15:05 12/05/2025

Doanh nghiệp công nghệ ngoại “bắt tay” với các trường đại học Việt Nam

Ngô Huyền

Không ít các tập đoàn, công ty công nghệ nước ngoài đang “ngỏ ý” kết nối chiến lược lâu dài với các trường đại học công nghệ của Việt Nam. Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và đại diện trường đại học cho biết điều này không chỉ nhằm giải quyết bài toán nhân lực, mà còn hướng tới mục tiêu tạo ra giá trị kinh tế lâu dài tại thị trường Việt Nam...

Các doanh nghiệp nước ngoài trực tiếp cử chuyên gia, giảng viên, tham gia vào quá trình giảng dạy, thiết kế chương trình đào tạo và định hướng nghiên cứu cho các đại học công nghệ Việt Nam - Ảnh minh hoạ.
Các doanh nghiệp nước ngoài trực tiếp cử chuyên gia, giảng viên, tham gia vào quá trình giảng dạy, thiết kế chương trình đào tạo và định hướng nghiên cứu cho các đại học công nghệ Việt Nam - Ảnh minh hoạ.

Việt Nam hiện đang nổi lên như một trung tâm nhân lực công nghệ. Sức hấp dẫn từ nguồn lực lượng kỹ sư, lập trình viên trẻ, dồi dào, sáng tạo và chi phí phải chăng đã khiến hàng loạt công ty công nghệ của khu vực và cả phương Tây đổ dồn về Việt Nam chiêu mộ tài năng. Trong chiến lược tiếp cận nhân tài bản địa, hợp tác với các trường đại học được xem là giải pháp bền vững.

Bởi vậy cái “bắt tay” giữa các doanh nghiệp ngoại với các trường đại học Việt Nam dần có những thay đổi. Không còn chỉ dừng lại ở các hình thức hỗ trợ tài chính thông qua tài trợ học bổng hay đầu tư cơ sở vật chất, mô hình hợp tác đã chuyển dịch theo hướng toàn diện hơn. Các doanh nghiệp trực tiếp cử chuyên gia, giảng viên, tham gia vào quá trình giảng dạy, thiết kế chương trình đào tạo và định hướng nghiên cứu, thậm chí là tài trợ để sinh viên phát triển những sản phẩm công nghệ ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường. 

DOANH NGHIỆP “ĐẶT HÀNG” ĐÀO TẠO NHÂN LỰC 

Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, lãnh đạo một tập đoàn công nghệ của Mỹ cho biết việc các công ty công nghệ nước ngoài vào Việt Nam để tuyển dụng nhân sự ngay từ khi còn là sinh viên không phải là xu hướng mới, nhưng điều này đã tăng lên đáng kể, đặc biệt trong những năm gần đây. 

“Thay vì giành giật nhân sự từ các công ty khác, việc tuyển dụng sinh viên mới ra trường rõ ràng đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư cả thời gian và công sức để đào tạo. Nếu đáp ứng tốt các kỳ vọng của họ như đãi ngộ hợp lý và lộ trình phát triển rõ ràng thì đây sẽ là chiến lược đầu tư mang lại lợi ích lâu dài đối với bất kỳ doanh nghiệp nào muốn phát triển bền vững”, vị lãnh đạo này chia sẻ. Ông cũng cho biết thêm nhiều công ty bán dẫn tại Singapore đã ngỏ ý muốn sớm hỗ trợ kết nối với các trường đại học công nghệ của Việt Nam để hợp tác đào tạo sinh viên. 

Sự hiện diện của các doanh nghiệp quốc tế tại các trường đại học của Việt Nam đã không còn là điều xa lạ, nhất là trong lĩnh vực công nghệ. Samsung và LG là những ví dụ điển hình. Hơn một thập kỷ qua, hai tập đoàn này mỗi năm có thể chi đến hàng chục tỷ đồng để trao tặng học bổng hay tài trợ các phòng thí nghiệm chuyên sâu về AI, IoT và các công nghệ tiên phong tại các trường đại học lớn của Việt Nam. 

Tuy nhiên, xu hướng hợp tác gần đây giữa hai bên cũng cho thấy những thay đổi rõ rệt trong chiều sâu. Thay vì chỉ tập trung vào hỗ trợ tài chính hay trang thiết bị, nhiều doanh nghiệp đã và đang chủ động tham gia vào quá trình xây dựng, đổi mới chương trình đào tạo từ nội dung lý thuyết đến kỹ năng thực hành, theo hướng gắn chặt với nhu cầu tuyển dụng thực tế. 

Điều này giúp rút ngắn khoảng cách năng lực nhân lực giữa đào tạo và nhu cầu thị trường, nhất là khi giáo trình đào tạo của các đại học Việt Nam còn có phần nặng lý thuyết. Thậm chí, một số chương trình đào tạo còn được thiết kế theo hướng “đặt hàng”, doanh nghiệp chủ động đề xuất nhà trường đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu cụ thể về kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành, và thậm chí cả số lượng nhân sự.

Chẳng hạn, đầu năm 2024 Samsung Electronics đã đề xuất hợp tác với Trường Đại học Công nghệ theo mô hình này. Theo thỏa thuận, Samsung đặt hàng nhà trường tổ chức một chương trình đào tạo thạc sĩ về kỹ thuật điện tử, phục vụ cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Sau khi hoàn thành khóa học tại trường, học viên sẽ sang Seoul (Hàn Quốc) làm việc tại Samsung Electronics trong một khoảng thời gian nhất định. Các sinh viên xuất sắc không chỉ được miễn học phí, mà còn nhận hỗ trợ tài chính toàn phần từ nhà trường để đảm bảo quá trình học tập và nghiên cứu.

Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp cũng tích cực triển khai các chương trình thực tập kéo dài từ 3 - 6 tháng dành cho sinh viên năm cuối hoặc mới tốt nghiệp. Trong thời gian này, sinh viên được tiếp xúc trực tiếp với môi trường làm việc thực tế, hiểu rõ quy trình sản xuất vận hành thực tiễn, cũng như rèn luyện kỹ năng chuyên môn dưới hướng dẫn của doanh nghiệp.

Sau khi kết thúc chương trình thực tập, thông thường khoảng 30 - 40% sinh viên đủ năng lực sẽ được doanh nghiệp tuyển dụng chính thức và tiếp tục được đào tạo chuyên sâu. Đây vừa là cơ hội để sinh viên tiếp cận với môi trường làm việc chuyên nghiệp, bài bản, song cũng là cách để các doanh nghiệp tuyển dụng từ sớm nguồn nhân lực trẻ của Việt Nam. 

Cùng kế hoạch “tham gia sâu vào đào tạo”, các doanh nghiệp cũng đang tích cực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong môi trường đại học. Nhiều chương trình hackathon, cuộc thi sáng tạo và các quỹ ươm mầm khởi nghiệp được triển khai nhằm khuyến khích sinh viên và giảng viên mạnh dạn thử nghiệm ý tưởng công nghệ mới, đã diễn ra trên toàn quốc thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp nước ngoài chủ động đề xuất rót vốn nghiên cứu để đặt hàng các sản phẩm công nghệ từ các trường đại học... 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 19-2025, phát hành ngày 12/05/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Doanh nghiệp công nghệ ngoại “bắt tay” với các trường đại học Việt Nam - Ảnh 1