Tạm dừng xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc tại 8 quận/huyện
Đây đều là những địa phương có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 70 người trở lên và tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 27% trở lên…
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa thông báo tạm dừng tuyển chọn lao động đi Hàn Quốc với 8 quận, huyện của 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Hải Dương, Nghệ An và Thanh Hóa.
Việc tạm dừng tuyển chọn lao động tại một số địa phương căn cứ theo Bản ghi nhớ về Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) với Hàn Quốc và mục tiêu, lộ trình giảm lao động cư trú bất hợp pháp giai đoạn 2020-2022.
Sau khi thống nhất với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thông báo tạm dừng tuyển lao động đi làm việc tại Hàn Quốc năm 2022 đối với 8 quận/huyện thuộc 4 tỉnh gồm: Hà Tĩnh (Nghi Xuân, Cẩm Xuyên); Hải Dương (TP. Chí Linh); Nghệ An (Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Thị xã Cửa Lò); Thanh Hóa (Đông Sơn, Hoằng Hóa).
Đây đều là những địa phương có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 70 người trở lên và tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 27% trở lên.
Việc tạm dừng tuyển chọn lao động không áp dụng đối với người lao động đăng ký dự tuyển ngành ngư nghiệp, người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS về nước đúng thời hạn và người lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã tự nguyện về nước trong khoảng thời gian phía Hàn Quốc thực hiện miễn xử phạt.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động người lao động về nước đúng thời hạn hợp đồng và lao động đang cư trú bất hợp pháp về nước.
Việc áp dụng biện pháp tạm dừng tuyển chọn tại các địa phương năm 2023 sẽ căn cứ vào tỷ lệ và số lượng lao động của các địa phương cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc vào thời điểm cuối năm 2022.
Trước đó, trong năm 2021, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc ở 10 quận/huyện thuộc 5 tỉnh gồm: Thanh Hóa (Đông Sơn, Hoằng Hoá, TP. Thanh Hoá), Nghệ An (Nghi Lộc, Thị xã Cửa Lò, Nam Đàn), Hà Tĩnh (Nghi Xuân, Kỳ Anh), Thái Bình (Tiền Hải), Quảng Bình (Bố Trạch).
Những địa phương này từng bị tạm dừng đưa lao động sang Hàn Quốc năm 2021 do có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 28% trở lên và có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 53 người trở lên.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), Ủy ban Chính sách nhân lực nước ngoài của Chính phủ Hàn Quốc cho biết, tổng chỉ tiêu tiếp nhận lao động nước ngoài theo Chương trình EPS Hàn Quốc sẽ tiếp nhận trong năm 2022 được quyết định ở mức 59.000 người (tăng 7.000 chỉ tiêu so với năm 2021), được phân bổ theo ngành nghề như sau: Ngành sản xuất chế tạo; nông nghiệp, chăn nuôi; ngư nghiệp; xây dựng; dịch vụ.
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, Hàn Quốc cũng gia hạn thời gian cư trú 1 năm cho người lao động làm việc theo Chương trình EPS (visa E-9) có thời điểm kết thúc hợp đồng (hợp đồng 3 năm hoặc hợp đồng 4 năm 10 tháng) trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2022 đến 12/4/2022.
Chính phủ Hàn Quốc cũng quyết định tăng số lượng lao động được phép sử dụng tại doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp ngành sản xuất chế tạo có dưới 50 lao động thì được tăng 20% số lao động nước ngoài được phép sử dụng; doanh nghiệp ngành ngư nghiệp được tăng thêm từ 2 - 4 người.
Ngoài ra, Hàn Quốc cũng mở rộng phạm vi đối với người nước ngoài được tham gia lao động thời vụ tạm thời; mở rộng các chế độ ưu tiên đối với lao động thời vụ trung thành như đảm bảo cơ hội tái nhập cảnh; tăng cường xử phạt và hạn chế việc tuyển dụng lao động nước ngoài đối với chủ sử dụng lao động có sử dụng lao động cư trú bất hợp pháp.