên trách đề xuất. Đối với một số ý kiến khác, Tổ công tác chuyên trách sẽ nghiên cứu, hoàn thiện để sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Theo tính toán của Tổ công tác chuyên trách, nếu được Chính phủ thông qua 24 nghị quyết về phương án đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cụ thể là trên tổng số 5.421 thủ tục được rà soát sẽ sửa đổi, bổ sung 4.146 thủ tục, thay thế 192 thủ tục, bãi bỏ, hủy bỏ 480 thủ tục, qua đó hàng năm dự kiến sẽ tiết kiệm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp là gần 30.000 tỷ đồng để tái đầu tư, chưa tính chi phí tiết kiệm từ chi phí cơ hội và chi phí hành chính của cơ quan nhà nước.

Đồng thời, theo tổng hợp của Tổ công tác chuyên trách, để thực thi các phương án đơn giản hóa nêu trên thì Quốc hội và Chính phủ và các bộ, ngành cần ban hành theo thẩm quyền các văn bản, theo nguyên tắc một văn bản sửa nhiều văn bản, để sửa đổi, bổ sung một số điều có quy định về thủ tục hành chính được quy định tại 48 luật, 12 pháp lệnh, 183 nghị định, 37 quyết định của Thủ tướng, 336 thông tư hoặc thông tư liên tịch, 313 quyết định của bộ trưởng và 93 văn bản khác như công văn, chỉ thị, thông báo…

Đây thực sự là một khối lượng công việc to lớn, và đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới. Tuy nhiên, điều đáng nói là những nỗ lực cải cách hành chính trong thời gian qua của Việt Nam đã nhận được đánh giá tích cực từ các chuyên gia và nhà đầu tư quốc tế.

Josef Konvitz, Trưởng ban Cải cách thể chế của khối OECD, trong một phát biểu gần đây, nói rằng “đến thời điểm này, có thể khẳng định Việt Nam đang đi đúng hướng, thực hiện khá hiệu quả và huy động được nhiều đối tượng tham gia và chúng tôi cũng đánh giá cao công tác chỉ đạo kiên quyết của giới lãnh đạo”.

Đại sứ Mỹ Michael Michalak, người chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ của mình tại Việt Nam thì nói, ông đã nhận thấy những tiến bộ đáng kể trong tăng trưởng kinh tế, khi mà những thủ tục rườm rà, không cần thiết được loại bỏ. “Đây là một nỗ lực rất lớn của Chính phủ và nó sẽ giúp Việt Nam thu hút thêm đầu tư nước ngoài, làm cuộc sống những người dân bình thường thuận tiện hơn”.