Kiều hối từ xuất khẩu lao động về Việt Nam khoảng 3 tỷ USD mỗi năm
Hiện mỗi năm Việt Nam đưa được khoảng 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, nguồn kiều hối gửi về hơn 3 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực vẫn là hạn chế rất lớn khi có đến 90% lực lượng lao động này là chưa qua đào tạo nghề…
Thông tin về công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thời gian qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết thị trường lao động được mở rộng, đặc biệt là các thị trường có mức thu nhập và điều kiện lao động tốt; thị phần của lao động Việt Nam tại một số nước, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… gia tăng đáng kể.
MỞ RỘNG CÁC THỊ TRƯỜNG CÓ THU NHẬP CAO
Nhiều thị trường mới đã được mở ra như: Australia, New Zealand, Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa Séc, Slovakia, Rumani. Số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng ổn định, từ năm 2014 đã vượt qua con số 100.000 người/năm.
Trong giai đoạn từ 2013 - 2021 đã đưa được gần 1 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài; lao động đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao hơn so với cùng công việc trong nước; đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước, tăng tích luỹ và cải thiện đời sống người lao động và gia đình.
Tuy nhiên, lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tình hình thế giới và bối cảnh thị trường lao động trong nước. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, hầu hết các quốc gia đều tập trung phòng - chống dịch, thực hiện các biện pháp mạnh như đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội… tập trung mọi nguồn lực cho nghiên cứu, sản xuất và tiêm phòng Covid-19. Việc này dẫn tới đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động tiêu cực tới nền kinh tế, làm giảm nhu cầu sử dụng lao động của nhiều quốc gia.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan, trong giai đoạn tới, dân số Việt Nam bước vào thời kì “già hóa dân số”, tỷ lệ người cao tuổi đạt 14,17% tổng dân số và gần 15,46 triệu người vào năm 2036. Vì vậy, việc ưu tiên đưa số lượng lớn người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có thể không còn phù hợp nữa mà ngày càng chú trọng vào chất lượng lao động để đáp ứng mục tiêu hài hoà giữa thị trường lao động trong nước và ngoài nước.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Lanh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Esuhai, TP. HCM – đơn vị chuyên phái cử lao động đi làm việc tại Nhật Bản nhiều năm, cho biết trong 16 năm qua đơn vị này đã phái cử được hơn 12.000 lao động là những cán bộ kỹ thuật, kỹ sư và sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng tốt nghiệp ra trường đi làm việc tại Nhật Bản.
Từ kinh nghiệm đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài qua nhiều năm, ông Lanh cho biết đến nay hoạt động xuất khẩu lao động có bước phát triển vượt bậc, mang lại những đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội cho Việt Nam. Ở những thập niên 90 Việt Nam chỉ có khoảng 15 doanh nghiệp phái cử mỗi năm khoảng 10.000 lao động đi làm việc ở 15 thị trường. Còn thời điểm hiện tại, Việt Nam có trên 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, phái cử trên 100.000 lao động mỗi năm ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, mỗi năm nguồn kiều hối mang về cho Việt Nam hơn 3 tỷ USD.
Đặc biệt, những năm gần đây, Việt Nam đã chọn lọc và đưa lao động sang các thị trường chiến lược như Nhật Bản, hiện nước này chiếm tỷ trọng cao nhất trong tất cả các thị trường và vẫn còn nhiều tiềm năng, cho thu nhập cao.
“ĐI ĐỂ HỌC NGHỀ, VỀ ĐỂ LÀM CHỦ”
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội thay đổi, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Esuhai thừa nhận có một thực tế là những lao động kỹ sư, lao động kỹ thuật bậc cao, chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài chưa nhiều, hiện không quá 10%, 90% lực lượng lao động còn lại là chưa qua đào tạo tay nghề, ngoại ngữ, năng lực tiếp nhận những kỹ thuật cao ở những đất nước phát triển rất hạn chế.
