10:34 17/10/2007

Căng thẳng ở Bắc Iraq đẩy giá dầu lên cao

Quốc Trung

Mấy ngày qua, giá dầu thế giới liên tiếp tăng lên mức kỷ lục và lên đến gần 88 USD/thùng vào ngày 16/10

Ít ai ngờ, chỉ trong mấy ngày qua, giá dầu thế giới đã liên tiếp tăng vọt lên các mức kỷ lục mới.
Ít ai ngờ, chỉ trong mấy ngày qua, giá dầu thế giới đã liên tiếp tăng vọt lên các mức kỷ lục mới.
Mấy ngày qua, giá dầu thế giới liên tiếp tăng lên mức kỷ lục và lên đến gần 88 USD/thùng vào ngày 16/10. Như vậy, giá dầu mỏ thế giới đã tăng gần 8 USD/thùng chỉ trong vòng một tuần.

Cách đây vài tuần, giá dầu thế giới lên mức 80 USD/thùng, đã được coi là mức kỷ lục đáng lo ngại. Nhiều chuyên gia dự báo giá dầu có thể lên mức trên 90 USD/thùng vào cuối năm nay.

Song ít ai ngờ, chỉ trong mấy ngày qua, giá dầu thế giới đã liên tiếp tăng vọt lên các mức kỷ lục mới. Nhất là ba ngày gần đây, giá dầu chỉ còn cách mức 90 USD/thùng không đáng kể.

Tại sàn giao dịch hàng hóa New York của Mỹ, giá dầu thô đã tăng liên tiếp trong 6 phiên gần đây. Hôm 15/10, lên 86,13 USD/thùng, trong ngày, giá dầu có lúc còn lên mức 86,22 USD. Cùng ngày, tại thị trường London, giá dầu Brent cũng tăng 2,24 USD, lên 82,79 USD/thùng.

Ngay sau đó, ngày 16/10, giá dầu mỏ thế giới lại tăng lên mức gần 88 USD/thùng, đạt mức cao kỷ lục mới. Tại New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 11/2007 tăng 1,56 USD/thùng, lên 87,69 USD/thùng, có lúc giá dầu trong ngày đã đạt mức 87,97 USD/thùng.

Tại London, giá dầu thô Brent biển Bắc giao cùng tháng tăng 1,21 USD/thùng, lên 83,96 USD/thùng. Sáng 17/10, giá dầu trên thị trường giao dịch điện tử Singapore vẫn ở mức cao là 87,48 USD/thùng.

Tính từ năm 2002 tới nay, giá dầu thô trên thị trường thế giới đã tăng gấp hơn 4 lần. Với đà này, các chuyên gia phân tích của Tập đoàn Citigroup dự báo giá dầu sẽ nhanh chóng đạt mức 90 USD/thùng dầu thô, tương đương mức giá sau cuộc cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979.

Theo các chuyên gia, giá dầu thế giới liên tiếp lập kỷ lục mới trong những ngày gần đây là do những căng thẳng tại khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Iraq, khi Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị mở chiến dịch quân sự quy mô lớn truy quét các phần tử nổi dậy thuộc Đảng Công nhân người Kurd (PKK) đang ẩn náu tại đây. Điều này có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu tại khu vực.

Ông Nauman Barakat, Phó chủ tịch Công ty "Macquarie Futures USA" cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai quân áp sát biên giới, thậm chí đã nã pháo sang một số khu vực ở miền Bắc Iraq cũng như việc ngày 15/10, Chính phủ nước này đề nghị Quốc hội cho phép tấn công các lực lượng li khai người Kurd ở Iraq đã làm cho giới kinh doanh lo ngại tuyến đường ống dẫn dầu mỗi ngày 1 triệu thùng từ Baku của Azecbaizan tới Sheyhan của Thổ Nhĩ Kỳ bị gián đoạn.

Diễn biến này cũng làm tiêu tan phần nào hy vọng về khả năng khôi phục sản lượng khai thác dầu ở các tỉnh nhiều dầu thuộc miền Bắc Iraq.

Bên cạnh đó, việc đồng USD suy yếu, lượng dự trữ dầu sưởi ấm của Mỹ thấp hơn nhiều so với năm trước, trong khi nhu cầu dầu phục vụ sưởi ấm mùa đông tăng, cũng là nguyên nhân khiến giá dầu tăng một cách đáng lo ngại. Ngoài ra, xu hướng các nhà đầu tư tăng cường đầu tư vào lĩnh vực năng lượng trong thời gian gần đây cũng góp phần đẩy giá dầu lên cao.

Trong nỗ lực làm dịu căng thẳng khu vực biên giới Iraq-Thổ Nhĩ Kỹ, ngày 16/10, Phó Tổng thống Iraq, Tareq al-Hashemi đã đến Thổ Nhĩ Kỳ. Theo kế hoạch, ông Hashemi sẽ gặp Thủ tướng nước chủ nhà Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Abdullah Gul.

Cùng ngày, Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp của nội các nước này nhằm thảo luận về lời đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào miền Bắc Iraq để truy quét PKK. Ông Maliki tuyên bố Iraq sẽ tìm mọi cách để "tháo ngòi" cuộc khủng hoảng với nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng khẳng định không chấp nhận bất kỳ giải pháp quân sự nào trong việc giải quyết các vấn đề giữa hai nước.

Trước đó, Iraq và Mỹ đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ không hành động đơn phương và không làm mất ổn định ở miền Bắc Iraq, khu vực được coi là yên bình nhất ở đất nước bạo lực đẫm máu xảy ra hầu như hàng ngày này.

PKK bị Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra ngoài vòng pháp luật và bị nước này, cùng với Mỹ và Liên minh châu Âu, liệt kê vào danh sách các tổ chức khủng bố. Thổ Nhĩ Kỳ đã vài lần đe dọa đưa quân vào miền Bắc Iraq trấn áp PKK, vì cho rằng PKK đang sử dụng khu vực này làm bàn đạp tấn công vào các mục tiêu bên trong Thổ Nhĩ Kỳ và rằng người Kurd ở Iraq vũ trang cho PKK.

Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ từng ký một thỏa thuận an ninh chống PKK, song chưa nhất trí về một điều khoản cho phép quân đội Thổ Nhĩ Kỳ được truy quét các phần tử PKK chạy vào lãnh thổ Iraq như họ từng thực hiện vào những năm 90 của thế kỷ trước.