Châu Âu trở thành “thủ phủ” mới của tiền điện tử
Với hơn 870 tỷ Euro nhận được trong năm 2020, châu Âu chính thức trở thành “thủ phủ” mới của tiền điện tử trong bối cảnh Trung Quốc siết chặt hơn nữa các lệnh cấm giao dịch trên thị trường này...
Châu Âu hiện là nền kinh tế tiền điện tử lớn nhất thế giới khi lục địa này nhận được hơn 870 tỷ Euro trong tổng các giao dịch tiền điện tử trong năm qua.
Theo phân tích mới đây của công ty dữ liệu blockchain Chainalysis, các quốc gia ở Trung, Bắc và Tây Âu (CNWE ) chiếm 25% tổng hoạt động tiền điện tử toàn cầu.
Cụ thể, Vương quốc Anh chứng kiến khối lượng giao dịch tiền điện tử lớn nhất trong khu vực CNWE, khoảng 145 tỷ Euro. Tiếp theo là các nước Anh, Pháp, Đức, Hà Lan và Tây Ban Nha.
Theo Chainalysis, sự tăng trưởng của châu Âu phần lớn được thúc đẩy bởi hoạt động của các “cá voi” - những nhà đầu tư tổ chức lớn đang nhanh chóng chuyển một lượng lớn tiền điện tử về khu vực này.
“Nền kinh tế tiền điện tử của CNWE bắt đầu phát triển nhanh hơn vào tháng 7/2020. Tại thời điểm này, chúng tôi thấy sự gia tăng đáng kể trong các giao dịch quy mô tổ chức lớn (các chuyển khoản tiền điện tử trị giá trên 10 triệu đô la, tương đương 8,5 triệu Euro trở lên)”, báo cáo của Chainalysis cho biết.
Vào tháng 7 năm ngoái, tổng cộng các khoản chuyển nhượng tiền điện tử của các thể chế lớn đạt khoảng 1,2 tỷ Euro. Đến tháng 6/2021, con số đó đã tăng lên 39,6 tỷ Euro, trong đó các “cá voi” chiếm hơn một nửa tổng khối lượng chuyển tiền điện tử trong khu vực CNWE.
Báo cáo cho thấy phần lớn các giao dịch tổ chức lớn ở châu Âu được chuyển đến DeFi, hay nền tảng "tài chính phi tập trung".
Khi khối lượng giao dịch tiền điện tử ở châu Âu bắt đầu tăng vào giữa năm 2020 thì cùng lúc đó, lượng giao dịch ở Đông Á - nơi vốn từng được xem là “thủ phủ” của tiền điện tử thế giới đã giảm mạnh. Trước đó, Trung Quốc từng được xem là “mảnh đất màu mỡ” để đào tiền điện tử do chi phí điện thấp ở một số khu vực.
Vào năm 2019, Trung Quốc từng là nơi chiếm đến 75% mức tiêu thụ năng lượng đào Bitcoin trên toàn thế giới. Con số sau đó đã giảm xuống 46% vào đầu năm 2021 và có khả năng sẽ giảm mạnh hơn nữa khi các lệnh cấm siết chặt tiền điện tử được công bố mới đây.
Hôm 24/9, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) tuyên bố tất cả giao dịch liên quan đến tiền kỹ thuật số là bất hợp pháp và sẽ bị truy quét. Nguyên nhân bởi chúng được cho là "gây nguy hiểm nghiêm trọng đến an toàn tài sản của nhân dân".
Hồi tháng 5, chính phủ Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ trấn áp hoạt động khai thác và giao dịch bitcoin, xem đây là một phần trong nỗ lực chống lại rủi ro tài chính.