Điều này cũng đặt ra bài toán giải quyết việc làm cho họ khi về nước khó giải hơn. Theo ông Lanh, chính sách của Nhà nước nhiều năm qua mới tập trung vào hỗ trợ cho người lao động nghèo, yếu thế để giúp họ có điều kiện vay vốn đi làm việc ở nước ngoài, mà chưa quan tâm đến đối tượng có khả năng học tập, tiếp cận tay nghề, công nghệ và tư duy quản lý ở nước ngoài khi trở về.
Đó là lực lượng sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp. “Từng có lãnh đạo địa phương hỏi chúng tôi làm thế nào để giải quyết việc làm cho lao động về nước”, ông Lanh chia sẻ.
Từ kinh nghiệm thực tế, ông Lanh nhận thấy bài toán này không có cách làm nào hơn là “chọn người và đào tạo cho họ trước khi xuất cảnh”. Việc đào tạo trước khi xuất cảnh giúp năng lực của người lao động được nâng lên, khi sang nước sở tại, đặc biệt ở những nước phát triển họ sẽ chủ động học tập, từ đó tư duy được cải thiện, khi về nước không cần giải quyết bài toán này, mà tự bản thân họ sẽ có đủ năng lực để tự tìm việc làm.
“Ở Esuhai, mỗi tháng chúng tôi đón khoảng 200 em về nước, đưa ra nhiều đơn tuyển dụng trong nước để tạo việc làm, tuy nhiên tỷ lệ cần xin việc không quá 10%, số còn lại tự tìm việc trước cả khi về nước”, ông Lanh dẫn chứng.
Theo lãnh đạo Esuhai, thực tế Việt Nam hiện nay cũng đang thiếu lao động trong nước, vậy thì mục đích đưa người đi làm việc tại nước ngoài với tâm thế gì là câu hỏi cần đặt ra để trả lời. Ông Lanh cho rằng cần có định hướng mới trong việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đặc biệt là các nước có quan hệ sâu rộng với Việt Nam, nơi mà Việt Nam đang rất cần học hỏi công nghệ để phát triển.
Từ những thực tế trên, Phó Tổng giám đốc Esuhai kiến nghị Nhà nước cần có lộ trình tăng tỷ lệ người lao động đi làm việc ở nước ngoài có trình độ, được đào tạo, chuyên gia từ 10-30%.
Đồng thời, có chính sách ưu tiên và định hướng đầu tư những ngành nghề chiến lược Việt Nam đang cần như kỹ thuật cao, nông nghiệp sạch, điện - điện tử, tự động hóa... mà những quốc gia phái cử đi đang có, từ đó khai thác được nguồn lực khi về nước.
Nhà nước cũng cần xem xét hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là một giai đoạn trong quá trình đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nhằm đào tạo nguồn nhân lực hội nhập quốc tế. Hàng năm nên phân luồng một tỷ lệ nhất định các sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học đi làm việc ở nước ngoài, đào tạo cho họ về năng lực ngoại ngữ, định hướng chiến lược quốc gia, ngành.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần xem xét phát triển chương trình thanh niên khởi nghiệp gắn với chương trình thanh niên đi làm việc ở nước ngoài với tâm thế "đi để học nghề, về để làm chủ". Thanh niên tham gia chương trình này với mục tiêu sang nước ngoài để học hỏi công nghệ, quan sát thị trường và tích lũy nguồn vốn, khi trở về họ có thể trở thành những người khởi nghiệp.
Một số giải pháp khác cũng được đề cập như: Hình thành Quỹ quốc gia sử dụng cho việc đào tạo đưa chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài; có chính sách hỗ trợ sinh viên khó khăn vay vốn đi làm việc ở nước ngoài mà không cần phụ thuộc vào gia đình, hay chính sách khuyến khích doanh nghiệp phái cử có mô hình khép kín từ khi đào tạo trước khi xuất cảnh đến lúc về nước, kèm đãi ngộ thu hút lao động trở về.