Cắt giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm hơn 6.000 tỷ đồng mỗi năm
Tính đến tháng 12/2018, các bộ đã trình và ban hành 21 văn bản quy phạm pháp luật, cắt giảm, đơn giản hóa 6.776 trong tổng số 9.926 dòng hàng kiểm tra chuyên ngành
Năm 2018, các bộ, ngành được đánh giá là khá "mạnh tay" trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hoá thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục kiểm tra chuyên ngành vốn gây nhiều cản trở trong việc lưu thông hàng hoá qua biên giới. Tuy nhiên, câu chuyện số liệu thực hiện được nêu trên báo cáo vẫn còn khoảng cách khá xa với thực tế áp dụng, vì có những điều kiện, thủ tục được cắt giảm không thực chất.
Theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ cũng như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2018 các bộ, ngành phải cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm, thủ tục kiểm tra chuyên ngành cũng như điều kiện kinh doanh.
Lượng hoá thành tiền
Tính đến tháng 12/2018, các bộ đã trình và ban hành 21 văn bản quy phạm pháp luật, cắt giảm, đơn giản hóa 6.776 trong tổng số 9.926 dòng hàng kiểm tra chuyên ngành, vượt 36,5% chỉ tiêu giao.
Cụ thể, đến tháng 12/2018 các bộ đã trình ban hành được 3 luật và 25 nghị định để cắt giảm, đơn giản được 3.346 trong tổng số 6.191 điều kiện kinh doanh, vượt 8,1% so với chỉ tiêu giao. Ngay đầu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra yêu cầu là việc cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện, thủ tục hành chính phải được lượng hóa thành kết quả cụ thể về thời gian, chi phí tiết kiệm được.
Và đến tháng 12/2018 đã có 8 bộ hoàn thành báo cáo đánh giá tác động kinh tế của công tác cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành mang lại, theo đó, tiết kiệm cho doanh nghiệp và xã hội khoảng 11.642.068 ngày công mỗi năm, tương đương 5.407 tỷ đồng mỗi năm.
Đứng đầu là Bộ Y tế, việc cắt giảm thủ tục hành chính của bộ này đã giúp tiết kiệm được 7.754.650 ngày công mỗi năm, tương đương 3.107,5 tỷ đồng mỗi năm.
Tiếp đến là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ước tính tiết kiệm được 1.800.403 ngày công mỗi năm năm, tương đương 1.291,1 tỷ đồng mỗi năm. Việc cắt giảm thủ tục hành chính của Bộ Giao thông vận tải cũng giúp tiết kiệm được 1.340.000 ngày công mỗi năm, tương đương 660,7 tỷ đồng mỗi năm...
Có 7 trong tổng số 16 bộ đã có báo cáo đánh giá tác động kinh tế của việc đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh mang lại, ước tính tiết kiệm cho doanh nghiệp và người dân khoảng 5.847.925 ngày công mỗi năm, tương đương 872,2 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó đứng đầu là Bộ Y tế ước tiết kiệm được 750.000 ngày công mỗi năm, tương đương 225 tỷ đồng mỗi năm.
Tiếp đến là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã tiết kiệm được 435.980 ngày công mỗi năm, tương đương 214,9 tỷ đồng mỗi năm và Bộ Giao thông vận tải tiết kiệm được 1.340.000 ngày công mỗi năm, tương đương 183,6 tỷ đồng mỗi năm...
Như vậy, tính chung của cả 7 bộ thì việc cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính thời gian qua đã giúp doanh nghiệp và người dân tiết kiệm tổng cộng gần 18 triệu ngày công mỗi năm và hơn 6.000 tỷ đồng mỗi năm.
