Cảnh báo “dùng dầu làm vũ khí” của Saudi Arabia nguy hiểm cỡ nào?
Giá dầu chạm mốc 100 USD/thùng trước cuối năm nay “không phải là điều không thể” nếu Saudi Arabia hạ sản lượng
Cách đây 45 năm, Saudi Arabia và các đồng minh đã cắt nguồn cung dầu lửa cho Mỹ để phản đối việc Washington hậu thuẫn Israel. Giá dầu lửa khi đó tăng gấp 4 lần, gây ra một cú sốc lớn cho nền kinh tế toàn cầu.
Giờ đây, Saudi Arabia đang đối mặt với đe dọa trừng phạt của Mỹ vì vụ mất tích của nhà báo Jamal Khashoggi. Riyadh ngay lập tức tuyên bố sẽ trả đũa nếu Mỹ áp lệnh trừng phạt. Một nhà bình luận hàng đầu của Saudi Arabia thậm chí còn ngầm cảnh báo rằng dầu lửa có thể một lần nữa được nước này sử dụng như một vũ khí.
Giá dầu 200 USD/thùng?
Trong một bài viết đăng ngày Chủ nhật, ông Turki Aldakhil, Tổng giám đốc kênh truyền thông Al-Arabiya "đe" rằng Mỹ sẽ "tự giết chết nền kinh tế của chính họ" và giá dầu sẽ tăng vọt lên mức 200 USD/thùng nếu Washington áp lệnh trừng phạt lên Riyadh.
Giá dầu chỉ tăng nhẹ khi đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Hai, một dấu hiệu cho thấy ở thời điểm hiện tại thị trường không cho rằng Saudi Arabia sẽ hạn chế nguồn cung. Phát biểu tại Ấn Độ hôm thứ Hai, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia, ông Khalid al-Falih, nói rằng nước này sẽ tiếp tục hành động như "ngân hàng trung ương của thị trường dầu lửa" để giữ cân bằng cung-cầu.
Tuy nhiên, trang CNN Business nói rằng nếu cuộc khủng hoảng về vụ Khashoggi leo thang, thì Riyadh có thể không giữ cam kết trên.
The bà Helima Croft, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa cơ bản thuộc RBC Capital Markets, lời cảnh báo về hạn chế tăng nguồn cung dầu của Saudi Arabia "chắc chắn sẽ ít nhiều gây sức ép tăng giá dầu". Thậm chí, nước này sẽ không chỉ dừng ở mức độ cảnh báo, mà thực sự sẽ "làm chậm lại" việc nâng sản lượng, giữa lúc nguồn cung dầu Iran vốn đã sụt giảm mạnh từ trước khi Mỹ tái áp trừng phạt lên ngành dầu lửa của Tehran vào tháng tới.
Theo dữ liệu của Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu lửa (OPEC), Saudi Arabia hiện khai thác khoảng 10,5 triệu thùng dầu mỗi ngày. Gần đây, nước này tuyên bố sẽ cùng với các nước đối tác, gồm Nga, nâng sản lượng để bù đắp phần nguồn cung hao hụt khi Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Iran.
"Chúng tôi dự báo sản lượng dầu của Iran sẽ giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày", ông Bjornar Tonhaugen, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường dầu lửa thuộc Rystad Energy, phát biểu. "Saudi Arabia là quốc gia duy nhất có đủ công suất khai thác dầu dự trữ để bù đắp cho sự hao hụt nguồn cung như vậy".
Thị trường dầu lửa thế giới đã có nhiều thay đổi bởi sản lượng dầu thô của Mỹ tăng gấp đôi trong vòng 1 thập kỷ qua. Lần đầu tiên kể từ năm 1973, Mỹ trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới - theo số liệu được Bộ Năng lượng nước này công bố tháng trước.
Nhờ đó, Mỹ đã giảm bớt được rất nhiều sự phụ thuộc vào nguồn cung dầu từ Saudi Arabia so với trước kia. Trong năm 2017, Mỹ chỉ nhập khẩu 9% lượng dầu mà nước này tiêu thụ từ Saudi Arabia, theo só liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA). Trong vòng 25 năm qua, nhập khẩu dầu của Mỹ từ vương quốc vùng Vịnh đã giảm khoảng một nửa.
Tuy nhiên, thế giới và cả nước Mỹ vẫn cần đến dầu của Saudi Arabia. Dù nhập khẩu dầu Saudi Arabia của Mỹ giảm xuống, Saudi Arabia vẫn là nguồn dầu nước ngoài lớn thứ nhì của Mỹ, chỉ sau Canada.
Bởi vậy, bất kỳ động thái giảm nguồn cung dầu nào của Saudi Arabia đều có thể đẩy giá dầu toàn cầu tăng, đẩy giá bán lẻ xăng dầu đi lên, kéo theo lạm phát.
Rủi ro đối với Saudi Arabia
Một cú sốc dầu lửa như vậy có thể xảy ra vào một thời điểm vô cùng nhạy cảm. Tổng thống Donald Trump gần đây đã nhiều lần chỉ trích OPEC, và sự chỉ trích này được xem là một dấu hiệu cho thấy ông Trump đang lo ngại rằng giá bán lẻ xăng tăng ở Mỹ có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Quốc hội nước này vào đầu tháng 11.
Ngoài ra, nỗi lo về sự bùng lên của lạm phát đã đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh, dẫn tới một làn sóng bán tháo cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Phố Wall.
"Trong kịch bản Saudi Arabia cắt giảm sản lượng khai thác dầu, giá dầu sẽ bị để lên. Giá tăng bao nhiêu sẽ tùy thuộc và việc họ hạ sản lượng bao nhiêu", chiến lược gia hàng hóa cơ bản Warren Patterson thuộc ING nhận xét.
Giá dầu chạm mốc 100 USD/thùng trước cuối năm nay "không phải là điều không thể" nếu Saudi Arabia hạ sản lượng - ông Robin Mills, Giám đốc điều hành (CEO) của Qamar Energy, nhận định.
Tuy nhiên, hạ sản lượng dầu vào thời điểm hiện nay cũng là một chiến lược rủi ro. Một động thái như vậy có thể đồng nghĩa với việc Saudi Arabia "tự bắn vào chân mình".
"Giá dầu tăng có thể khiến nhu cầu tiêu thụ dầu giảm đi trong ngắn đến trung hạn. Còn trong dài hạn, giá dầu cao sẽ đẩy nhanh tốc độ của những thay đổi mang tính cơ cấu mà chúng ta đang chứng kiến trên thị trường năng lượng", ông Patterson nói, nhấn mạnh việc thế giới sẽ chuyển sang sử dụng nhiều hơn các nguồn năng lượng tái tạo.
"Việc giữ giá dầu ở mức vừa phải để tránh gây thiệt hại cho kinh tế toàn cầu và tránh sự sụt giảm nhu cầu là có lợi cho Saudi Arabia. Làm như vậy cũng giúp họ tránh được sự mất mát thị phần vào tay các nhà khai thác dầu đá phiến hay sự phổ biến gia tăng của nhữn công nghệ không dùng đến dầu lửa như xe chạy điện", ông Mills phát biểu.
Chuyên gia Patterson của ING đồng tình với quan điểm trên: "Giá dầu cao hơn trong một thời gian kéo dài có thể sẽ đẩy tỷ lệ sử dụng xe chạy điện tăng cao hơn trong thời gian tới".