Căng thẳng thương mại đẩy chứng khoán châu Á xuống gần đáy 2 tháng
Nhiều nhà phân tích đã đưa ra kịch bản dự báo chủ đạo là Mỹ và Trung Quốc không thể đạt một thỏa thuận thương mại
Thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên giao dịch đầu tuần, khi giới đầu tư ngày càng lo ngại về việc liệu Mỹ và Trung Quốc có thể đi đến một thỏa thuận thương mại trong bối cảnh Washington tăng mạnh thuế quan và Bắc Kinh thề trả đũa.
Cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có vẻ như đã bế tắc sau khi Mỹ đòi Trung Quốc sửa luật, còn Trung Quốc tuyên bố sẽ không "nuốt quả đắng" gây tổn hại lợi ích của mình.
Thị trường đang thấp thỏm chờ xem liệu Trung Quốc sẽ tung biện pháp gì để đáp trả việc chính quyền Tổng thống Donald Trump hôm thứ Sáu tăng thuế trừng phạt từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc với lý do Bắc Kinh rút lại những cam kết trước đó trên bàn đàm phán.
Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm thị trường Nhật Bản giảm 0,7%, xuống gần mức đáy của 2 tháng thiết lập vào hôm thứ Năm tuần trước.
Dẫn đầu phiên giảm này của chứng khoán châu Á là chứng khoán Trung Quốc đại lục, với hai chỉ số Shanghai Composite Index và CSI 300 giảm tương ứng 1,3% và 1,8%. Thị trường Hồng Kông đóng cửa nghỉ lễ trong phiên ngày thứ Hai.
Chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật Bản có lúc giảm 1%, chạm đáy kể từ ngày 28/3, trước khi đóng cửa với mức giảm 0,7%. Chỉ số Kospi của thị trường Hàn Quốc giảm gần 1,4%.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm nhẹ còn 2,439%. Lợi suất đang bị giằng co giữa một bên là nhu cầu mua trái phiếu chính phủ để tìm kiếm sự an toàn, một bên là đánh giá cho rằng chiến tranh thương mại leo thang sẽ làm gia tăng áp lực suy giảm tăng trưởng lên nền kinh tế toàn cầu và bởi thế sẽ buộc các ngân hàng trung ương lớn phải áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng.
"Chúng tôi không cho rằng Trung Quốc sẽ bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ", một báo cáo của ngân hàng ING nhận định. "Đây công cụ cuối cùng mà Trung Quốc muốn dùng đến, và thậm chí có thể không được sử dụng cho dù đàm phán thương mại có đổ vỡ đi chăng nữa".
Một số chuyên gia vẫn hy vọng Mỹ-Trung sẽ đạt một thỏa thuận thương mại, nhưng việc này giờ đã trở nên khó khăn hơn và đòi hỏi nhiều thời gian hơn.
"Kịch bản chính của chúng tôi vẫn là Mỹ-Trung có thể đạt thỏa thuận thương mại. Nhưng những thông tin ngày hôm nay cho thấy điều này có thể mất thêm nhiều thời gian và khó có khả năng diễn ra trước khi kết thúc tháng 6", Giám đốc đầu tư John Woods của Credit Suisse tại Hồng Kông nhận định.
Một số chuyên gia khác tỏ ra bi quan hơn, nhấn mạnh việc Mỹ tuyên bố chuẩn bị áp thuế lên nốt khoảng 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại.
"Kịch bản chính của chúng tôi là đàm phán không đạt thêm bước tiến đáng kể nào và Trung Quốc trả đũa. Chúng tôi nhận thấy khả năng lớn toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ sẽ bị áp thuế bổ sung trong khoảng 1 tháng tới đây", ông Michael Hanson, trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô toàn cầu của TD Securities, đánh giá.
"Phản ứng của thị trường sẽ phụ thuộc chủ yếu vào việc liệu Trung Quốc và Mỹ có tiếp tục đàm phán, liệu số 325 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại có bị Mỹ áp thuế, Trung Quốc trả đũa thế nào, và liệu Mỹ có áp thuế lên ô tô nhập khẩu".
Theo ông Hanson, trong kịch bản chính mà ông đưa ra, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc có thể giảm giá 5-6% so với đồng USD trong 3 tháng tới, và sự giảm giá này giữ vai trò như một "tấm đệm" giúp Trung Quốc giảm bớt cú sốc ảnh hưởng kinh tế từ việc bị Mỹ tăng thuế quan.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, tỷ giá đồng Nhân dân tệ tại thị trường ngoài Trung Quốc đại lục giảm xuống mức thấp nhất hơn 4 tháng, với 6,88 Nhân dân tệ đổi 1 USD, tương đương giảm 0,6-07% so với chốt cuối tuần trước.
Tỷ giá các đồng tiền khác như Yên Nhật hay Euro tương đối ổn định.
"Nếu không có bước tiến đáng kể nào trong đàm phán Mỹ-Trung trong vài tuần tới, các đồng tiền của khu vực châu Á sẽ chịu áp lực giảm lớn hơn", ông Khoon Goh, trưởng bộ phận nghiên cứu về thị trường châu Á thuộc ANZ Research, phát biểu.
"Kịch bản chính của chúng tôi là Mỹ và Trung Quốc không đạt một thỏa thuận, đồng nghĩa với việc thuế quan sẽ được nâng lên với phần còn lại của lượng hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ", ông Goh nói.