Doanh nghiệp vẫn hoài nghi
Trong một lần trò chuyện cùng Thời báo Kinh tế Việt Nam, TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã thẳng thắn cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp đang đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải cách thủ tục hành chính. Chưa bao giờ sự kỳ vọng vào một môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng lại lớn như lúc này.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng có phần lo lắng, hoài nghi về những người thực hiện cải cách. Thực tế, nhiều điều kiện kinh doanh được cắt bỏ hoặc đơn giản hóa, nhưng không tạo được tác động tích cực đến doanh nghiệp. Thủ tục hành chính dù được cắt giảm nhưng người thực thi không minh bạch thì doanh nghiệp vẫn không được hưởng lợi.
Doanh nghiệp kỳ vọng vào một công cuộc cắt giảm thủ tục hành chính rất thực chất, các điều kiện kinh doanh không còn "núp bóng" trong các thông tư, nghị định...
Thừa nhận điều này Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng cho rằng, vì sao cùng nhận sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhưng có nơi làm tốt, có nơi làm chưa đạt. Thậm chí nhiều nơi còn có hiện tượng làm chưa thực chất, cắt giảm cơ học, giảm điều kiện này nhưng lại đưa ra quy định trong thông tư khác. Hoặc tuy đã chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nhưng tỷ lệ kiểm tra còn rất nhiều...
Điều đó cho thấy trách nhiệm của người đứng đầu là lãnh đạo các bộ cũng như cấp cục, vụ có quan tâm và quyết tâm trong việc cải cách hay không. Tinh thần của Thủ tướng Chính phủ là phải quyết liệt, yêu cầu công tác cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính phải đi vào thực chất, nhưng trên thực tế người dân, doanh nghiệp vẫn nghi ngại là có căn cứ.
Năm 2019: Phải đi vào thực chất
Trong báo cáo mới nhất của CIEM cho thấy, trong số hơn 5.000 điều kiện kinh doanh thì đến thời điểm này đã có 542 điều kiện được sửa đổi, 771 điều kiện được bãi bỏ, 111 điều kiện được thay thế. Như vậy, tính ra có khoảng hơn 30% số điều kiện kinh doanh đã được cắt bỏ và sửa đổi thực chất, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế nhiều nội dung sửa đổi điều kiện kinh doanh chỉ nhằm mục đích tránh gây sự chú ý, chứ không phải cắt giảm thực sự, do đó mức độ cải thiện về môi trường kinh doanh theo đánh giá của CIEM mới chỉ đạt 40 đến 50% so với trước kia. Nhiều nơi đã đạt hoặc vượt chỉ tiêu cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh nhưng nội dung cắt giảm cũng như hiệu quả cắt giảm vẫn là vấn đề doanh nghiệp lo ngại, vì có nhiều điều kiện kinh doanh đang được được ẩn dưới quy định bằng cụm từ "thực hiện theo quy định của Bộ quản lý".
Bình luận về điều này, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI, cho rằng, năm 2019 là năm bản lề và rất quan trọng cho các doanh nghiệp Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam. Nghị quyết Trung ương 10, Nghị quyết 35 của Chính phủ đều đặt ra mục tiêu đến 2020 Việt Nam phải có được 1 triệu doanh nghiệp.
Tuy nhiên, với những điều kiện kinh doanh phức tạp như hiện nay sẽ có rất ít hộ kinh doanh cá thể muốn trở thành doanh nghiệp. Việt Nam có chỉ số khởi sự kinh doanh vẫn nằm ở vị trí 123 trong tổng số 190 quốc gia, điều này cho Việt Nam cần một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để các doanh nghiệp dễ dàng gia nhập thị trường. Như vậy, với tốc độ thành lập doanh nghiệp mới chưa nhanh như kỳ vọng đang là thách thức rất lớn đối với mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020!
"Cần chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn liền áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân. Xóa bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều hơn một cơ quan và trong năm 2019 phải giảm được ít nhất 50% các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành... Để làm được điều đó Chính phủ phải quyết liệt chỉ đạo, bắt buộc các bộ, ngành phải kết nối qua Cơ chế một cửa quốc gia...", TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.