Căng thẳng với Mỹ, Iran dọa chặn tuyến đường vận chuyển dầu quan trọng
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran cảnh báo có thể chặn hoạt động vận chuyển dầu lửa qua eo biển Hormuz
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran ngày 5/7 cảnh báo có thể chặn hoạt động vận chuyển dầu lửa qua eo biển Hormuz nếu cần thiết.
Lời cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh Tehran và Washington căng thẳng kể từ khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tái áp lệnh trừng phạt lên nước này. Đây là thỏa thuận ký vào năm 2015 giữa Tehran với 6 cường quốc phương Tây nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Iran, đổi lại Iran được phương Tây dỡ trừng phạt kinh tế.
Theo tin từ Reuters, sau khi lời cảnh báo của Iran được đi ra, Hải quân Mỹ tuyên bố sẵn sàng hành động để đảm bảo tự do hàng hải và dòng chảy thương mại.
Đối mặt với căng thẳng gia tăng tại tuyến đường biển có ý nghĩa chiến lược, Liên minh châu Âu (EU) đề xuất một kế hoạch nhằm cứu thỏa thuận hạt nhân với EU, nhưng Tổng thống Hassan Rouhani của Iran nói rằng kế hoạch mà EU đưa ra chưa có những bước tiến đủ xa.
Những ngày gần đây, ông Rouhani và một số quan chức cấp cao của quân đội Iran đã đề cập để khả năng gây gián đoạn vận tải dầu lửa từ các nước vùng Vịnh nếu Mỹ tìm cách cản trở hoạt động xuất khẩu của Iran.
Trong một tuyên bố ủng hộ lập trường cứng rắn của ông Rouhani với Mỹ, người đứng đầu Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran nói lực lượng này sẵn sàng chặn eo biển Hormuz nối giữa vùng Vịnh với đại dương.
Hồi tháng 5, ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tuyên bố áp lệnh trừng phạt trở lại đối với nước này. Mỹ đã đề nghị các quốc gia dừng nhập khẩu dầu từ Iran từ ngày 4/11 nếu không sẽ bị Mỹ trừng phạt.
Hãng thông tấn Jafari của Iran ngày 5/7 dẫn lời ông Mohammad Ali Jafari, chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran - lực lượng quyền lực nhất của quân đội nước này - tuyên bố nếu Iran không thể xuất khẩu dầu lửa do sức ép của Mỹ, thì cũng sẽ không một quốc gia nào ở vùng Vịnh có thể xuất khẩu dầu.
Eo biển Hormuz là con đường vận chuyển dầu lửa quan trọng trên thế giới, với khoảng 1/5 lượng tiêu thụ dầu của toàn cầu đi qua eo biển này mỗi ngày.
"Mỹ và các đối tác sẵn sàng hành động để đảm bảo tự do hàng hải và dòng chảy thương mại tự do ở bất kỳ đâu luật pháp quốc tế cho phép", phát ngôn viên Bill Urban của Bộ Chỉ huy trung tâm Hải quân Mỹ tuyên bố.
Từng là khách hàng nhập khẩu dầu lớn nhất của Iran, EU tuyên bố sẽ giữ thỏa thuận hạt nhân 2015 cho dù Mỹ rút lui. Theo dự kiến, ngoại trưởng của 5 nước còn lại trong thảo thuận sẽ bàn bạc về đề xuất của châu Âu với các quan chức Iran tại Vienna, Áo vào ngày thứ Sáu.
Hồi tháng 5, thủ lĩnh tối cao của Iran, giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei đã ra điều kiện cho cường quốc châu Âu nếu các nước này muốn Tehran ở lại trong thỏa thuận. Điều kiện bao gồm các ngân hàng châu Âu phải đảm bảo giao dịch với Tehran và bảo lãnh cho hoạt động xuất khẩu dầu của Iran.
Hôm thứ Tư tuần này, Tổng thống Rouhani cảnh báo rằng Iran có thể giảm hợp tác với cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hiệp quốc nếu thỏa thuận đổ vỡ.
Căng thẳng giữa Mỹ với Iran là một nguyên nhân quan trọng đẩy giá dầu tăng gần đây. Tuy nhiên, giá dầu thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, xuống mức thấp nhất 1 tuần, do thống kê hàng tuần cho thấy tồn kho dầu của Mỹ bất ngờ tăng.
Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,2 USD/thùng, tương đương giảm 1,6%, còn 72,94 USD/thùng. Giá dầu Brent tại thị trường London giảm 0,85 USD/thùng, tương đương giảm 1,1%, còn 77,39 USD/thùng.