17:03 23/08/2022

Chênh lệch thu nhập, lao động bất chấp làm việc bất hợp pháp tại nước ngoài

Nhật Dương

Tình trạng lao động làm việc bất hợp pháp tại nước ngoài sau khi hết hạn hợp đồng chủ yếu do chênh lệch về thu nhập so với trong nước rất lớn, từ 7 – 10 lần…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thông tin về hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay có trên 600.000 người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, với thu nhập ổn định, gửi về nước lượng kiều hối lớn, khoảng 3 – 3,5 tỷ USD/năm. Số lượng lao động đưa đi tăng dần các năm, trung bình tăng 10%/năm.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, năm 2020-2021 hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, số đưa đi làm việc năm 2020 là 78.641 người, năm 2021 là 45.058 người.

Tuy nhiên, từ năm 2022, hoạt động này có dấu hiệu phục hồi (8 tháng năm 2022 số lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt 81.000 lao động, bằng 90% kế hoạch năm 2022). Dự kiến, năm 2022 số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài có thể đạt 105.000 người.

Mặc dù vậy, một trong những vấn đề nhức nhối nhiều năm liền tồn tại trong công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đó là tình trạng lao động hết hạn hợp đồng không về nước, cư trú bất hợp pháp.

Tại Thanh Hóa, một trong những tỉnh có đông lao động đi làm việc ở nước ngoài, ông Lê Đình Tùng, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, cho biết trong giai đoạn 2017 – 2021, Thanh Hóa đã đưa trên 42.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tập trung chủ yếu ở các thị trường như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Trung Đông và các thị trường khác. Hàng năm, số tiền người lao động tỉnh Thanh Hóa đi làm việc ở nước ngoài gửi về gia đình ước khoảng 120-150 triệu USD, tương đương 2.700 - 3.400 tỷ đồng.

“Nhiều địa phương có phong trào đi làm việc ở nước ngoài, qua đó các gia đình có con em đi xuất khẩu lao động gửi tiền về đã đầu tư sản xuất kinh doanh, dịch vụ…giải quyết thêm nhiều việc làm mới làm thay đổi diện mạo nông thôn. Những hộ nghèo sau khi đi làm việc ở nước ngoài cơ bản đã thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu”, ông Tùng thông tin.

Mặc dù vậy, lãnh đạo  Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thanh Hóa thừa nhận việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn còn những tồn tại, hạn chế, nhất là việc lao động bỏ ra ngoài, cư trú bất hợp pháp sau khi hết hạn hợp đồng đã làm ảnh hưởng đến tình hình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài nói chung.

Theo số liệu của Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), tính đến tháng 6/2022, Thanh Hóa có gần 900 lao động bất hợp pháp trong tổng số 6.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, chiếm 8,77% tổng số lao động cả nước đang cư trú trái phép tại nước này.

Tình trạng lao động hết hạn hợp đồng không về nước có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do chênh lệch về thu nhập của người lao động làm việc trong nước và nước ngoài rất lớn, từ 7 – 10 lần. Vì vậy, nhiều người lao động vì lợi ích trước mắt đã tìm mọi cách để ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp sau khi hết hợp đồng.

Người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc về nước tìm việc làm tại Hà Nội. Ảnh - Nhật Dương. 
Người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc về nước tìm việc làm tại Hà Nội. Ảnh - Nhật Dương. 

Bên cạnh đó, do người lao động còn ý thức kém, không tuân thủ pháp luật, thiếu tính kỷ luật. Việc tìm kiếm việc làm phù hợp có thu nhập cao với người lao động sau khi hoàn thành hợp đồng về nước cũng gặp rất nhiều khó khăn. “Việc sử dụng lao động bất hợp pháp, hoặc hết hạn hợp đồng không về nước cũng do chủ sử dụng lao động nước ngoài muốn giảm các chi phí, do lao động đã có tay nghề, thành thạo công việc cho nên được chủ sử dụng lao động tạo điều kiện ở lại bất hợp pháp”, ông Tùng cho biết.

Ngoài ra, việc thực thi chế tài xử phạt đối với lao động bất hợp pháp không về nước theo ông Tùng cũng gặp nhiều khó khăn và chưa hiệu quả, do lao động đang ở nước ngoài…

Để hạn chế tình trạng lao động bất hợp pháp, ông Tùng cho rằng cần nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua việc tuyển chọn lao động có kỹ năng, ý thức tổ chức kỷ luật tốt, tuân thủ pháp luật, kỷ luật lao động và tác phong công nghiệp. Đồng thời, cần có cơ chế bảo lãnh người lao động đi làm việc ở nước ngoài để khuyến khích họ hết hạn hợp đồng về nước đúng hạn.

Hơn hết, các chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước đúng hạn cần cụ thể, thực chất hơn. Thời gian qua, việc tổ chức triển khai chính sách này chưa đi vào cuộc sống, đặc biệt, nguồn lực hỗ trợ tạo việc làm cho những lao động về nước tại các địa phương còn rất khó khăn.

Theo ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), việc người lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp khi đi làm việc ở nước ngoài xuất phát từ trình độ nhận thức, tác phong lao động yếu. Vì vậy, người lao động không nhận thức được sự nguy hiểm, tác hại của việc bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp với lợi ích của bản thân, gia đình và xã hội. Nếu bị phát hiện, lao động sẽ bị nước bạn bắt giam, trục xuất và mất cơ hội nhập cảnh trở lại.

Hồi đầu tháng 7, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã thông báo tạm dừng tuyển lao động đi làm việc tại Hàn Quốc năm 2022 đối với 8 quận/huyện thuộc 4 tỉnh gồm: Hà Tĩnh (Nghi Xuân, Cẩm Xuyên); Hải Dương (TP. Chí Linh); Nghệ An (Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Thị xã Cửa Lò); Thanh Hóa (Đông Sơn, Hoằng Hóa).

Đây đều là những địa phương có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 70 người trở lên và tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 27% trở lên. Việc áp dụng biện pháp tạm dừng tuyển chọn tại các địa phương năm 2023 sẽ căn cứ vào tỷ lệ và số lượng lao động của các địa phương cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc vào thời điểm cuối năm 2022.