Cần đánh giá việc hợp thức hóa, tẩu tán tài sản từ tham nhũng
Trong những năm gần đây, số lượng các vụ án tham nhũng bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vẫn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng
Đó là đề nghị của Uỷ ban Tư pháp Quốc hội tại báo cáo thẩm tra việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018 thuộc lĩnh vực Ủy ban này phụ trách.
Một trong những nội dung được thẩm tra là kết quả thực hiện yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống tội phạm kinh tế, tham nhũng. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng trọng điểm và thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản, ngăn chặn không để các đối tượng hợp thức hóa, tẩu tán tài sản từ tham nhũng, bỏ trốn ra nước ngoài.
Cơ quan thẩm tra đánh giá, trong thời gian qua, công tác phòng, chống tội phạm kinh tế, tham nhũng tiếp tục được tăng cường, cơ quan chức năng đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ, khám phá thành công nhiều chuyên án lớn, triệt phá các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại đặc biệt nghiêm trọng; đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Theo đó, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo phương châm "làm rõ đến đâu, xử lý đến đó", kể cả những vụ, việc tồn tại từ nhiều năm trước. Khởi tố, mở rộng điều tra, làm rõ hành vi phạm tội tham nhũng, kinh tế đối với nhiều vụ án như: Đinh Ngọc Hệ (Út "trọc"), Phan Văn Anh Vũ (Vũ "Nhôm"), Mobifone mua 95% cổ phần của AVG...
Theo báo cáo của Chính phủ, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 11.559 vụ xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, 224 vụ phạm tội về tham nhũng, chức vụ, 1.515 vụ buôn lậu, đã khởi tố 1.786 vụ/2.679 bị can phạm tội về kinh tế, tham nhũng, chức vụ. Qua đó đã kịp thời kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan nhiều giải pháp khắc phục sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý kinh tế- xã hội, góp phần phòng ngừa tội phạm.
Công tác thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng được quan tâm và có nhiều chuyển biến, một số vụ án tỷ lệ thu hồi đạt cao, có vụ án thu hồi tài sản đạt 100% (vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới xảy ra tại Công ty TNHH sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xây dựng Hồng Việt, Tp.HCM).
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra nêu rõ, qua giám sát của Uỷ ban Tư pháp cho thấy, trong những năm gần đây, số lượng các vụ án tham nhũng bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vẫn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng, vẫn còn đối tượng phạm tội kinh tế, tham nhũng bỏ trốn gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.
Chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử đối với một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm tuy đã có chuyển biến nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Tiến độ điều tra, xử lý một số vụ án còn chậm, việc trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tư pháp dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết còn nhiều.
Uỷ ban Tư pháp đánh giá, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng qua công tác thi hành án còn thấp...
Những hạn chế nêu trên chưa được báo cáo của Chính phủ đánh giá và để ra các giải pháp khắc phục. Bên cạnh đó, báo cáo của Chính phủ cũng chưa đánh giá về thực trạng việc hợp thức hóa, tẩu tán tài sản từ tham nhũng; tình trạng đối tượng có hành vi tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài... để có giải pháp ngăn chặn kịp thời, cơ quan thẩm tra nhận xét.
Uỷ ban Tư pháp đề nghị Chính phủ chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, có giải pháp khắc phục trong thời gian tới để hoàn thành tốt những nhiệm vụ đã được giao tại các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề.