10:24 08/04/2008

“CDMA và GSM vẫn sẽ song hành tại Việt Nam”

Phụng Tiên

Đại diện Hiệp hội Phát triển CDMA (CDG) tại Đông Nam Á và Trung Quốc nói về tương lai của công nghệ CDMA và GSM tại Việt Nam

"Thực ra có rất nhiều sáng kiến của CDG hỗ trợ các nhà khai thác sử dụng công nghệ CDMA tại thị trường Việt Nam".
"Thực ra có rất nhiều sáng kiến của CDG hỗ trợ các nhà khai thác sử dụng công nghệ CDMA tại thị trường Việt Nam".
Phó chủ tịch Hiệp hội Phát triển CDMA (CDG) tại Đông Nam Á và Trung Quốc, TS. Chung Ming An, đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Nhân dịp này, ông Chung Ming An đã có cuộc trò chuyện về tương lai của công nghệ CDMA và GSM tại Việt Nam.

Ông nghĩ sao về việc phát triển toàn diện của CDMA tại thị trường Việt Nam?

Định hướng phát triển công nghệ CDMA có hai hướng: WCDMA và CDMA 2000. Nếu phát triển WCDMA sẽ đi theo xu hướng sử dụng HSPA, còn CDMA 2000 sẽ sử dụng EV-DO. Với EV-DO, tốc độ đường xuống (download) đạt khoảng 70Mbps và tốc độ đường lên (upload) khoảng 28Mbps.

Với tốc độ như vậy, chắc chắn đủ để cho các nhà khai thác di động triển khai dịch vụ băng rộng trong vòng 5 năm tới. Xu hướng đó cũng đúng với cả thị trường Việt Nam.

Tại Việt Nam, các mạng CDMA hiện nay được xem là yếu hơn mạng GSM với cách biệt đáng kể về số thuê bao. Ông nghĩ sao về thực tế này?

Tôi đồng ý với bạn bởi vì nhu cầu hiện tại Việt Nam chủ yếu chỉ là những dịch vụ cơ bản như thoại và nhắn tin. Do đó, các nhà khai thác di động sử dụng công nghệ CDMA yếu thế hơn so với GSM.

Tương lai, khi người ta có nhu cầu sử dụng dữ liệu nhiều hơn cũng như băng rộng nhiều hơn thì lúc đó những lợi thế của công nghệ CDMA 2000 sẽ được phát huy và tới thời điểm đó thì các nhà khai thác CDMA 2000 sẽ có ưu thế hơn các nhà khai thác sử dụng công nghệ GSM.

Ông có dự báo gì về tương lai của công nghệ viễn thông tại Việt Nam?

Tương lai phát triển công nghệ 3G tại Việt Nam sẽ có 2 loại nhà khai thác. Thứ nhất là các nhà khai thác sử dụng công nghệ GSM sẽ đi theo định hướng chuyển đổi sang WCDMA. Với các nhà khai thác sử dụng CDMA hiện tại sẽ đi theo hướng CDMA 2000 và sử dụng công nghệ EV-DO.

Khi chuyển sang 3G thì các nhà khai thác sử dụng CDMA hiện tại như S-Fone có lợi điểm không nhất thiết phải lắp đặt các loại trạm mới, hay hỗ trợ các thiết bị đầu cuối mới. Trong khi đó, các nhà khai thác sử dụng GSM hiện tại khi chuyển sang 3G họ sẽ có những khó khăn hơn.

Cơ hội thị trường cho các nhà sản xuất thiết bị viễn thông trong nước còn rất nhiều. Đặc biệt, vẫn sẽ có một phân khúc thị trường có thu nhập thấp, nơi mà các nhà khai thác có thể sử dụng các thiết bị đầu cuối có giá thành hạ. Như vậy, những nhà sản xuất trong nước sẽ có cơ hội để sản xuất ra những máy đầu cuối giá rẻ dưới thương hiệu của họ.

Bên cạnh đó, họ cũng đóng vai trò nhà sản xuất thiết bị gốc để sản xuất cho những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Ngoài ra, ngành công nghiệp nội dung cũng sẽ hình thành và phát triển khi có những ứng dụng về dịch vụ giá trị gia tăng.

CDG có sáng kiến nào để hỗ trợ các nhà khai thác CDMA tại Việt Nam không, thưa ông?

Thực ra có rất nhiều sáng kiến của CDG hỗ trợ các nhà khai thác sử dụng công nghệ CDMA tại thị trường Việt Nam. Hai sáng kiến sẵn có của chúng tôi là nhóm chuyển vùng quốc tế (roaming) và thiết bị đầu cuối (handset teams).

Gần đây, chúng tôi mới đưa ra nhóm thiết bị đầu cuối thị trường mở (open market handsets) và đang đàm phán với S-Fone tham gia vào nhóm này. Khi đó, các thiết bị đầu cuối sẽ được chuẩn hoá, dễ dàng hơn cho việc đàm phán mua thiết bị cũng như cung cấp thiết bị cho người tiêu dùng.